Tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi” tại thành phố Volgograd.
Tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi” tại thành phố Volgograd.

Biểu tượng bất diệt của tinh thần Nga

Trên đỉnh đồi Mamaev lộng gió, đã 58 năm trôi qua nhưng tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi” vẫn hiên ngang đứng vững giữa đất trời như một lời thề sắt đá, biểu tượng bất diệt của tinh thần dân tộc Nga.

Công trình vĩ đại này tại thành phố anh hùng Volgograd (trước đây là Stalingrad) không chỉ là kiệt tác nghệ thuật, mà còn là bản hùng ca về trận chiến Stalingrad lịch sử.

Cao điểm chiến lược

Ngày 15/10/1967, tại lễ khánh thành tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi” trên đồi Mamaev, nhà điêu khắc vĩ đại của Liên Xô (trước đây) Yevgeny Vuchetich đã xúc động chia sẻ: “Suốt 15 năm tìm kiếm các giải pháp khó khăn, có vui, có buồn, chúng tôi muốn nói gì với mọi người qua công trình mang tính lịch sử, nơi diễn ra những trận chiến khốc liệt và chiến công bất tử? Trước hết, chúng tôi muốn truyền tải tinh thần bất diệt của những người lính Liên Xô, lòng tận tụy quên mình của họ đối với Tổ quốc, non sông”.

Sở dĩ đồi Mamaev được lựa chọn là nơi xây dựng tượng đài bởi trong trận chiến Stalingrad, nơi đây là vị trí then chốt trong việc phòng thủ và bảo vệ thành phố. Trên bản đồ tiền tuyến, đồi Mamaev được đánh dấu là cao điểm 102.0, là mắt xích then chốt trong toàn bộ hệ thống phòng thủ của mặt trận Stalingrad.

Nằm ở trung tâm thành phố, đồi Mamaev chiếm một vị trí thống lĩnh. Từ đây, có thể quan sát các giao lộ, cơ sở công nghiệp, nhà ga xe lửa, cảng sông, sông Volga và Zavolzhye, nơi bố trí các lực lượng dự bị, sở chỉ huy và bệnh viện của quân đội Liên Xô vào thời điểm đó. Do đó, việc giữ được cao điểm này trong tay là vấn đề sống còn đối với những người lính của Tập đoàn quân 62 của Liên Xô dưới sự chỉ huy của Trung tướng Vasily Chuikov khi đó.

Tại đây, kẻ thù đã điên cuồng tấn công các công sự của quân đội Liên Xô từ 10 đến 12 lần mỗi ngày, nhưng chưa một lần có thể kiểm soát hoàn toàn được trận địa quan trọng này. Cuộc chiến giành quyển kiểm soát đồi Mamaev diễn ra liên tiếp trong khoảng 140 ngày.

Ngày 26/1/1943, đồi Mamaev đã được quân đội Liên Xô giải phóng hoàn toàn khỏi kẻ thù. Tuy nhiên khi đó, cao điểm đắc địa này đã biến thành một bãi chiến trường khủng khiếp. Các sườn đồi vương vãi mảnh bom, mìn, đạn pháo, mặt đất bị cày xới, thậm chí trên mỗi một mét vuông tại khu vực này có tới từ 500 đến 1.250 mảnh bom đạn, vật liệu nguy hiểm ngổn ngang.

Ngay cả trong mùa tuyết rơi, nơi đây vẫn đen kịt, tuyết ở đây tan nhanh sau những vụ nổ bom. Vào mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh, đồi Mamaev không chuyển sang mầu xanh tự nhiên, thậm chí cỏ cũng không thể mọc trên vùng đất bị cháy xém. Theo ước tính, có khoảng 35.000 người đã nằm xuống tại đồi Mamaev.

Ngoài việc được coi là ngôi mộ tập thể của hàng nghìn người đã ngã xuống, khu vực tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi” còn là nơi yên nghỉ của không ít nhân vật lỗi lạc. Nguyên soái Vasily Chuikov, hai lần được phong tặng Anh hùng Liên Xô được chôn cất tại đây. Ông chính là người đóng vai trò cố vấn chính của khu tưởng niệm này. Vasily Zaytsev, tay súng bắn tỉa thiện xạ của Hồng quân Liên Xô, người đã tiêu diệt 242 lính phát-xít Đức trong trận chiến Stalingrad và được lấy nguyên mẫu để xây dựng nhân vật chính của bộ phim Hollywood “Quân thù trước cổng”, cũng yên giấc nghìn thu tại đồi Mamaev, dưới chân bức tượng khổng lồ.

Tượng đài bất diệt

Ý tưởng xây dựng một khu tưởng niệm trên đồi Mamaev xuất hiện ngay sau khi chiến sự kết thúc. Từ năm 1945 đến 1955, các cuộc thi về dự án xây dựng khu tưởng niệm đã được tổ chức trong cả nước. Sau nhiều lần xem xét và thảo luận, Bộ Văn hóa Liên Xô đã giao cho nhà điêu khắc Yevgeny Vuchetich phát triển dự án.

Việc xây dựng tượng đài bắt đầu vào tháng 5/1959 và hoàn thành vào ngày 15/10/1967. Vào thời điểm đó, tác phẩm điêu khắc là tượng đài cao nhất thế giới, được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness. Tổng chiều cao của tượng là 85 m, trọng lượng 8.000 tấn. Những tính toán phức tạp nhất về độ ổn định của công trình này được thực hiện bởi Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật Nikolai Nikitin, người tham gia thiết kế tòa nhà Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow và tháp truyền hình Ostankino.

Tượng đài không được gia cố vào mặt đất theo bất kỳ cách nào, mà chỉ đứng vững nhờ trọng lực trên một nền móng nhỏ. Bản thân bức tượng rỗng, khung bê-tông cốt thép của tượng đài được giữ cố định bằng sức căng của các sợi cáp kim loại đặc biệt bên trong.

Thanh kiếm dài 33 m và nặng 14 tấn, ban đầu được làm bằng thép không gỉ phủ các tấm titan. Nhưng các tấm titan rung lắc trong gió và gây thêm áp lực lên bàn tay. Do đó, lưỡi kiếm ban đầu đã được thay thế bằng một lưỡi kiếm khác, hoàn toàn được làm bằng thép với các lỗ được tạo ra ở phần mũi kiếm, được cho là để giảm tác dụng của gió lên cấu trúc.

Trong suốt thời gian dựng tượng, cần phải cung cấp bê-tông liên tục, ngay cả một sự chậm trễ nhỏ cũng có thể làm giảm độ bền của công trình nặng nhiều tấn. Những chiếc xe tải chở bê-tông đến công trường được đánh dấu bằng các biển báo đặc biệt. Lái xe được phép vi phạm luật giao thông, họ thậm chí có thể lái xe vượt đèn đỏ mà không sợ bị cảnh sát giao thông chặn lại.

Để đi từ chân đồi lên bức tượng khổng lồ sẽ phải bước qua 200 bậc thang, tượng trưng cho 200 ngày khốc liệt của trận chiến Stalingrad. Ban đầu theo thiết kế, bên trong tượng cũng có 200 bậc thang, nhưng khi thi công thực tế do khoảng cách giữa các nhịp rộng nên buộc phải tăng lên 203 để tương xứng.

Có lẽ bí ẩn lớn nhất mà đến nay vẫn chưa có lời giải chính thức là hình ảnh người phụ nữ nào được sử dụng để mô phỏng người Mẹ Tổ quốc. Đã có nhiều giả thuyết về vấn đề này. Trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến Stalingrad, bà Anastasia Peshkova (79 tuổi) ở thành phố Barnaul cho biết, mình là nguyên mẫu cho tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Yevgeny Vuchetich.

Trước đó, năm 2003, bà Valentina Izotova cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Bà cho biết từng làm bồi bàn tại nhà hàng ở Volgograd và chính ông Yevgeny Vuchetich đã mời bà làm người mẫu. Một “ứng cử viên” khác là bà Ekaterina Grebneva, cựu vận động viên thể dục dụng cụ, nhưng bà cho rằng mình không phải là người mẫu duy nhất, và hình ảnh “Mẹ Tổ quốc” là hình ảnh tập thể.

Tuy nhiên, cựu Phó Giám đốc của quần thể tượng đài “Tưởng nhớ những anh hùng của trận chiến Stalingrad” Valentina Klyushina lại đưa ra ý kiến khác và tuyên bố: “Yevgeny Viktorovich đã tạo ra bức tượng từ Nina Dumbadze, nữ vận động viên ném đĩa nổi tiếng. Cô đã tạo dáng cho anh ngay tại xưởng của nhà điêu khắc ở Moscow. Tuy nhiên, khuôn mặt của tác phẩm điêu khắc lại được ông Yevgeny Viktorovich tạo ra từ nguyên mẫu khuôn mặt vợ mình Vera Nikolaevna. Và đôi khi ông gọi tác phẩm điêu khắc bằng tên thân mật của người vợ là Verochka”.

Tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi” không chỉ là một kiệt tác nghệ thuật mà còn là biểu tượng bất diệt của lòng dũng cảm, sự hy sinh và khát vọng hòa bình. Đứng sừng sững giữa lòng Volgograd đã hơn năm thập kỷ, như một lời nhắc nhở thế hệ sau về sức mạnh đoàn kết dân tộc và giá trị của hòa bình mà cha ông đã ngã xuống để đổi lấy.

Khi hoàng hôn buông xuống, bóng “Mẹ Tổ quốc” in dài trên dòng Volga hùng vĩ. Ở đó, lịch sử và hiện tại đang hòa làm một, như một lời nhắc nhở về sức mạnh bất diệt của tinh thần Nga. Như lời người dân Volgograd đã nói: “Đây không chỉ là tượng đài, mà là linh hồn của nước Nga”.

Hằng năm, mỗi dịp người dân Nga và các nước tiến bộ trên thế giới kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5, dòng người từ khắp nơi lại đổ về chân bức tượng khổng lồ trên đồi Mamaev ở thành phố anh hùng Volgograd để đặt những bó hoa tưởng niệm những người đã ngã xuống và chiêm ngưỡng kỳ quan điêu khắc vĩ đại tại nơi từng diễn ra những trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Xem thêm