Một hoạt động trong chiến dịch chống buôn người. Ảnh: INTERPOL
Một hoạt động trong chiến dịch chống buôn người. Ảnh: INTERPOL

Đấu tranh chống buôn người và bảo vệ trẻ em

Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho hay, một chiến dịch toàn cầu đã giải cứu 1.194 người nghi là nạn nhân buôn người và bắt giữ 158 nghi phạm trong các cuộc truy quét phối hợp tại 43 quốc gia vào tháng trước.

Trên khắp thế giới, tình trạng bạo lực, xung đột, nghèo đói, bất bình đẳng đang đẩy nạn buôn người tăng lên mức đáng lo ngại.

Mạng lưới phạm tội xuyên quốc gia

Theo Europol, chiến dịch mang tên “Chuỗi toàn cầu” diễn ra đầu tháng 6 vừa qua, do lực lượng thực thi pháp luật Áo và Romania dẫn đầu, với sự tham gia của 15 nghìn nhân viên an ninh, sĩ quan từ 43 quốc gia, gồm cảnh sát, biên phòng, thanh tra lao động cũng như cơ quan thuế và hải quan nhằm triệt phá các đường dây buôn người và vận chuyển người trái phép ở châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Các nạn nhân đến từ 64 quốc gia, chủ yếu là Romania, Ukraine, Colombia, Trung Quốc và Hungary.

Chiến dịch đã triệt phá nhóm tội phạm có tổ chức đang điều hành những vụ buôn người, xác định tài sản phạm tội đồng thời khởi động các cuộc điều tra tiếp theo. Europol cho biết, nhiều nạn nhân đã bị buôn bán qua biên giới, thậm chí là xuyên lục địa, cho thấy các hoạt động buôn người diễn ra trên quy mô toàn cầu. Theo kết quả điều tra, phần lớn nạn nhân buôn người là phụ nữ và người trưởng thành, bị dụ dỗ hoặc ép buộc vào các đường dây bóc lột tình dục, trong khi trẻ vị thành niên chủ yếu bị buộc ăn xin hoặc tham gia các hành vi phạm tội như móc túi. Việc bảo vệ những nạn nhân này đặc biệt khó khăn, nhiều người trong số họ bị chính người thân trong gia đình dụ dỗ.

Một số điểm nổi bật trong hoạt động như cảnh sát liên bang Brazil triệt phá đường dây buôn người chuyên tuyển dụng nạn nhân thông qua quảng cáo việc làm giả, sau đó đưa sang Myanmar cho dịch vụ mại dâm. Cảnh sát Thái Lan cũng bắt giữ 12 nghi phạm trong mạng lưới mại dâm liên quan trẻ vị thành niên hoạt động thông qua một nền tảng mạng xã hội phổ biến. Trong khi đó, chính quyền Ukraine đã vạch trần đường dây tuyển dụng và đưa phụ nữ đến Berlin (Đức). Lực lượng thực thi pháp luật Áo bắt giữ bảy nghi phạm buôn người, triệt phá một nhóm tội phạm có tổ chức người Romania hoạt động tại nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Nhóm này tìm nhiều cách dụ dỗ nạn nhân, sau đó bắt ép họ làm cho các điểm mại dâm hoặc phạm tội.

Chiến dịch “Chuỗi toàn cầu” được thực hiện trong khuôn khổ Nền tảng đa ngành châu Âu chống lại các mối đe dọa tội phạm (EMPACT), với nguồn tài trợ từ Cơ quan Cảnh sát quốc tế (Interpol) và Bộ Ngoại giao Đức. Ông David Caunter, Giám đốc tạm quyền phụ trách tội phạm có tổ chức và mới nổi tại Interpol, cho biết: “Buôn người là một tội ác tàn bạo và tàn khốc, tước đoạt nhân phẩm, tự do và nhân tính của con người, nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả trẻ em. Chiến dịch cho thấy, bản chất toàn cầu của những âm mưu tội phạm này và sức mạnh của hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn chúng”.

Interpol, Europol và Cơ quan Bảo vệ Biên giới châu Âu (Frontex) đã hỗ trợ chiến dịch này thông qua các nỗ lực phối hợp quốc tế chung. Để hỗ trợ lực lượng tác chiến tại hiện trường và tạo điều kiện trao đổi thông tin, một trung tâm điều phối đã được thành lập tại trụ sở Frontex ở Warsaw (Ba Lan). Interpol cũng cung cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu toàn cầu và các mạng lưới thông báo quốc tế nhằm hỗ trợ điều tra và phân tích cho các vụ việc phát sinh và thông tin liên lạc trong chiến dịch.

Cảnh báo tình trạng buôn bán trẻ em

Theo Interpol, trong thời gian diễn ra chiến dịch, lực lượng an ninh các nước đã dựa trên thông tin tình báo chung để đột kích những địa điểm trong danh sách theo dõi và thực hiện các vụ bắt giữ. Nhân viên thực thi pháp luật cũng được tăng cường tại các điểm nóng và trung tâm giao thông quan trọng để xác định cả nạn nhân và nghi phạm. Bên cạnh đó, dù chưa xác định chính xác số lượng nạn nhân buôn người, nhưng dữ liệu cho thấy số lượng nạn nhân là trẻ em đang gia tăng.

Buôn người đã được xác định là một tội ác nghiêm trọng và vi phạm nhân quyền. Song, khi xảy ra với nạn nhân là trẻ em, hậu quả để lại rất lớn do làm xáo trộn tuổi thơ của trẻ, các em phải đối mặt nạn bóc lột và lạm dụng cùng một tương lai bấp bênh. Cũng giống như nạn nhân trưởng thành, trẻ em có thể bị buôn bán để bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức, phạm tội cưỡng bức hoặc lấy nội tạng.

Gần đây, EU đã chính thức công nhận các hình thức bóc lột mới, bao gồm mang thai hộ, hôn nhân cưỡng bức và nhận con nuôi bất hợp pháp. Có sự khác biệt về mặt địa lý trong phạm vi hoạt động của các băng đảng buôn bán trẻ em, khi phần lớn nạn nhân trẻ em ở Bắc Âu, Nam Âu và Tây Âu là trẻ em gái (chiếm 82,9%) và 55,1% nạn nhân trẻ em đến từ châu Phi và 77,6% nạn nhân trẻ em đến từ Nam Á là trẻ em trai. Nạn nhân nữ có nhiều khả năng bị bóc lột tình dục hơn, trong khi tỷ lệ nạn nhân nam bị bóc lột lao động nhiều hơn.

Tội phạm cưỡng bức ở EU đang có xu hướng gia tăng đều đặn, với trẻ em trai di cư trở thành mục tiêu chính của bọn tội phạm. Luật chống buôn người của EU đã được sửa đổi vào năm ngoái, xác định trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị buôn bán. Các sửa đổi này cũng mở rộng danh sách hình thức bóc lột, bao gồm những hình thức đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em, nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận và phòng ngừa lấy nạn nhân làm trung tâm.

Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) nhấn mạnh, nạn buôn người đã gia tăng đáng kể từ năm 2020, nguyên nhân do xung đột vũ trang, thảm họa khí hậu và bất ổn toàn cầu. Báo cáo về nạn buôn người được UNODC công bố tháng 12 năm ngoái cho thấy, số nạn nhân đã tăng từ 48.188 người vào năm 2020 lên 69.627 người vào năm 2022. Trong đó, nạn buôn người ở các “điểm nóng” xung đột diễn ra ngày càng đáng ngại, đặc biệt tại châu Phi. Những đường dây tội phạm buôn bán trẻ em ở trong và ngoài châu lục này có sự tham gia kết nối với các băng đảng toàn thế giới.

Vấn nạn của châu Phi

Báo cáo của UNODC đã dành hẳn một chương đặc biệt đưa ra nhiều thông tin đáng quan ngại về nạn buôn người đến, đi và bên trong lục địa châu Phi. Dựa trên thông tin từ 40 trong số 54 quốc gia châu Phi là thành viên LHQ, các nhà quan sát đã chỉ ra những mô hình, đường đi của tội phạm và mức độ phổ biến của nạn buôn người ở “lục địa đen”, cùng các yếu tố rủi ro tác động đến từng tiểu vùng Bắc Phi, Tây Phi, Đông Phi và Nam Phi.

Là nơi sinh sống của 1,4 tỷ người, với 990 triệu người dưới 30 tuổi và con số này đang tiếp tục tăng lên, đến năm 2050, dân số châu Phi được dự đoán sẽ chiếm một phần tư dân số thế giới. Bên cạnh dân số trẻ đang bùng nổ, các quốc gia châu Phi còn sở hữu một số trữ lượng khoáng sản, kim loại quý và đá quý lớn nhất thế giới. Lục địa này chiếm 65% đất canh tác, 10% nguồn nước ngọt tái tạo nội địa và một phần đáng kể nguồn lợi thủy sản biển và sông, hồ nước ngọt. Tuy có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phân tích cho thấy châu Phi đã trở thành khu vực có tỷ lệ các “luồng buôn người” cao nhất trong vài năm trở lại đây. Nạn nhân bị buôn bán từ các quốc gia ở châu Phi đã được ghi nhận ngày càng nhiều ở trong khu vực và trên thế giới.

Các nhà phân tích nhấn mạnh, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội là một trong những nguyên nhân gốc rễ của nạn buôn người, thường dẫn đến việc nạn nhân bị lợi dụng khi phải cố gắng tìm kiếm công việc tử tế. Một bộ phận lớn dân số sống trong cảnh nghèo cùng cực, trong khi xung đột và bất ổn leo thang, quản trị yếu kém… khiến nạn buôn người gia tăng.

Buôn bán trẻ em đã trở thành một trong những thách thức chính đối với các quốc gia châu Phi. Ở hầu hết khu vực trên lục địa, lực lượng chức năng phát hiện trẻ em bị buôn bán thường xuyên hơn người lớn. Tại Tây Phi và Đông Phi, cả bé trai và bé gái thường bị buôn bán để lao động cưỡng bức, bao gồm giúp việc gia đình. Trên toàn lục địa, dữ liệu cho thấy trẻ em gái bị bọn buôn người đưa vào những đường dây bóc lột tình dục. Ở Bắc và Tây Phi, báo cáo còn dẫn chứng nhiều trường hợp học sinh nam bị chính nhân viên trường nội trú ép buộc phải đi ăn xin.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nghèo nàn ở nhiều khu vực khác nhau của châu Phi, những kẻ buôn người lợi dụng sự túng thiếu, cùng quẫn của các gia đình, nhiều bậc phụ huynh phải gửi con cái đi làm để có thể duy trì cuộc sống của chính đứa trẻ. Điều này khiến cho tình hình buôn bán trẻ em, đặc biệt là để lao động cưỡng bức ngày càng khó khăn và phức tạp.

Xem thêm