Pháo đài trong Chiến tranh 100 năm
Theo Geographics, giống như nhiều công trình kiến trúc khác vào thời ấy, pháo đài Bastille ban đầu được xây dựng với mục đích phòng thủ trong Chiến tranh 100 năm giữa người Anh và người Pháp. Thủ đô Paris của Pháp khi ấy đã có một công trình phòng thủ lừng danh là Louvre (sau này trở thành cung điện và bảo tàng). Tuy nhiên, quá trình mở rộng Paris trong thế kỷ 14 đã khiến phía đông thành phố trở nên dễ tổn thương hơn.
Tình hình càng trở nên tồi tệ khi Vua John II của Pháp bị người Anh giam cầm sau thất bại trong trận Poitiers, diễn ra giữa Anh và Pháp vào tháng 9/1356, kết thúc với chiến thắng của người Anh. Để bảo vệ thành phố trước các cuộc tấn công tiềm tàng, Thị trưởng Paris khi ấy là Etienne Marcel đã mở rộng các bức tường, xây thêm cổng thành, một trong số đó là pháo đài Bastille ở phía đông vào năm 1357.
Năm 1369, Vua Charles V tiếp tục củng cố công trình phòng ngự này. Pháo đài Bastille dần thành hình, là một cấu trúc với 8 tòa tháp, dài 68 m, rộng 37 m và cao 24 m. Giữa các tòa tháp là hệ thống đường nối và tường thành với cùng độ cao, có răng cưa và lỗ châu mai, dễ dàng bố trí đại bác đồng thời cho phép lực lượng phòng ngự di chuyển linh hoạt trên toàn bộ pháo đài.
Cả tám ngọn tháp riêng biệt đều có các phòng và hầm tối kiên cố, khó xâm phạm. Đó là thứ sau này sẽ được các đời vua Pháp tận dụng để tạo nên nhà tù hoàng tộc khét tiếng bậc nhất châu Âu. Hình hài của Bastille ngày ấy đã vượt qua lối thiết kế lâu đài tứ giác truyền thống, sau đấy được sao chép ra nhiều nơi ở Tây Âu và nay vẫn được nhìn thấy trong nhiều công trình khác tại Pháp và Anh.
Khi Chiến tranh 100 năm kết thúc vào giữa thế kỷ 15, Bastille cũng dần rũ bỏ vai trò thời chiến của mình. Nó đã trở thành một công trình chiến lược quan trọng. Trong thời chiến, nó là pháo đài và là nơi trú ẩn an toàn. Ở thời bình, Bastille là nhà ngục nhưng cũng là nơi tiếp khách, tổ chức các bữa tiệc xa xỉ của Hoàng gia Pháp, thậm chí đón các phái đoàn quốc tế tới Paris. Vua Charles VII từng trú ẩn tại đây trong giai đoạn đấu tranh quyền lực và sát hại lẫn nhau căng thẳng giữa các gia tộc đầu thế kỷ 15.
Biểu tượng cho quyền lực Hoàng gia
Xuyên suốt từ đó tới thế kỷ 18, Paris đã phát triển không ngừng. Đến thời Louis XVI, Paris đã có hơn 800.000 dân, trở thành đô thị lớn bậc nhất châu Âu. Vùng chung quanh Bastille cũng đã thay đổi, trở thành khu phố quý tộc, vùng sản xuất phục vụ quân sự. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim của nền quân chủ Pháp với đỉnh cao dưới thời Vua Louis XIV. “Vua Mặt trời” cũng là người bắt đầu mở rộng việc sử dụng Bastille như là một nhà tù Hoàng gia.
Các nhà sử học thống kê rằng, đã có 2.230 tù nhân bị giam giữ dưới triều đại của vị vua này, tương đương 43 người/năm. Mỗi người bị giam trung bình khoảng ba năm. Louis XIV cầm tù những kẻ nổi loạn, phản thần, những người bất đồng quan điểm hay chỉ đơn giản là khiến ông khó chịu. Các tội danh phổ biến ở Bastille giai đoạn này là gián điệp, bán hàng giả, biển thủ công quỹ…
Tù nhân bị giam ở nhà ngục lừng danh này dưới một lệnh trực tiếp do vua ban, có đóng dấu Hoàng gia và được một bộ trưởng ký. Việc nhà vua trực tiếp ban hành các lệnh giam cùng sự kiên cố của Bastille đã làm dấy lên nhiều truyền thuyết trong giới thị dân Paris. Tiểu thuyết “Người đàn ông mang mặt nạ sắt” của Alexandre Dumas được viết dựa trên tưởng tượng về Bastille, đưa ra giả thuyết rằng Louis XIV đã giam tại đây chính người anh em song sinh của mình.
Sự thật mãi mãi không được tiết lộ. Nhưng nhiều tài liệu lịch sử đều xác nhận nhà ngục Bastille thật sự ở một đẳng cấp khác. Hầu hết tù nhân tại đây đến từ tầng lớp thượng lưu, nhiều người là quý tộc, thậm chí tới từ các gia tộc gần gũi với Hoàng gia, có khả năng chi trả cho những tiện nghi của nhà tù đặc biệt này. Ngục Bastille cũng được trang trí đẹp hơn bình thường, có vườn cây, khu tập thể dục, thậm chí có cả một thư viện cho tù nhân, thứ dường như là không tưởng với các nhà tù thời trung cổ.
Đến thời Louis XVI, vị vua cuối cùng trước Cách mạng tư sản Pháp, pháo đài Bastille được sử dụng nhiều hơn bởi cảnh sát Paris. Tội phạm chính trị, những nhà tư tưởng, lớp thanh niên đòi cải cách bắt đầu bị giam nhiều hơn ở nhà ngục này. Pháo đài cũng bắt đầu trở thành đối tượng chỉ trích của các nhà văn Pháp trong thế kỷ 18. Họ tin rằng, Bastille là biểu tượng của nền chuyên chế đã lỗi thời, là đại diện cho quyền lực của nhà vua, đồng nghĩa với lầm than, đau khổ cho nhân dân vô tội. Pháo đài năm xưa từng bảo vệ Paris giờ trở thành đối tượng bị chỉ trích trong bối cảnh mâu thuẫn xã hội Pháp ngày càng dâng cao.
Cách mạng Pháp và sự phá hủy Bastille
Tháng 7/1789, Cách mạng Pháp bùng nổ. Ngày 14/7, những người cách mạng cùng số đông quần chúng bao vây pháo đài Bastille. Theo France Channel, quân cách mạng nhận được sự ủng hộ của một số trung đoàn quân đội, nhanh chóng lấn át phe bảo hoàng và tiến tới tấn công ngục Bastille. Pháo đài lúc này được bảo vệ bởi một đội quân dưới quyền của Hầu tước Bernard-Rene Jourdan de Launay. De Launay có trong tay 114 lính, 30 khẩu pháo nhỏ và phải bảo vệ pháo đài, nơi đang chứa 250 thùng thuốc súng mà phe cách mạng muốn chiếm giữ.
Các cuộc đàm phán và giao tranh lẻ tẻ đã nổ ra từ sáng 14/7 tới đầu giờ chiều. Trong khi đàm phán chưa có kết quả, phe cách mạng lao vào pháo đài. De Launay bị kéo ra đường, bị sát hại. Những người chiến thắng nhanh chóng biến Bastille trở thành một biểu tượng mới cho cuộc cách mạng sau này sẽ được biết tới như là cách mạng tư sản lớn nhất lịch sử. Họ thậm chí còn định giữ lại pháo đài như là một chứng tích cho chiến thắng của cách mạng. Tuy nhiên, điều đó không kéo dài lâu. Nhiều phe phái trong cách mạng đều đồng quan điểm cho rằng, Bastile là biểu tượng của một nước Pháp chuyên chế xưa cũ. Họ gọi nó là “nơi nô lệ và kinh hoàng”, “cỗ máy tử thần” của các đời vua Pháp.
Định kiến trên được củng cố mạnh mẽ hơn khi họ tìm thấy các hầm ngục với nhiều dụng cụ tra tấn trong pháo đài. Giới thị dân cũng bắt đầu kể những câu chuyện nửa thực nửa hư về pháo đài Bastille dù thực tế là ở thời điểm bị công phá, các nhà cách mạng chỉ tìm được bảy tù nhân trong ngục. Cuối cùng, họ thành lập một hội đồng gồm năm chuyên gia nhằm phá hủy pháo đài. Một trong số họ là Pierre-Francois Palloy, một nhà thầu xây dựng, người có vai trò quan trọng nhất trong việc phá hủy Bastille.
Do thiếu thuốc súng, pháo đài Bastille bị phá dỡ chủ yếu bằng sức người. Óc kinh doanh nhạy bén khiến Palloy nhanh chóng nhìn ra những cơ hội từ công trình huyền thoại. Một phần số đá được tận dụng để xây cầu Concorde, phần khác được Palloy giữ lại, chạm khắc và coi như vật phẩm kinh doanh. Ông cho làm các phù điêu tưởng niệm, mô hình Bastille thu nhỏ từ chính những viên đá của nhà ngục, tổ chức các chương trình tham quan hầm ngục còn sót lại đồng thời với nhiều hoạt động khác. Người ta tin rằng, Palloy đã thu được không ít từ các hoạt động kinh doanh kiểu này.
Ngày nay, gần như không còn dấu tích nào của pháo đài huyền thoại. Trong những năm cuối của cách mạng, người Pháp đã xây dựng một quảng trường với đài phun nước ở trung tâm tại vị trí từng là ngục Bastille. Nơi này vẫn tồn tại cho tới ngày nay, là một quảng trường đẹp và có giá trị lịch sử của Paris, tập trung nhiều cửa hàng, quán cà-phê sang trọng. Đây cũng thường xuyên là nơi được lựa chọn để tổ chức các buổi trình diễn, hòa nhạc công cộng và cả biểu tình, tuần hành.
Dù không còn tồn tại, ký ức về pháo đài Bastille vẫn đặc biệt quan trọng với người Pháp. Ngày phá ngục Bastille (14/7) cũng được chọn làm ngày Quốc khánh Pháp. Pháo đài huyền thoại đã tồn tại hơn 400 năm và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.