Bà con xã An Phú (mới) tỉnh An Giang đón lũ. Ảnh: Phương Bằng
Bà con xã An Phú (mới) tỉnh An Giang đón lũ. Ảnh: Phương Bằng

Dự báo - giải pháp mềm cần thúc đẩy

Các chuyên gia nhận định, công tác dự báo là giải pháp có tính “mềm”, giúp chính quyền địa phương và người dân nhìn nhận, đưa ra các giải pháp và sự chuẩn bị ứng phó thiên tai hiệu quả hơn.

1Theo các chuyên gia, vài năm trở lại đây, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác dự báo, cảnh báo đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại trước thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, trái quy luật.

Đặc biệt, công tác dự báo chính xác đã giúp các địa phương, người dân chuyển đổi mùa vụ hợp lý, từng bước thích ứng các tình huống thiên tai. Chẳng hạn như, đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2015-2016, mặn xâm nhập sâu, vụ đông xuân năm đó đồng bằng bị thiệt hại gần 400.000 ha lúa và cây ăn trái. Nhưng sang đợt xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020, rồi mới đây là mùa khô 2023-2024, ngành nông nghiệp và các địa phương đã chủ động hơn và quyết định đẩy vụ đông xuân sớm hơn một tháng để né hạn mặn. Nhờ đó, năng suất, sản lượng cây trồng ít bị ảnh hưởng, thiệt hại thấp.

PGS, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho rằng: Cảnh báo sớm thiên tai giúp người dân và chính quyền các cấp có đủ thời gian chuẩn bị, chủ động ứng phó. Với những loại hình thiên tai diễn biến chậm như hạn hán, xâm nhập mặn..., có thể cảnh báo sớm trước từ ba đến sáu tháng. Vì vậy từ tháng 9 năm trước, các bản tin về nguy cơ hạn mặn đã được phát hành đều đặn để hỗ trợ các địa phương điều hành nguồn nước và sản xuất nông nghiệp. “Thiên tai biến đổi nhanh và phức tạp nên bản tin cảnh báo ban đầu chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi liên tục cập nhật bản tin dựa trên dữ liệu quan trắc thực tế để bảo đảm thông tin sát với tình hình nhất”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Hiện tại ở miền Tây, mỗi tỉnh được đầu tư hàng chục trạm khí tượng thủy văn, và nhiều trạm cảnh báo ngập lụt. Nhờ hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn được quan tâm đầu tư ngày một tăng về số lượng và theo hướng đo tự động đã giúp việc bám sát các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng khu vực, quốc gia và tham khảo trang thông tin dự báo quốc tế dễ dàng hơn. Song song việc duy trì truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo qua các kênh thông tin truyền thống (văn bản giấy, fax, truyền thanh, loa di động...), hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám như truyền hình, điện thoại di động, email, zalo, mạng xã hội... giữ vai trò quan trọng để bảo đảm thông tin, cảnh báo đến người dân đầy đủ, kịp thời.

2Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, lũ năm 2025 ở Đồng bằng sông Cửu Long nhiều khả năng là năm lũ nhỏ. Viện nhận định, lũ đầu vụ thấp hơn trung bình nhiều năm, mức lũ lớn nhất đến ngày 31/7/2025 ở mức 2 m và đến ngày 20/8/2025 ở mức 2,35 m tại Tân Châu. Vì vậy, lũ đầu vụ hầu như không ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè thu và thu đông năm 2025, ngoại trừ một số diện tích sản xuất ngoài ô bao cần thu hoạch trước thời gian này. Với dự báo lũ chính vụ đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu ở mức tương đương hoặc thấp hơn mức báo động 1, Viện này nhận định hầu hết các diện tích sản xuất trong ô bao kiểm soát lũ cả năm trên vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long đều an toàn. Tuy nhiên, các địa phương cần đề phòng những ô bao có bờ bao xung yếu (rò rỉ, sụt lún).

Phó Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, Cục sẽ chỉ đạo việc tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai nhằm chủ động tham mưu “từ sớm, từ xa” cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia... để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Với vấn đề an toàn hệ thống đê điều, Cục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ duy tu, bảo dưỡng đê điều, nhất là việc sửa chữa, khắc phục công trình đê điều bị hư hỏng; rà soát, sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn.

Chủ động ứng phó với thiên tai, các địa phương cần triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh. Ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con tổ chức sản xuất phù hợp với thời tiết, mùa vụ. Các đơn vị quản lý thủy lợi cần thường xuyên kiểm tra, củng cố các công trình để phòng ngừa sự cố do mưa lũ; tổ chức trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Người dân cần theo dõi sát thông tin dự báo thời tiết để điều chỉnh lịch sản xuất phù hợp, tránh rủi ro do thiên tai gây ra.

Xem thêm