Hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật tại Hà Nội.
Hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật tại Hà Nội.

Xốc lại điểm tựa cho người yếu thế (kỳ 2)

Kỳ 2: Đa năng hóa chìa khóa công lý

(Tiếp theo và hết)

Khi người yếu thế có thể tiếp cận công lý bình đẳng, xã hội sẽ tiến gần hơn đến một nền tư pháp công bằng và nhân văn. Dù vậy, trong quá trình triển khai và thực hiện, đưa những chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, thực tiễn luôn đặt ra rất nhiều bài toán khó khăn, đặt ra yêu cầu đối với từng cá nhân những người làm công tác trợ giúp pháp lý và từng tổ chức từ cấp cơ sở tới cấp cao hơn.

Còn nhiều trở ngại

Theo bà Phan Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý Trợ giúp pháp lý (TGPL), Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Cục PBGDPL&TGPL) - Bộ Tư pháp, TGPL là hoạt động do Nhà nước cung cấp, tư vấn pháp luật, giúp người dân hiểu pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi có việc phải tham gia ở tòa án hoặc là giúp đại diện trước các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện những công việc nhất định. Hoạt động trợ giúp phải liên quan đến pháp luật, giúp người dân giải quyết những vấn đề có liên quan đến pháp luật và không phải chi trả bất cứ một chi phí nào.

Người cung cấp các dịch vụ TGPL là cán bộ của Nhà nước, do Nhà nước tuyển dụng và được gọi là người thực hiện TGPL, có trình độ tương đương với luật sư, được đào tạo như luật sư và được thực hành nghề như luật sư. Theo bà Thu Hà, TGPL có vai trò quan trọng trong tố tụng hình sự, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội, từ đó người dân tin tưởng hơn vào công lý, công bằng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong nhiều trường hợp, công tác TGPL còn “gánh” trọng trách lớn hơn việc bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Một thí dụ, trong quá trình trợ giúp của cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh Long An (cũ, nay là tỉnh Tây Ninh), rất nhiều cá nhân phạm tội là đối tượng được TGPL, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là người khuyết tật… Như bị can Lê Văn Thế, xã Mộc Hóa, tỉnh Tây Ninh, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng do quá chén với bạn bè để lại hậu quả nặng nề. Trong lúc này, vai trò của trợ giúp viên còn là thuyết phục để Thế nhận thức được sai phạm của mình, sau khi chịu án về có thể khắc phục, bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thách thức đối với hệ thống TGPL nhà nước vẫn còn rất lớn. Bà Đặng Kim Hà, Phó giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tây Ninh (mới) cho hay, hạn chế lớn nhất chính là hiểu biết pháp luật của người dân vùng sâu, vùng xa và nhóm đối tượng yếu thế như người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người còn hạn chế, điều kiện sinh sống của người thuộc diện được TGPL thường ở cách xa trung tâm, đi lại khó khăn. “Họ thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, e ngại khi tiếp xúc với đại diện các cơ quan chức năng và cả trợ giúp viên pháp lý, gây cản trở không nhỏ trong quá trình trợ giúp, dẫn đến một số vụ việc TGPL đạt hiệu quả chưa cao, kéo dài”, bà Kim Hà giải thích thêm.

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ TGPL vẫn tiếp tục gặp nhiều thách thức và có những lo ngại về nguồn lực, sự phối hợp, chất lượng và giám sát. Một nghiên cứu về TGPL đã chỉ ra rằng, ở nhiều tỉnh của Việt Nam, những thách thức trong việc tiếp cận TGPL bao gồm chất lượng dịch vụ không đồng đều từ các nhà cung cấp TGPL, thù lao cho các luật sư thực hiện công việc TGPL còn thấp; số lượng luật sư còn hạn chế; người dân thiếu kiến thức về TGPL, phối hợp giữa các tổ chức TGPL và các cơ quan liên quan trong hệ thống tư pháp chưa đồng đều.

172.jpg
Hiểu biết pháp luật của người dân vùng sâu, vùng xa và nhóm đối tượng yếu thế còn hạn chế khiến hoạt động trợ giúp pháp lý ở một số nơi đạt hiệu quả chưa cao. Ảnh: ANH QUÂN

Để thật sự hiệu quả

Những năm qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết một số hạn chế này, thông qua việc ban hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ TGPL, cùng với các quy định về phối hợp trong việc cung cấp dịch vụ TGPL cho các vụ kiện. Thêm vào đó, số lượng luật sư tại Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây, mặc dù số lượng luật sư thực hành chỉ chiếm một phần nhỏ so dân số cả nước.

Việc cung cấp dịch vụ TGPL có thể tác động tích cực đến cải thiện sinh kế. Các vấn đề pháp lý có liên quan đến nghèo đói, đồng thời cũng có thể làm gián đoạn những cơ chế giảm nghèo. Từ góc độ này, dịch vụ TGPL có thể được coi là một can thiệp mang lại cơ hội cải thiện sinh kế cho các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương, bổ sung cho những chương trình hỗ trợ hiện có về phát triển nông thôn và người dân tộc thiểu số. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đánh giá, công tác TGPL giúp cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng, trẻ em và các nhóm người yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội nắm được các quy định của pháp luật, để từ đó chấp hành cho tốt.

Cũng nhờ công tác TGPL, người dân được hỗ trợ trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật. Những kết quả này khẳng định rằng, TGPL đã thể hiện rõ nét chức năng xã hội của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chính sách an sinh xã hội cũng như chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã đề ra.

Đa dạng hóa các hình thức TGPL sẽ giúp người dân giải quyết các vướng mắc pháp lý ở nhiều giai đoạn khác nhau, từ việc tìm hiểu quy định pháp luật ban đầu, hòa giải các tranh chấp dân sự, hành chính, đến việc được bảo vệ quyền lợi tại các cơ quan nhà nước. Điều này không chỉ giảm tải áp lực cho hệ thống tòa án mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, trên cả nước có nhiều vụ việc cần TGPL hết sức nổi cộm, như trẻ em, trẻ vị thành niên bị người trong nhà (chú, cha dượng) hiếp dâm, bạo hành; thanh, thiếu niên giết người, gây rối trật tự công cộng, (dùng tuýp sắt gắn dao đâm người đi đường, cướp xe máy ở Hà Nội). Hay điển hình như vụ hai bé gái bị nữ đối tượng bắt cóc tại TP Hồ Chí Minh, các vụ bắt cóc trẻ bán cho đường dây buôn người vào năm 2024. Do đó, trước những yêu cầu công việc, TGPL không chỉ giới hạn trong phạm vi tố tụng mà còn mở rộng ra nhiều hình thức khác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận dịch vụ pháp lý. Tư vấn pháp luật, tham gia hòa giải, đại diện ngoài tố tụng ngày càng được chú trọng và phát triển.

Theo bà Lê Thị Diệu - Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên, tại tỉnh này, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý; thiếu hiểu biết các quy định pháp luật về quyền và lợi ích để tự bảo vệ mình trước những hành vi vi phạm pháp luật. Những năm qua, việc sửa đổi Luật TGPL năm 2017, mở rộng người thuộc diện được TGPL trong các Dự án Luật có liên quan đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ “Mở rộng đối tượng được TGPL phù hợp với điều kiện của đất nước” được giao tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trên thực tế, số lượng vụ việc TGPL tăng mạnh đi đôi với yêu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng dịch vụ. Bởi lẽ, trợ giúp viên pháp lý không chỉ dừng lại ở việc “có mặt” mà còn phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả, thật sự mang lại sự bảo vệ và công bằng cho người được giúp đỡ. Để hoạt động TGPL thật sự hiệu quả và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các bên liên quan phải là yếu tố then chốt.

Xốc lại điểm tựa cho người yếu thế (Kỳ 1)

Xem thêm