Tính đến năm 2025, Nghị định đã loại bỏ 99% các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS), giúp tầng ozone dần phục hồi và dự kiến trở lại mức trước năm 1980 vào giữa thế kỷ này.
Trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học và ô nhiễm, Nghị định thư Montreal là minh chứng cho sức mạnh của hợp tác quốc tế.
Mô hình mẫu cho các hiệp ước môi trường
Mặc dù Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone diễn ra vào tháng 9, song các hoạt động chuẩn bị, nâng cao nhận thức thường bắt đầu từ tháng 7, khi các tổ chức quốc tế như Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) khởi động các chiến dịch truyền thông. Tầng ozone, lớp khí mỏng manh nằm ở độ cao 15-30 km trong tầng bình lưu, đóng vai trò như “lá chắn” bảo vệ Trái đất khỏi tia cực tím (UV) có hại từ Mặt trời. Việc bảo vệ tầng ozone không chỉ là nỗ lực riêng lẻ mà còn là một phần quan trọng trong hành trình toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo The Guardian, vào những năm 70 thế kỷ trước, các nhà khoa học Mario Molina và Sherwood Rowland phát hiện các chất chlorofluorocarbon (CFC) - được sử dụng rộng rãi trong tủ lạnh, điều hòa không khí và bình xịt - phá hủy tầng ozone. Năm 1985, các nhà nghiên cứu Anh tại Nam Cực ghi nhận “lỗ thủng tầng ozone” trên bầu trời châu lục này, với mức ozone giảm tới 60% so mức bình thường. Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature đã gây chấn động thế giới và thúc đẩy hành động khẩn cấp.
Giới chuyên gia nhận định, lỗ thủng tầng ozone có thể làm tăng nguy cơ ung thư da, đục thủy tinh thể và suy giảm hệ miễn dịch ở người, đồng thời gây hại cho hệ sinh thái biển và nông nghiệp. Ước tính từ UNEP, nếu không có hành động, số ca ung thư da toàn cầu có thể tăng thêm hai triệu ca/năm vào năm 2030. Phát hiện này đã đặt nền móng cho các nỗ lực quốc tế bảo vệ tầng ozone.
Năm 1985, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone được thông qua, tạo khung pháp lý cho hợp tác quốc tế. Hai năm sau, Nghị định thư Montreal được ký kết bởi 24 quốc gia, hiện được 198 quốc gia thành viên LHQ phê chuẩn, trở thành hiệp ước môi trường đầu tiên đạt được sự đồng thuận toàn cầu, đặt ra lộ trình loại bỏ dần các chất ODS.
Theo UNEP, từ năm 1987 đến 2023, Nghị định thư Montreal đã giúp làm giảm tiêu thụ ODS xuống còn dưới 1% so mức năm 1986. Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) năm 2023 cho thấy, tầng ozone ở Nam Cực đang phục hồi với tốc độ 1-3% mỗi thập kỷ, dự kiến đạt mức trước năm 1980 vào khoảng năm 2060. Nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Paul Newman nhận định: “Nghị định thư Montreal là minh chứng rằng khi thế giới đoàn kết, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề môi trường nghiêm trọng”.
Theo Reuters, Nghị định thư Montreal đạt được những thành tựu đáng kể trong việc bảo vệ tầng ozone. Việc loại bỏ ODS đã giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm tia UV, ước tính ngăn chặn hai triệu ca ung thư da mỗi năm trên toàn cầu vào năm 2030. Ngoài ra, các hệ sinh thái biển, đặc biệt là sinh vật phù du - nền tảng của chuỗi thức ăn đại dương, đã được bảo vệ khỏi sự suy giảm do tia UV. Bà Inger Andersen, Giám đốc UNEP, nhấn mạnh: “Nghị định thư Montreal không chỉ cứu tầng ozone mà còn là công cụ mạnh mẽ để giảm tình trạng biến đổi khí hậu”.
Nghị định thư Montreal được xem là mô hình mẫu cho các hiệp ước môi trường khác như Thỏa thuận Paris (2015). Quỹ đa phương của Nghị định thư đã cung cấp hơn 4,7 tỷ USD từ năm 1991 đến 2023 để hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi công nghệ, theo BBC. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đóng vai trò dẫn đầu, trong khi các nước như Trung Quốc và Ấn Độ đạt tiến bộ đáng kể trong việc loại bỏ ODS. Ông António Guterres, Tổng Thư ký LHQ, trong thông điệp Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone 2024, nhận định: “Trong thời kỳ chủ nghĩa đa phương bị đe dọa, Nghị định thư Montreal là biểu tượng của hy vọng, minh chứng rằng hành động tập thể có thể mang lại thay đổi tích cực”.
Thách thức trong bảo vệ môi trường toàn cầu
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nỗ lực bảo vệ tầng ozone và môi trường vẫn đối mặt các thách thức lớn. Theo The New York Times, chỉ 80% số quốc gia thành viên LHQ phê chuẩn bản sửa đổi, với các nước lớn như Ấn Độ và Trung Quốc còn chậm trễ trong việc áp dụng lộ trình giảm ODS. Theo Nature, các chất ODS được sử dụng làm nguyên liệu thô trong sản xuất nhựa (như PVC) vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, góp phần vào ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Bà Clare Perry, nhà vận động môi trường tại Tổ chức Điều tra Môi trường (EIA), nhận định: “Nghị định thư Montreal cần mở rộng phạm vi kiểm soát các chất ODS dùng trong sản xuất nhựa để vừa bảo vệ tầng ozone vừa giảm ô nhiễm môi trường”.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang làm phức tạp hóa việc bảo vệ tầng ozone. Theo báo cáo của LHQ năm 2023, nhiệt độ tăng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm chậm quá trình phục hồi tầng ozone ở Nam Cực. Ngoài ra, nhu cầu điều hòa không khí ở các nước nhiệt đới cũng làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Ông Eugene Rozanov, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu vật lý Mặt trời thế giới, lưu ý: “Chúng ta cần một cách tiếp cận tổng hợp, kết hợp bảo vệ tầng ozone với các chiến lược giảm phát thải khí nhà kính để tránh vòng luẩn quẩn”.
Nghị định thư Montreal đã đặt nền móng cho các hiệp ước môi trường tương lai, chứng minh rằng hợp tác quốc tế có thể mang lại kết quả thực tế. Với tầng ozone đang phục hồi, các nỗ lực bảo vệ môi trường có tiềm năng tạo ra tác động kép: Bảo vệ sức khỏe con người và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Theo Gazeta, các tiến bộ công nghệ như chất làm lạnh tự nhiên và hệ thống làm mát hiệu quả năng lượng, đang mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển chuyển đổi sang các giải pháp bền vững. Hội nghị Thượng đỉnh về tương lai của LHQ (tháng 9/2024) cũng kêu gọi tăng cường đầu tư vào các công nghệ xanh, với mục tiêu huy động 500 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển.
Để tăng cường nỗ lực bảo vệ môi trường, các chuyên gia quốc tế đề xuất một số giải pháp ưu tiên sau: Trước tiên, các quốc gia cần tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước đang phát triển loại bỏ ODS, như khuyến nghị của UNEP. Tiếp đó là thúc đẩy giám sát phát thải ODS; thiết lập các hệ thống giám sát toàn cầu để ngăn chặn phát thải bất hợp pháp, đặc biệt trong ngành sản xuất nhựa.
Cùng với đó, cần kết hợp bảo vệ tầng ozone với giảm ô nhiễm nhựa. Nghị định thư Montreal nên mở rộng phạm vi kiểm soát các chất ODS dùng làm nguyên liệu thô, chú trọng thúc đẩy giáo dục và nhận thức cộng đồng. Các chiến dịch như Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone cần được mở rộng, đặc biệt tại các nước đang phát triển, để nâng cao nhận thức về tác động của ODS.
Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone không chỉ là dịp để kỷ niệm thành công của Nghị định thư Montreal mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong bảo vệ môi trường. Từ việc loại bỏ 99% chất ODS đến đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nỗ lực toàn cầu đã chứng minh rằng hành động tập thể có thể tạo ra thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, với các thách thức phát thải bất hợp pháp, ô nhiễm nhựa và biến đổi khí hậu, thế giới cần tiếp tục đoàn kết, đổi mới để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai. Như lời bà Inger Andersen tại Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone 2024: “Nghị định thư Montreal là ngọn cờ tiên phong nhưng hành trình bảo vệ Trái đất còn dài”.