Đại sứ Ngô Điền (1921-2004) là người có mặt tại Hội nghị Geneva trong vai trò thành viên đoàn báo chí, tuyên truyền. Sau này, ông trở thành Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, cán bộ ngoại giao có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng.
Thời kỳ đầu hoạt động báo chí sôi nổi
Trước khi trở thành đại sứ, ông Ngô Điền đã có một sự nghiệp lâu dài đóng góp đáng kể với vai trò đại diện cho Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), sau này đổi thành Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), từng là “đặc phái viên”, cộng tác viên viết cho mục “Thư Bắc Kinh” trên Báo Nhân Dân. Ký ức về những năm tháng làm báo của nhà báo, nhà ngoại giao, Đại sứ Ngô Điền luôn được gia đình nhắc lại như một trong những giai đoạn quan trọng, góp phần hình thành phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ, cán bộ cách mạng sau này. Căn nhà nhỏ ở bên hồ Thiền Quang, Hà Nội, nơi cố Đại sứ Ngô Điền từng sinh sống khi trở về Thủ đô, nay đã được những người con trong gia đình cải tạo, tu sửa để lưu trữ những hiện vật, kỷ niệm thời kỳ ông công tác, hoạt động cách mạng sôi nổi.
Những năm đầu kháng chiến, ông được giao phụ trách tờ báo là tiền thân của báo Quân đội Nhân dân. Ông từng có giai đoạn làm báo từ sau Cách mạng Tháng Tám và hoạt động báo chí ngoài nước đầy kinh nghiệm. Ngô Điền đã làm chủ bút báo Chiến sĩ của Vệ quốc đoàn Quân khu IV, chủ bút tờ Vệ quốc quân của Bộ tổng Tư lệnh, chủ bút tờ Tin Việt Nam của Việt kiều ở Bangkok (Thái Lan), phóng viên thường trú của VNTTX ở Bắc Kinh (Trung Quốc), phóng viên VNTTX tại Hội nghị Geneva về Đông Dương ở Paris (Pháp) năm 1954 và tại Hội nghị Bangdung (Indonesia) năm 1955.
Ông từng là Phó giám đốc VNTTX, có kinh nghiệm sâu sắc về công tác báo chí từ Trung Quốc và là đại diện Phòng Đối ngoại của VNTTX. Năm 1956, ông nhận được chỉ thị đi Campuchia, làm phóng viên thường trú của VNTTX. Lúc đó, ông đang làm Phó Giám đốc VNTTX.
“Một mặt khác của việc chuẩn bị mà tôi tự mình đặt ra là phải cố gắng tự trang bị một vốn hiểu biết về nhân dân lao động và phong trào cách mạng Campuchia. Là nhà báo, tôi nhận thấy trách nhiệm của mình khi sẽ viết về Campuchia là phải nói lên được hướng tiến lên của nhân dân lao động, không thể chỉ phản ánh một mặt về tầng lớp trên mà tôi sẽ tiếp xúc. Hoàn cảnh sẽ buộc tôi hoạt động trong một môi trường “thượng lưu”, nếu không chú ý đến phần nhân dân, phần cơ sở thì bài viết rất dễ lệch lạc”, ông viết trong cuốn hồi ký.
Năm 1962, theo phân công của cấp trên, ông Ngô Điền chuyển từ làm báo sang làm ngoại giao và trải qua nhiệm kỳ Đại sứ đầu tiên là Đại sứ Việt Nam tại Mali. Tới cuối năm 1965, ông trở về nước nhận nhiệm vụ mới là Vụ trưởng Thông tin báo chí tại Bộ Ngoại giao. Từ tháng 7/1979, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia và giữ trọng trách này cho đến tháng 11/1991.

Làm báo ở hội nghị nước ngoài
Ông Ngô Hà Bắc, người con út trong gia đình giàu truyền thống cách mạng của Đại sứ Ngô Điền kể: “Cha tôi vẫn thường nhắc lại nhiều về giai đoạn hoạt động với vai trò phóng viên, khi ông có nhiều dịp tiếp xúc, tìm hiểu. Không chỉ cung cấp tin tham khảo, càng về sau ông càng có dịp giới thiệu những vấn đề lớn trên quốc tế, những phong trào và kinh nghiệm của các nước”. Một mặt khác của vị trí phóng viên thường trú cho VNTTX đã giúp ông học tập nghề làm báo. Thời gian công tác ở Bắc Kinh, các đồng nghiệp Tân Hoa xã đã cung cấp cho ông những sách lý luận về báo chí vô sản của Liên Xô (trước đây) và quý giá nhất là những nội san nghiệp vụ. Làm phóng viên thường trú, ông tham gia nhiều hội nghị nhà báo, nhiều cuộc tham quan ở Trung Quốc do Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức.
Khi chuẩn bị về nước, ông đặt vấn đề với lãnh đạo Tân Hoa xã xin được học tập kinh nghiệm thông tấn xã của bạn. Đồng chí Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập, Trưởng ban quốc tế, trong nước và các đồng chí phóng viên lâu năm đã lần lượt giới thiệu tận tình. Họ đã lập ra một kế hoạch báo cáo dài ngày để ông nghe về mọi mặt công tác của Tân Hoa xã và kinh nghiệm của Trung Quốc trong từng mặt đó. Trong hơn một tháng, ông Ngô Điền đến Tân Hoa Xã mỗi tuần ba - bốn bận, để nghe, trao đổi ý kiến, ghi chép... Những điều nghe được, ông ghi lại rất đầy đủ với một tâm trạng quý trọng và khâm phục. Về nước, với cương vị Phó Giám đốc VNTTX và được phân công đào tạo nghiệp vụ, Ngô Điền đã chủ trì một số khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn ở Quốc Tử Giám. Học viên các khóa này sau là những cốt cán của VNTTX. Loạt bài giảng nghiệp vụ này được TTXVN về sau có điều chỉnh và bổ sung với kinh nghiệm của Việt Nam.
Năm 1954, hội nghị quốc tế về Triều Tiên họp ở Geneva (Thụy Sĩ), tiếp theo là Hội nghị về Đông Dương. Được cử đi trước đến Geneva với tư cách là nhà báo đến đưa tin về hội nghị Triều Tiên, ông Ngô Điền đến Thụy Sĩ sớm để chuẩn bị chỗ ăn ở của đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) và tìm hiểu điều kiện hoạt động sau này của đoàn. Tại Hội nghị Geneva (tháng 4/1954), ông Ngô Điền khi đó với vai trò phóng viên, thành viên bộ phận thông tin, tuyên truyền, là một trong bốn người đi tiền trạm để chuẩn bị cho phái đoàn Việt Nam DCCH.
Công việc của ông vô cùng bận rộn, thường xuyên phải làm việc cả đêm để hoàn thành và phổ biến các bản tin bằng nhiều ngôn ngữ, chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp, nhằm truyền tải thông tin về tình hình Việt Nam và quan điểm của Việt Nam DCCH. Ông đã tích cực gặp gỡ các nhà báo quốc tế, đặc biệt là Thụy Sĩ và Pháp, phối hợp chặt chẽ với đoàn Trung Quốc.
Một nhiệm vụ trọng yếu là tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên Phủ, giải thích ý nghĩa và quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Ông cùng ông Nguyễn Văn Đặng (đại biểu sinh viên) tổ chức họp báo hằng ngày và đối phó với những thông tin xuyên tạc từ phía Pháp cùng các lực lượng thù địch.
Năm 1955, Ngô Điền tiếp tục tham gia phái đoàn chuẩn bị cho Hội nghị Bandung, đi trước đến Indonesia để chuẩn bị và sau đó tham gia hội nghị, viết các bản tin báo chí quốc tế.
Giai đoạn quản lý thông tin báo chí
Năm 1965, ông được Bộ Ngoại giao phân công làm Vụ trưởng Thông tin báo chí. Trong giai đoạn này, ông có thời gian làm việc cùng Bác Hồ, am hiểu sâu sắc tư tưởng và phương pháp làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ông đã có những đóng góp to lớn vào việc chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, đặc biệt là việc xây dựng những đề án ban đầu của Vụ Báo chí, nhấn mạnh phát triển một ngành báo chí cách mạng để phản ánh đúng sự thật và chống lại sự xuyên tạc từ truyền thông nước ngoài.
Ông cũng chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn các phóng viên nước ngoài đến Việt Nam. Điển hình là khi nhà báo Harrison Salisbury của tờ The New York Times đến Việt Nam vào tháng 12/1966, ông Ngô Điền đã hướng dẫn Vụ Thông tin Báo chí chuẩn bị kỹ lưỡng các công tác chuẩn bị. Harrison Salisbury là Phó Tổng Biên tập của báo The New York Times, đã đến Hà Nội và Hải Phòng trong thời kỳ Mỹ ném bom miền bắc. Chuyến thăm của ông được Bộ Ngoại giao đánh giá là rất quan trọng vì ông đến từ một tờ báo lớn của Mỹ, có ảnh hưởng đáng kể đến dư luận Mỹ.
Vụ Báo chí khi đó đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đón tiếp Salisbury và cung cấp mọi điều kiện cần thiết để làm việc. Salisbury đã viết nhiều bài báo về những gì ông chứng kiến, không chỉ là tóm tắt hời hợt mà còn đi sâu vào chi tiết và luận điểm. Ông tập trung vào việc Mỹ ném bom miền bắc, khẳng định rằng, tuyên bố của quân đội Mỹ chỉ tấn công các mục tiêu quân sự là sai sự thật. Salisbury tiết lộ Mỹ ném bom các khu vực đông dân cư, gồm cả Hà Nội và Hải Phòng và ông đã trực tiếp chứng kiến những cuộc tấn công này. Ông đã đến thăm một số khu vực bị ném bom như An Dương, phỏng vấn các nạn nhân, nghe câu chuyện của họ, sau đó viết bài mô tả “sự kiên cường và quyết tâm của người dân Việt Nam”.
Các bài viết của Salisbury đã tác động mạnh mẽ đến dư luận Mỹ, khiến nhân dân Mỹ đặt câu hỏi về những tuyên bố của chính phủ với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Theo yêu cầu của ông Ngô Điền, Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao đã thu thập và dịch các bài báo của Salisbury sử dụng làm tài liệu định hướng cho công tác thông tin đối ngoại. Chuyến thăm của Salisbury được đánh giá là đã đạt được hiệu quả tuyên truyền đáng kể cho Việt Nam.
Đại sứ Ngô Điền là Đại sứ có thời gian công tác dài nhất ở Campuchia (1979 - 1991). Với những đóng góp của ông, năm 2020, Vương quốc Campuchia đã truy tặng ông Huân chương Hữu nghị hạng Mahasena.