Tuyến Metro số 1 chạy dọc khu đô thị mới. (Ảnh CTV)
Tuyến Metro số 1 chạy dọc khu đô thị mới. (Ảnh CTV)

Nhà nước kiến tạo, tư nhân đồng hành xây dựng hạ tầng

Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và có ảnh hưởng lớn đến cả nước, với kỳ vọng trở thành đô thị toàn cầu, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập cần giải quyết nhanh những khó khăn, bất cập, nhất là hạ tầng giao thông ngày càng quá tải.

Trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông ngày càng cấp thiết nhưng khả năng đầu tư công bị giới hạn, cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân nổi lên như một giải pháp quan trọng. Việc xây dựng mô hình thể chế phù hợp để thể chế hóa vai trò “Nhà nước kiến tạo, tư nhân đồng hành” là yêu cầu cấp bách.

Trong thực tiễn phát triển hạ tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh khi chưa sáp nhập, một số dự án được xem là điểm sáng, góp phần tạo động lực cho sự phát triển đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Điển hình là tuyến Metro số 1, dự án giao thông công cộng trọng điểm với quy mô lớn, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng đã mang lại tín hiệu tích cực về việc hiện đại hóa mạng lưới vận tải công cộng. Dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2, với hình thức kết hợp giữa nguồn vốn ODA và khu vực tư nhân trong khâu vận hành cho thấy hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công-tư) hoặc tư nhân vẫn chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực dễ thu hồi vốn như bán lẻ, nhà ở thương mại... Các lĩnh vực mang tính công ích như xử lý rác thải, cấp nước sạch, giao thông công cộng vẫn ít hấp dẫn với nhà đầu tư tư nhân do lợi nhuận thấp và rủi ro cao. Điều này cho thấy thực trạng về sự phân hóa trong thu hút đầu tư, khiến các mảng hạ tầng thiết yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn lực công hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Thành phố Hồ Chí Minh mới cần xây dựng cơ chế phối hợp công-tư mang tính thể chế hóa, minh bạch và linh hoạt nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Để thực hiện điều này, thành phố cần tầm nhìn quy hoạch rõ ràng, bảo đảm sự đồng bộ về kết nối hạ tầng với các địa phương vệ tinh như Tây Ninh mới, Đồng Nai mới. Việc công khai minh bạch danh mục dự án trọng điểm, ưu tiên các dự án có khả năng thu hút khu vực tư nhân tham gia sẽ tạo cơ sở để nhà đầu tư chủ động lập kế hoạch và cam kết nguồn lực.

Thành phố cũng cần xây dựng khung pháp lý đặc thù phù hợp với tính chất và quy mô của đô thị lớn. Khung pháp lý này cần giảm bớt thủ tục hành chính, tăng tính linh hoạt và nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Đây sẽ là nền tảng pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân tham gia, giúp điều phối nguồn lực hiệu quả hơn…

Bên cạnh đó, thành phố cần thiết lập cơ chế hợp tác công-tư mang tính đổi mới và bền vững, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo chiến lược, tạo môi trường thuận lợi, tư nhân đóng vai trò đồng hành, đầu tư và vận hành hiệu quả. Mô hình “Nhà nước kiến tạo, tư nhân đồng hành” sẽ tạo nền tảng phát triển hạ tầng bền vững, minh bạch, giúp thành phố vượt qua các thách thức về tài chính, kỹ thuật và quản trị. Mô hình này cũng khuyến khích sự hợp tác tích cực, đổi mới sáng tạo từ khu vực tư nhân.

Xem thêm