Lễ hội đua ghe ngo tại Cần Thơ.
Lễ hội đua ghe ngo tại Cần Thơ.

Liên kết hợp tác thúc đẩy du lịch

Để thu hút du khách, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai hàng loạt chương trình kích cầu cùng các sự kiện, hoạt động kết nối du lịch-văn hóa-thương mại.

Đón làn gió mới từ việc sáp nhập các địa phương, nhiều doanh nghiệp đang khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch sẵn sàng cho xu thế phát triển trong không gian mới của địa phương và toàn vùng.

Khai thác văn hóa bản địa

Các tour du lịch hè ở miền Tây Nam Bộ khá đa dạng, phong phú khi kết hợp du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đặc trưng, du lịch biển, đảo và du lịch văn hóa-tâm linh. Mới đây, tại Đặc khu Phú Quốc (An Giang), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang (KITRA) phối hợp Hiệp hội Du lịch Kiên Giang và các đơn vị liên quan tổ chức lễ khởi động chương trình du lịch hè và công bố chương trình kích cầu du lịch 2025.

Với chủ đề “Kiên Giang - Biển đảo hội tụ, văn hóa lan tỏa”, chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 của địa phương tập trung quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của địa phương; các sản phẩm du lịch đặc sắc như du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và ẩm thực… Anh Trần Thành Tài và gia đình từ Thủ đô Hà Nội vào tham quan Khu du lịch Mũi Nai, phường Hà Tiên, tỉnh An Giang cho biết: “Nơi đây có đến hai bãi biển đẹp. Bãi Bằng có vẻ bình dị của những xóm chài nhỏ, còn bãi Nô là bờ biển với triền cát trắng thoai thoải làm say đắm lòng người.

Ở bãi biển nào, chúng tôi cũng tìm thấy những nét đẹp riêng và có trải nghiệm mới mẻ”. Mùa hè cũng là dịp du khách các nơi đổ về An Giang hành hương, tham dự lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam mang đậm bản sắc tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Là sự kiện tâm linh lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long và là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lễ hội cũng là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh đặc sắc, thu hút du khách nhất của vùng.

Chị Lai Thị Hạnh, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm nào gia đình chị cũng hành hương và kết hợp du lịch nghỉ dưỡng vào dịp hè. Chuyến đi này, gia đình chị đến viếng Chùa Bà và núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn, nổi tiếng với khí hậu mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Còn ở Cần Thơ, du lịch lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Kinh-Khmer-Hoa, với nhiều hoạt động đặc sắc. Du khách có thể tham gia các lễ hội như Chôl Chnăm Thmây, Ok Om Bok, đua ghe ngo, Sene Dolta, Cúng Phước biển, Thác Côn, Nghinh Ông, Vía Bà Thiên Hậu...

Không gian mới, sản phẩm hấp dẫn hơn

Nắm bắt xu hướng và nhu cầu của du khách, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (trước đây) phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2025.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chi Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Mục đích của hoạt động này nhằm phát huy vai trò liên kết giữa thành phố và các địa phương trong kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương, từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng. Hoạt động này góp phần thúc đẩy, tạo sự liên kết lan tỏa, tổng thể trên nhiều lĩnh vực theo hướng bền vững, cùng phát triển.

Hoạt động còn phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các hiệp hội du lịch trong việc xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thật sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng; đồng thời, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của các doanh nghiệp. Theo đó, ngành du lịch các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng các doanh nghiệp lữ hành đã bắt tay vào khảo sát xây dựng các tour, tuyến mới, hấp dẫn, tránh trùng lặp sản phẩm nhằm thu hút du khách.

Chương trình kéo dài đến quý III/2025, khởi đầu là phát triển các chương trình du lịch về nguồn gắn với giá trị lịch sử các vùng biên giới các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang. Với chủ đề: “Tự hào những dấu ấn vùng biên”, tại Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, chương trình còn quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng, miền trong cả nước và một số nước châu Âu. Hiện tại, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chính thức sáp nhập, thực hiện mô hình chính quyền hai cấp. Theo đó, du lịch miền Tây sẽ ngày càng mới hơn, rộng hơn, phù hợp với dư địa, không gian phát triển mới.

Cụ thể, thành phố Cần Thơ đang tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch sinh thái, sông nước; du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực. Hiện Cần Thơ có hơn 630 cơ sở lưu trú với hơn 11.000 phòng, bao gồm hơn 130 khách sạn tiêu chuẩn từ 1-5 sao. Cần Thơ chú trọng đầu tư khai thác hai điểm nhấn du lịch đặc trưng của địa phương là du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và vùng lân cận.

Việc mở rộng địa giới sẽ giúp các địa phương trong vùng có điều kiện thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đặc trưng vùng cù lao, cửa sông, tạo không gian cho phát triển du lịch văn hóa biển. Tại tỉnh An Giang (mới), du lịch sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa, nhất là việc xây dựng các tour kết nối nhiều điểm đến nội tỉnh như Châu Đốc- Rạch Giá-Hà Tiên, hay rộng hơn là Cần Thơ-Châu Đốc-Rạch Giá-Hà Tiên, hoặc mở rộng các tour Hà Nội-Phú Quốc về Hà Tiên, Hà Nội-Phú Quốc-Hà Tiên về Cần Thơ để du khách có thêm nhiều trải nghiệm, khám phá...

Xem thêm