Làm thay đổi mô hình bệnh tật
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BĐKH có thể làm thay đổi mô hình lây truyền của các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết và bệnh tả, có khả năng dẫn đến bùng phát đại dịch. Nhiệt độ ấm hơn và lượng mưa ít đi có thể làm tăng phạm vi các tác nhân truyền bệnh như muỗi và bọ, khiến nhiều người có nguy cơ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như những đợt nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão thường xuyên và dữ dội hơn có thể gây ra thương tích, tử vong, khiến hàng triệu người phải di tản và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thời tiết khắc nghiệt cũng có thể gây hư hại hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, cản trở việc tiếp cận các dịch vụ y tế quan trọng.
Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, BĐKH “về cơ bản là một cuộc khủng hoảng sức khỏe” đang gây thiệt hại cho sức khỏe con người, xã hội, nền kinh tế và các hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải trên toàn thế giới. “Cuộc khủng hoảng khí hậu là một trong những thách thức sức khỏe quan trọng nhất mà nhân loại đang phải đối mặt hiện nay. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng giả định trong tương lai. Nó đang ở đây và ngay bây giờ. Nếu không hành động ngay lập tức, sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh liên quan khí hậu, sự phá hủy cơ sở hạ tầng y tế và gánh nặng xã hội ngày càng tăng có thể gây thêm sức ép lớn lên các hệ thống y tế vốn đã quá tải trên toàn thế giới”, ông Tedros cho biết.
Người đứng đầu ngành y tế của LHQ nhấn mạnh rằng, BĐKH đang làm thay đổi mô hình lây truyền bệnh tật đối với các bệnh nhiễm trùng như sốt rét, sốt xuất huyết và dịch tả, trong khi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang phá hủy cơ sở hạ tầng y tế và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Ông Tedros cũng nhấn mạnh rằng, các bệnh không lây nhiễm, bao gồm ung thư và các bệnh tim mạch, có liên quan BĐKH và ô nhiễm không khí.
CNN dẫn một báo cáo của WHO cho hay, tính đến cuối năm 2024, khoảng 920 triệu trẻ em đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch. Tiến sĩ Tedros cảnh báo điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi BĐKH làm gia tăng hạn hán và làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước. Nhiệt độ tăng cũng làm tăng số ca tử vong và bệnh tật liên quan nắng nóng, hạn hán. Ông Tedros cũng đề cập nỗi lo về tình trạng di cư dân số hàng loạt và dự đoán hơn 130 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2030, với những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe. “Hàng triệu người dự kiến bị đẩy vào cảnh nghèo đói, làm tăng đáng kể gánh nặng lêm chăm sóc sức khỏe”, ông nói.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), BĐKH đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực do gây gián đoạn sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sản xuất. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở những nhóm dân số dễ bị tổn thương và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước.
WHO cảnh báo BĐKH đang gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, làm thay đổi mô hình bệnh tật và gây sức ép lớn hơn với hạ tầng y tế ở các nước kém phát triển. Chẳng hạn, số liệu của WHO ước tính có tới 99% dân số thế giới đang sống trong môi trường ô nhiễm không khí vượt ngưỡng an toàn. Tình trạng này không chỉ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, tim mạch mà còn tăng cường sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết. Tổng số ca tử vong hằng năm do ô nhiễm không khí đã lên tới gần 7 triệu, trong khi tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn vẫn ở mức báo động. BĐKH có thể gây ra hoặc làm tăng thêm những vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Tăng cường biện pháp phòng ngừa
Các cộng đồng trải qua thảm họa thời tiết nghiêm trọng như hạn hán, lũ lụt… thường phải đối mặt tình trạng suy giảm nguồn lực chăm sóc sức khỏe, với những tác động kéo dài trong nhiều năm. “Điều này nhấn mạnh những tác động lâu dài tiềm tàng của thảm họa BĐKH đối với sức khỏe con người, vượt ra ngoài những tác động cấp tính, tức thời của chúng”, Giáo sư Yvonne Michael chuyên ngành Dịch tễ học thuộc Trường Y tế Công cộng Dornsife (Mỹ) cho biết.
BĐKH đang làm tăng nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời gây áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Chi phí điều trị các bệnh tật và thương tích liên quan đến khí hậu, cũng như thích ứng với các điều kiện thay đổi, được dự đoán là rất lớn.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2024, đến năm 2050, tác động của BĐKH trên toàn cầu dự kiến sẽ gây ra 14,5 triệu ca tử vong, cũng như thiệt hại kinh tế lên tới 12,5 nghìn tỷ USD, bao gồm 1,1 nghìn tỷ USD mà hệ thống chăm sóc sức khỏe phải chi trả.
Tác động của BĐKH đến sức khỏe chủ yếu ảnh hưởng đến những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, những người có bệnh lý nền và các cộng đồng thiểu số. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, không giải quyết được vấn đề BĐKH sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn về sức khỏe và gánh nặng kinh tế trong tương lai. Đầu tư vào các chiến lược giảm thiểu và thích ứng là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn tình trạng khí hậu xấu đi thêm. Tiến sĩ Tedros khẳng định: “Giá trị của việc giảm thiểu tác động BĐKH đối với sức khỏe hiệu quả hơn nhiều so chi phí phải bỏ ra để chữa bệnh, khắc phục. Không có hành động ứng phó với BĐKH chắc chắn là cách tiếp cận tốn kém nhất”.
Mặc dù tần suất các thảm họa thiên nhiên gia tăng và mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, một tín hiệu tích cực là số ca tử vong do các thảm họa này đã giảm xuống gần ba lần trong 50 năm qua. Có được kết quả này là nhờ giải pháp cải tiến hệ thống cảnh báo sớm và quản lý thiên tai đã góp phần giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tính mạng con người. Tuy nhiên, điều này lại không đồng đều ở các quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển, nơi vẫn còn thiếu hụt nguồn lực cho xây dựng hệ thống cảnh báo hiệu quả.
Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị quản lý thiên tai đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giảm thiểu và thích ứng với tác động của BĐKH. Ông Nikki Reisch, Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng tại Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL) cho biết: “Nhiệm vụ lâu dài của các quốc gia trong việc ngăn chặn những vấn đề môi trường xuyên biên giới, gồm cả BĐKH, không chỉ dừng trong các khuôn khổ thỏa thuận, mà còn là sự hợp tác trong cảnh báo và quản lý thiên tai. Điều này nhấn mạnh vai trò của phòng, ngừa”.
Chuyên viên LHQ phụ trách Văn phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai, bà Mami Mizutori cũng chỉ ra rằng, việc hợp tác quốc tế là rất cần thiết để giải quyết những tác động của BĐKH đối với cuộc khủng hoảng y tế. “Các quốc gia cần đầu tư nhiều hơn vào quản lý rủi ro thiên tai và bảo đảm chiến lược thích ứng với BĐKH được tích hợp trong các kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Cần có sự phối hợp giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng để tìm ra những giải pháp bền vững nhằm thích ứng với BĐKH và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, bà nhấn mạnh.