Một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật của quân đội Mỹ. Ảnh: DEFENSE NEWS
Một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật của quân đội Mỹ. Ảnh: DEFENSE NEWS

Bước ngoặt về không phổ biến vũ khí hạt nhân

Ngày 1/7/1968, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) chính thức được các quốc gia ký kết tại ba thành phố Moscow (Nga), Washington D.C (Mỹ) và London (Anh).

Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 5/3/1970, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, thúc đẩy giải trừ quân bị và khuyến khích sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Nội dung cốt lõi của NPT

Với 191 quốc gia thành viên tính đến năm 2025, NPT là một trong những hiệp ước quốc tế nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất, thể hiện khát vọng chung của nhân loại về một thế giới không bị đe dọa bởi thảm họa hạt nhân.

Theo Topwar, Hiệp ước ra đời trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh diễn ra căng thẳng, khi cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô (trước đây) tạo ra nguy cơ xung đột hạt nhân. Hai vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki (năm 1945) của Nhật Bản khiến hơn 210.000 người chết đã để lại vết thương sâu sắc trong lịch sử nhân loại, thôi thúc cộng đồng quốc tế hành động. Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, năm 2022, NPT đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân trong thời kỳ căng thẳng địa-chính trị gia tăng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng “nguy cơ hạt nhân hiện nay cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh Lạnh”.

Theo Reuters, NPT được đàm phán từ năm 1965 đến 1968 bởi Ủy ban giải trừ quân bị gồm 18 quốc gia, một tổ chức do LHQ bảo trợ tại Geneva (Thụy Sĩ). Ireland là quốc gia soạn thảo Hiệp ước, trong khi Phần Lan là nước đầu tiên ký kết. Ý tưởng về một hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân được Frank Aiken, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland, khởi xướng từ năm 1958, nhằm thiết lập một chuẩn mực quốc tế ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hiệp ước được thông qua bởi Đại Hội đồng LHQ ngày 12/6/1968 và chính thức có hiệu lực năm 1970. Năm 1995, tại hội nghị đánh giá ở New York (Mỹ), hơn 170 quốc gia thành viên quyết định gia hạn hiệp ước vô thời hạn, khẳng định vai trò trung tâm của NPT trong an ninh toàn cầu.

NPT được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc trụ cột chính. Thứ nhất là không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết không phát triển hoặc nhận chuyển giao vũ khí hạt nhân. Năm quốc gia được công nhận là cường quốc hạt nhân (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) cam kết không chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các nước khác. Thứ hai là giải trừ hạt nhân. Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết đàm phán thiện chí để tiến tới giải trừ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân. Thứ ba là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tất cả các quốc gia có quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân cho mục đích hòa bình, với sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Theo chuyên gia Mohamed ElBaradei, cựu Tổng Giám đốc IAEA, NPT là “một giao ước toàn cầu giữa các quốc gia có và không có vũ khí hạt nhân, tạo ra sự cân bằng giữa an ninh và phát triển”. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng “khoảng cách giữa lời nói và hành động trong việc giải trừ hạt nhân vẫn là thách thức lớn”.

Theo Izvestia, NPT đã đạt được những thành công đáng kể trong hạn chế số lượng quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tính đến 2025, chỉ có chín quốc gia được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm năm quốc gia được NPT công nhận (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) và bốn quốc gia ngoài hiệp ước (Ấn Độ, Pakistan, Israel, CHDCND Triều Tiên). So dự đoán của các nhà phân tích vào thập niên 60 thế kỷ trước, có thể có tới 20-30 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vào cuối thế kỷ 20, con số thực tế cho thấy hiệu quả giảm trừ hạt nhân của NPT.

NPT đã tạo điều kiện để các quốc gia tiếp cận công nghệ hạt nhân vì mục đích dân sự như sản xuất điện và nghiên cứu y học. IAEA đã thực hiện hơn 2.500 cuộc thanh sát hằng năm tại các cơ sở hạt nhân trên toàn cầu để bảo đảm tuân thủ hiệp ước. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) năm 2024, NPT đã giúp giảm nguy cơ xung đột hạt nhân thông qua việc thiết lập các cơ chế giám sát và đối thoại quốc tế. Các hội nghị kiểm điểm NPT, tổ chức 5 năm một lần, là diễn đàn quan trọng để các quốc gia thảo luận về không phổ biến và giải trừ quân bị.

Thách thức đối với NPT

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, NPT cũng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh địa-chính trị phức tạp năm 2025. Một trong những rào cản lớn của NPT là bất đồng về mục tiêu giải trừ quân bị. Các quốc gia phi hạt nhân như Mexico, Brazil và Nam Phi cho rằng, các cường quốc hạt nhân chưa thực hiện nghiêm túc cam kết giải trừ theo Điều 6. Trong khi đó, các cường quốc hạt nhân nhấn mạnh không phổ biến là ưu tiên hàng đầu, dẫn đến căng thẳng tại các hội nghị kiểm điểm NPT. Hội nghị năm 2022 đã thất bại trong việc thông qua Tuyên bố chung do bất đồng giữa Mỹ và Nga liên quan xung đột tại Ukraine.

Một báo cáo của IAEA cho thấy, Nga và Mỹ sở hữu khoảng 90% trong tổng số 12.121 đầu đạn hạt nhân toàn cầu, nhưng cả hai nước đều đang đầu tư mạnh vào hiện đại hóa kho vũ khí này. Trong khi đó, bốn quốc gia chưa bao giờ tham gia NPT (Ấn Độ, Pakistan, Israel, Nam Sudan) và CHDCND Triều Tiên (rút khỏi Hiệp ước năm 2003) là những thách thức lớn. Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử vũ khí hạt nhân từ năm 2006 đến năm 2017, bất chấp các lệnh trừng phạt. Israel duy trì chính sách “mơ hồ hạt nhân”, không xác nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu vũ khí hạt nhân, gây căng thẳng ở Trung Đông.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), được thông qua ngày 7/7/2017 và có hiệu lực từ năm 2021, đã tạo ra làn sóng tranh cãi lớn trên một số diễn đàn quốc tế. Với 73 quốc gia phê chuẩn tính đến tháng 9/2024, TPNW cấm hoàn toàn việc phát triển, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tất cả các cường quốc hạt nhân đã phản đối TPNW vì cho rằng hiệp ước này làm suy yếu NPT.

Giới chuyên gia nhận định, NPT vẫn là nền tảng quan trọng của hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, nhưng tương lai của hiệp ước phụ thuộc vào khả năng giải quyết các bất đồng giữa các quốc gia thành viên. Hội nghị kiểm điểm NPT năm 2026 tại New York sẽ là cơ hội để các nước tái khẳng định cam kết và xây dựng lộ trình cụ thể cho giải trừ quân bị.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng căng thẳng địa-chính trị, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng Iran - Israel có thể làm suy yếu hiệp ước. CNN dẫn lời một quan chức Lầu năm góc cảnh báo: “Mỹ có thể mở rộng kho vũ khí hạt nhân để đối phó với Nga và Trung Quốc” và điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang.

Để tăng cường hiệu quả của NPT, các chuyên gia quốc tế đề xuất một số giải pháp như cần tăng cường đối thoại đa phương, thực hiện cam kết giải trừ quân bị. Các cường quốc hạt nhân công khai kế hoạch giảm kho vũ khí như yêu cầu của các nước không liên kết. Ngoài ra, nâng cao vai trò của IAEA bằng cách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để mở rộng các cuộc thanh tra, giám sát, đồng thời thúc đẩy các khu vực phi hạt nhân, theo đó thiết lập khu vực không vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Trung Đông là ưu tiên cấp bách để giảm căng thẳng.

Sau hơn 50 năm, NPT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng đối mặt những thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại nhiều khu vực, sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là các cường quốc hạt nhân, là chìa khóa để bảo đảm hiệu quả của hiệp ước. Như lời Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại hội nghị NPT 2022: “Loại bỏ vũ khí hạt nhân là con đường duy nhất để bảo đảm an ninh chung cho nhân loại”.

Xem thêm