Phát triển kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh là hướng đi tất yếu, chuyển đổi số được xác định là một trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, thành phố đã cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 đưa kinh tế số chiếm ít nhất 40% GRDP và đến năm 2045 là 50% GRDP; trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á, với việc triển khai các chính sách đặc thù về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Sau hợp nhất, với mục tiêu vươn tầm trở thành một đô thị tầm cỡ thế giới, trong dài hạn, thành phố có thể được định vị là một trung tâm kinh tế số đa ngành trong khu vực ASEAN với bốn trọng tâm chiến lược.
Thứ nhất, trở thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) của khu vực, nơi phát triển các dịch vụ tài chính số tiên tiến như ngân hàng số, ví điện tử, ứng dụng blockchain; đồng thời, dẫn đầu thử nghiệm các mô hình sandbox (khung thể chế thí điểm) để thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực tài chính.
Thứ hai, thành phố định vị là trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, công nghệ môi trường và các mô hình kinh doanh xanh, phù hợp xu hướng phát triển bền vững.
Thứ ba, trở thành trung tâm logistics số trong khu vực thông qua việc số hóa toàn diện chuỗi cung ứng, tích hợp thông minh giữa cảng biển, sân bay và khu công nghiệp, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và công nghệ AI để tối ưu hóa vận hành logistics.
Thứ tư, thành phố có tiềm năng trở thành trung tâm dữ liệu và AI của khu vực, với việc xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn; là nơi thu hút các công ty công nghệ quốc tế mở văn phòng nghiên cứu và phát triển (R&D).
Việc định vị này không chỉ củng cố vị thế cạnh tranh quốc tế mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và kinh tế số của thành phố. Để thực hiện, thành phố cần có chiến lược căn cơ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp.
Cụ thể, cần nâng cấp hạ tầng số với tốc độ nhanh và quy mô lớn. Việc triển khai phổ cập 5G, phát triển mạng lưới cảm biến IoT, mở rộng cáp quang và trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế là điều kiện cần để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp số phát triển.
Các mô hình quản lý đô thị thông minh sử dụng dữ liệu thời gian thực, phân tích AI trong điều hành giao thông, môi trường, năng lượng… sẽ nâng cao hiệu quả vận hành đô thị và tạo điều kiện phát triển các ứng dụng mới.
Ngoài ra, thành phố cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực số với chiến lược dài hạn và tăng cường phổ cập kỹ năng số cơ bản cho toàn bộ lực lượng lao động thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn, nâng cao nhận thức và học tập suốt đời.
Các trung tâm đào tạo và ươm tạo nhân tài số cần gắn với hệ sinh thái doanh nghiệp để bảo đảm khả năng thích ứng nhanh với thị trường.
Thành phố cũng cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển nền kinh tế số; chủ động kết nối vùng để xây dựng hạ tầng số liên thông, logistics thông minh, tạo ra một thị trường số thống nhất và có sức cạnh tranh cao hơn…