Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải cho biết, tỉnh An Giang với diện tích hơn 9.888km2, hội tụ đủ các yếu tố “đồng bằng-đồi núi-biển đảo-biên giới”, có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch và đô thị thông minh, nhất là du lịch biển chất lượng cao.
Tỉnh có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, vùng biển rộng hơn 63.000km2, đường bờ biển hơn 200km, tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia gần 148km, thuận lợi giao thương quốc tế. Tỉnh có hệ thống đô thị phát triển, đặc khu Phú Quốc, cụm động lực Long Xuyên-Châu Đốc-Rạch Giá-Hà Tiên; có 2 cảng hàng không kết nối quốc gia và quốc tế. Đây là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc, với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa…

Nhiệm kỳ qua tỉnh An Giang (cũ) và Kiên Giang (cũ) thực hiện đạt và vượt 31/40 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng thương mại, dịch vụ ngày càng tăng trong GRDP. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh An Giang sau hợp nhất trên 8,1%. Các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội trên địa bàn được quan tâm thường xuyên, cải thiện đáng kể về chất lượng; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, biên giới được giữ vững; đối ngoại được mở rộng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm, nhất là thực hiện tốt chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hải cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025-2030 xác định mục tiêu đến năm 2030: An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế; Rạch Giá là trung tâm chính trị-hành chính, thương mại-dịch vụ, tổng hợp và chuyên ngành;
Vùng tứ giác Long Xuyên-Châu Đốc-Rạch Giá-Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics và du lịch văn hóa, sinh thái, trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế biên mậu, đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu;
Chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục, y tế thuộc nhóm đầu cả nước; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại chủ động, rộng mở; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao…
Để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các mục tiêu cụ thể, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá và giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan góp thêm góc nhìn, từ trải nghiệm và tình cảm gắn bó với vùng đất, con người Đồng bằng sông Cửu Long, với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tỉnh An Giang mới, không chỉ là mở rộng về diện tích, địa giới, mà là một không gian cơ hội mới. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tư duy kinh tế, trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo và định hướng kinh tế xanh, là yêu cầu cấp thiết. Cần tiếp cận nông nghiệp theo tư duy mới: nông nghiệp như một hệ sinh thái đa tầng, đa lĩnh vực, nơi mọi giá trị được tích hợp, gắn kết chặt chẽ. Nông nghiệp gắn kết từ đất liền đến mặt nước, từ trung tâm đến biên giới, từ đồng bằng đến biển Tây.
Tăng cường kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt trong lĩnh vực: thủy sản, lúa gạo, biến đổi khí hậu. Kết nối với các tổ chức quốc tế để tìm kiếm những ý tưởng canh tác nông nghiệp vượt trội, những kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia có điều kiện tương đồng.
Bên cạnh đó, An Giang cần tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân, nhóm doanh nghiệp dẫn đầu dẫn dắt ngành hàng, đầu tư logistics, công nghệ chế biến.
Nâng cao năng lực của cộng đồng dân cư nông thôn, xác định vai trò chủ thể của nông dân không chỉ là người sản xuất mà là người chủ động ra quyết định, sẵn lòng thích ứng với sự thay đổi, sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, liên kết.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng góp ý, chủ đề “Ấn tượng nông nghiệp An Giang” cũng cần hướng đến phục vụ sự kiện APEC 2027. Qua đó, giới thiệu sự kết tinh của chất lượng, của giá trị kinh tế nông nghiệp, của thương hiệu nông sản chuyển tải thông điệp sản phẩm.

Đó là từng bữa cơm từ hạt gạo phát thải thấp trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Là từng sản phẩm thủy sản được chọn lựa kỹ lưỡng, theo quy trình quản lý chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí môi trường nước. Là từng sản phẩm rơm rạ tái chế, tuần hoàn, thân thiện với môi trường giới thiệu đến từng đại biểu, khách dự quốc tế. Là hình ảnh tươi tắn, thân thiện của bà con nông dân, ngư dân chăm chút cho từng sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn…
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận: Định hướng những định hướng lớn về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2045; định hướng quy hoạch tỉnh An Giang phát triển nhanh, hài hòa và bền vững, đặc biệt phát triển Phú Quốc thành đặc khu tầm quốc tế; cách tiếp cận tích hợp giữa kinh tế biển, biên mậu và nội địa, trở thành các động lực tăng trưởng mới của kinh tế tỉnh An Giang; kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề phát triển và gợi ý cho tỉnh An Giang.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp các giải pháp bảo đảm an ninh sinh kế, văn hóa và môi trường bền vững tỉnh An Giang; khai thác giá trị văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển An Giang trong giai đoạn mới. Cùng với đó là các cơ chế vận hành chính quyền hai cấp hiệu quả, hiện đại và thiết kế, vận hành hệ thống chính quyền hai cấp trên nền tảng số…