Chiều 14/7, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, sau nhiều nỗ lực, đến thời điểm này, địa phương đã bảo đảm đủ đất làm vật liệu san lấp cho dự án cao tốc Biên Hòa-Vùng Tàu, Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh và đá xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Cụ thể, đối với đất làm vật liệu san lấp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận, giải quyết cấp giấy phép khoáng sản nhóm IV đối với 10 hồ sơ do chủ đầu tư, nhà thầu đề xuất với tổng khối lượng là 4,9 triệu m3 (so với nhu cầu là 4,4 triệu m3).
Qua đó, bảo đảm đủ khối lượng phục vụ dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và dự án đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn Đồng Nai.
Về khối lượng đá xây dựng, trên cơ sở đăng ký của các chủ đầu tư thực hiện dự án giao thông trọng điểm phía nam và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp khai thác, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phân bổ đá xây dựng đến các dự án với tổng khối lượng hơn 8,3 triệu m3.
Trong đó, dự án sân bay Long Thành hơn 4,3 triệu m3; cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu thành phần 1, 2 là gần 1,8 triệu m3; dự án do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận gần 620 nghìn m3; dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Thành phố Hồ Chí Minh là 747 nghìn m3; dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Long An là 475 nghìn m3...

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã nâng công suất 50% khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Núi Nứa, mỏ đá Tân Cang 3, Tân Cang 4.
Khối lượng vật liệu khai thác tăng thêm 697 nghìn m3 được sử dụng thi công dự án sân bay Long Thành, dự án ngành giao thông vận tải trọng điểm quốc gia ở khu vực phía nam và của tỉnh Đồng Nai.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành thống nhất bổ sung thêm 585 nghìn m3 đá và điều chỉnh chủng loại đá xây dựng cần sử dụng xây dựng sân bay Long Thành.
Từ nay đến cuối năm 2025, tỉnh Đồng Nai tiếp tục tập trung nguồn đá phục vụ sân bay Long Thành và các dự án giao thông trọng điểm đã đăng ký với tỉnh. Đồng Nai đã phân bổ hết năng lực sản xuất của các mỏ đá trên địa bàn, kể cả khối lượng đã áp dụng cơ chế đặc thù.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã tiếp nhận đề nghị về bố trí vật liệu đá xây dựng phục vụ tuyến đường bộ cao tốc Cà Mau-Đất Mũi; đường giao thông từ Đất Mũi đến cảng Hòn Khoai và cảng tổng hợp lưỡng dụng Hòn Khoai. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan thực hiện các tuyến đường trên chưa cung cấp cụ thể khối lượng, chủng loại, tiến độ tiếp nhận để tỉnh xem xét phân bổ.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, thực tế quá trình thực hiện, một số chủ đầu tư thiếu quan tâm trong điều tiết chủng loại đá, tiến độ tiếp nhận đá và phối hợp trực tiếp với các chủ mỏ mà giao toàn bộ cho nhà thầu.
Điều này, làm phát sinh trường hợp nhà thầu đến thời điểm tiếp nhận đá hoặc chủng loại đá thì chưa được lấy đá hoặc phân không đúng chủng loại, trong khi nhà thầu khác lại chưa cần. Mặc dù tỉnh Đồng Nai đã giao toàn quyền cho chủ đầu tư làm việc với các mỏ đá để điều tiết phù hợp tiến độ, chủng loại.
Đồng Nai được xem là “thủ phủ” khai thác đá của khu vực phía nam và cả nước, với trữ lượng còn lại các mỏ hàng trăm triệu m3 đá. Một số khu vực như Tân Cang (phường Phước Tân), Thạnh Phú (phường Tân Triều), Thiện Tân (phường Trảng Dài), tập trung hàng chục mỏ đá quy mô lớn.
Những nơi này đang cung cấp đá cho nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cũng như đá cho xây dựng dân dụng ở khu vực phía nam. Trong đó, lượng đá các mỏ khai thác khu vực Thạnh Phú, Thiện Tân cung cấp cho các tỉnh Tây Nam Bộ chủ yếu được vận chuyển bằng đường thủy.