Đây là bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển, dù hiệp định vẫn cần thêm nhiều quốc gia phê chuẩn mới có hiệu lực.
Bàn về tương lai đại dương
Hiệp định BBNJ, được thông qua ngày 19/6/2023 tại Hội nghị liên chính phủ về đa dạng sinh học biển ngoài quyền tài phán quốc gia, là thỏa thuận thực hiện thứ ba của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hiệp định điều chỉnh hoạt động tại các vùng biển quốc tế, chiếm gần hai phần ba diện tích đại dương và 95% thể tích, bao gồm vùng biển khơi và đáy biển quốc tế.
Theo ông Jean-Pierre Gattuso, Trường đại học Sorbonne (Pháp) và Tiến sĩ Francois Houllier, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế, Paris (Pháp), việc ký kết văn kiện này là cột mốc lịch sử đối với EU, bổ sung khung pháp lý cho UNCLOS, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học biển trước các thách thức như ô nhiễm, khai thác quá mức và biến đổi khí hậu (BĐKH).
Hiệp định tập trung vào một số chủ đề chính bao gồm tài nguyên di truyền biển và chia sẻ lợi ích công bằng, công cụ quản lý theo khu vực như khu bảo tồn biển, đánh giá tác động môi trường, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ hàng hải. Trong đó, khai thác tài nguyên di truyền biển được hiểu là quá trình thu thập, nghiên cứu, và sử dụng các nguồn gene từ sinh vật biển như vi khuẩn, tảo, động vật biển… để phát triển sản phẩm hoặc ứng dụng công nghệ, đặc biệt trong y học, nông nghiệp và công nghiệp. Tài nguyên di truyền biển bao gồm mã di truyền, protein và các hợp chất sinh học từ sinh vật biển, được khai thác thông qua các phương pháp như lấy mẫu sinh học, phân tích di truyền, hoặc nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Do vậy, những “tài nguyên” này cũng cần được chia sẻ công bằng như tài nguyên theo cách hiểu truyền thống khác.
Các chuyên gia nhận định rằng, vai trò của tài nguyên di truyền biển trong y học là rất lớn, do đại dương chứa hơn 80% đa dạng sinh học toàn cầu, với nhiều loài có khả năng sản sinh hợp chất độc đáo. Thí dụ, một số hợp chất chiết xuất từ sinh vật biển được sử dụng để điều trị ung thư mô mềm. Một thí dụ khác là enzyme từ vi khuẩn biển sâu được ứng dụng trong xét nghiệm PCR để phát hiện virus, nhờ khả năng chịu nhiệt cao.
Theo Quỹ Đại dương (OF), tiềm năng y học của tài nguyên di truyền biển có thể mang lại doanh thu hàng tỷ USD hằng năm, đặc biệt trong phát triển thuốc điều trị ung thư, kháng sinh, mỹ phẩm sinh học. Hiệp định BBNJ thiết lập cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, bảo đảm các nước đang phát triển được hưởng lợi từ nghiên cứu, thay vì chỉ các tập đoàn công nghệ cao.
Đến nay, Hiệp định đã thiết lập nhiều hoạt động như Hội nghị các bên, cơ chế tài chính, Trung tâm trao đổi thông tin để hỗ trợ thực thi. Theo UNCLOS, không quốc gia nào được tuyên bố chủ quyền với tài nguyên di truyền biển tại vùng biển quốc tế, và việc khai thác phải phục vụ lợi ích chung của nhân loại, ưu tiên các nước đang phát triển. Hiệp định mở ký trong hai năm từ 20/9/2023 đến 20/9 năm nay, sẽ có hiệu lực 120 ngày sau khi đủ 60 quốc gia phê chuẩn.
Tính đến ngày 20/6, 136 quốc gia đã ký Hiệp định BBNJ, có 21 quốc gia hoàn tất quá trình phê chuẩn. Ủy viên EU phụ trách Thủy sản và Đại dương Costas Kadis nhấn mạnh: “Phê chuẩn Hiệp định BBNJ là bước tiến lịch sử để bảo vệ đại dương và gìn giữ cân bằng sinh thái hành tinh. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia nhanh chóng tham gia để hiệp định có hiệu lực trước thềm Hội nghị Đại dương LHQ năm 2025 tại Nice, Pháp”.
Vừa qua, Hội nghị Đại dương LHQ lần thứ ba (UNOC3) diễn ra từ ngày 9 đến 13/6 tại Nice (Pháp), được xem là nền tảng toàn cầu thúc đẩy quản trị đại dương bền vững và thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về môi trường sống dưới biển. UNOC3 do các quốc gia thành viên LHQ đồng tổ chức, quy tụ lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nghiệp, và tổ chức xã hội nhằm giải quyết những thách thức như biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm nhựa, đánh bắt cá bất hợp pháp, hay suy giảm đa dạng sinh học biển.
Tiến sĩ Francois Houllier cho biết, UNOC3 tập trung vào các giải pháp dựa trên khoa học, công nghệ tiên tiến, cải cách chính sách, và cơ chế tài chính để bảo vệ hệ sinh thái biển. Các chủ đề chính bao gồm mở rộng khu bảo tồn biển, giảm ô nhiễm hóa học, tăng cường tài chính đại dương, nâng cao vai trò của cộng đồng bản địa và thanh niên trong quản lý đại dương. Đại sứ Pháp tại LHQ Jerome Bonnafont khẳng định: “UNOC3 và Hiệp định Biển cả là cơ hội để thế giới cam kết bảo vệ đại dương, vốn đang chịu áp lực lớn từ hoạt động con người”.
Tại Hội nghị, các quốc gia đã nhấn mạnh vai trò của Diễn đàn Kinh tế và Tài chính xanh, đây là một khuôn khổ nơi các nhà tài chính, chính phủ và doanh nghiệp thảo luận về trái phiếu xanh, quỹ đại dương bền vững, và đầu tư tác động để hỗ trợ các quốc đảo nhỏ (SIDS) và cộng đồng ven biển. Các cuộc thảo luận tại Nice cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ công nghệ, và tài trợ để giảm bất bình đẳng trong quản trị đại dương.

Triển vọng kinh tế biển
Nền kinh tế đại dương là động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu, đóng góp hàng nghìn tỷ USD mỗi năm thông qua các ngành như ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận tải biển, du lịch, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học biển. Theo báo cáo “Nền kinh tế đại dương đến năm 2050” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nếu coi là một quốc gia, nền kinh tế đại dương sẽ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 2019, với giá trị gia tăng toàn cầu (GVA) đạt 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2020, tăng gấp đôi từ 1,3 nghìn tỷ USD năm 1995.
Đại dương bao phủ 71% bề mặt Trái đất, cung cấp thực phẩm cho hơn ba tỷ người, vận chuyển 80% hàng hóa toàn cầu, là nơi đặt mạng lưới cáp với 98% lưu lượng internet qua cáp biển. Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2020, nền kinh tế đại dương tạo việc làm cho 133 triệu lao động toàn thời gian, sau đó giảm còn 101 triệu vào năm 2020 do tác động của dịch Covid-19. Khu vực Đông Á đóng góp 56% tăng trưởng kinh tế đại dương. Trên thế giới, Na Uy có tỷ trọng kinh tế đại dương cao nhất, cho thấy sự phụ thuộc lớn vào biển của quốc gia này.
Tuy nhiên, đại dương đang đứng trước nhiều thách thức như ô nhiễm nhựa, khai thác quá mức, BĐKH. Báo cáo OECD nhấn mạnh: “Cần ra quyết định dựa trên khoa học và cải thiện quản trị đại dương để loại bỏ hoạt động có hại và chống những hành vi “kinh tế đại dương đen” như khai thác bất hợp pháp”. Một số nhóm giải pháp bao gồm trái phiếu xanh, quỹ đại dương bền vững hay thiết lập quan hệ đối tác công - tư để tài trợ cho bảo tồn biển và phát triển kinh tế.
Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Gattuso thuộc Trường đại học Sorbonne cho hay, trái phiếu đại dương là công cụ tài chính được phát hành để huy động vốn cho các dự án bảo vệ và phát triển bền vững đại dương, như khu bảo tồn biển, năng lượng tái tạo, hoặc xử lý ô nhiễm. Một thí dụ là dự án trái phiếu đại dương của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Seychelles ra mắt năm 2018, đã huy động được khoản tài chính lên tới 15 triệu USD để tài trợ các khu bảo tồn biển và quản lý nghề cá bền vững. Bà Lisa Genasci, Giám đốc Điều hành Quỹ ADM - tổ chức hỗ trợ dự án này của WB - cho hay: “Trái phiếu đại dương không chỉ cung cấp vốn cho bảo tồn mà còn thúc đẩy hợp tác công - tư, tạo mô hình tài chính bền vững cho các quốc gia ven biển”. Dự án này đã tăng diện tích khu bảo tồn biển tại Seychelles, cải thiện sinh kế cho ngư dân.
Trong nỗ lực bảo vệ đại dương toàn cầu, Hiệp định BBNJ đặt nền tảng pháp lý cho quản trị vùng biển quốc tế, hướng tới mục tiêu bảo vệ 30% đại dương vào năm 2030. Trên lộ trình đó, hội nghị UNOC3 đã thúc đẩy phê chuẩn hiệp định và hợp tác quốc tế, đồng thời cũng mở ra những góc nhìn, đưa ra giải pháp hoặc kinh nghiệm thực tiễn đóng góp cho sự phát triển và khai thác tiềm năng của kinh tế đại dương, gồm cả tiềm năng kinh tế và sinh thái to lớn.