Từ năm 2020 đến nay, cứ đầu tháng 7 hằng năm, ông Phạm Văn Non, ngụ ấp Bình Nghĩa, xã Châu Phú lại đi thu mua xe đạp cũ về tân trang, thay phụ tùng để tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ông Non chia sẻ: “Tiền mua xe tôi trích từ lương hưu và kêu gọi bạn bè chung tay giúp các cháu có xe đạp đi học”.
Từ năm 2020 đến nay, ông đã tặng hơn 180 xe đạp cho học sinh nghèo. Nói về chiếc xe đạp tình nghĩa của ông Non, em Nguyễn Ngọc Lan Anh, học sinh lớp 6 xúc động cho biết: Em mồ côi bố, mẹ sống bằng nghề bán vé số, năm học 2024-2025, bất ngờ nhận được xe đạp ông Non tặng, năm học mới em tự đạp xe đến trường, không phải lội bộ đi học hay đi nhờ xe các bạn như trước nữa...
Học Bác từ những việc làm rất nhỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân An đã xây dựng mô hình: “Thu gom, phân loại rác thải nhựa” địa điểm thực hiện tại tổ 13, ấp Tân Phú B với mục đích tuyên truyền bà con bỏ rác đúng nơi quy định. Từ năm 2020 đến nay, hội phân loại rác thải nhựa đem bán phế liệu và số tiền này dùng gây quỹ tặng học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, mua thẻ bảo hiểm y tế tặng các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình còn góp phần hướng người dân vùng nông thôn có ý thức tự giác bảo vệ môi trường, tạo không khí trong lành, tốt cho sức khỏe.
Tỉnh An Giang có dòng sông Hậu, với nhiều kênh rạch chằng chịt nhưng người dân các xã Mỹ Đức, Vĩnh Hanh, Phú Tân, Vĩnh An… vẫn đi lại thuận tiện nhờ đường lộ, cầu cống kết nối nhau đồng bộ. Mỹ Đức là xã thuần nông cho nên việc hai cây cầu đình Mỹ Đức và cầu Kênh 3 xuống cấp đã ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con.
Chính quyền địa phương phát động xây cầu mới thay cầu cũ, rất nhiều người dân, nhà hảo tâm đã đóng góp tiền, công sức. Trong tháng 3/2025, cầu Kênh 3 hoàn thành, cầu đình Mỹ Đức xây dựng xong tháng 5/2025 được đưa vào sử dụng khiến bà con rất phấn khởi. Ông Nguyễn Thanh Hòa, người phụ trách xây dựng hai cây cầu chia sẻ: Nơi nào trong tỉnh cần xây cầu nông thôn, cứ gọi là tôi có mặt, đến nay đã có hơn 40 cây cầu từ thiện được xây dựng.
Chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm lo vật tư, còn chúng tôi xây cầu miễn phí, đóng góp công sức giúp bà con vùng nông thôn đi lại tiện lợi hơn”. Đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh An Giang chia sẻ: Thời gian qua, mỗi tập thể, cá nhân ở các địa phương khác nhau, các ngành, các lĩnh vực khác nhau nhưng tất cả đều nỗ lực, cố gắng đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương của Bác. Cụ Võ Văn Tuần là Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trạch. Năm nay tuổi 86 nhưng ngày nào cụ Tuần cũng có mặt ở bếp ăn tình thương xã Vĩnh Trạch cùng đồng đạo chăm lo cho học trò nghèo.
Cụ thấy các cháu học sinh học hai buổi/ ngày, nhiều cháu nhà xa phải ở lại trường. Từ đó, cụ quyết định lập bếp ăn chay giúp các học trò không phải bỏ bữa ăn trưa. Khi cụ đề xuất ý kiến này, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch rất ủng hộ, khuyến khích. Tháng 10/2010, bếp ăn tình thương ra đời, ban đầu phục vụ vài chục học sinh nhưng việc làm nhân ái này được nhiều người biết đến cho nên các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã thường xuyên ủng hộ gạo, rau củ quả, tiền. Từ phục vụ ban đầu chỉ vài chục suất ăn, nay bếp ăn phục vụ hơn 200 suất/buổi cho học sinh và người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng. Cụ Tuần tâm sự: “Bếp ăn được như hôm nay là nhờ sự giúp sức từ chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, phật tử.
Chúng tôi luôn đa dạng các món ăn để các cháu ăn ngon miệng và luôn đặt yếu tố an toàn thực phẩm lên hàng đầu”. Đến nay, đã có 50 thành viên tham gia bếp tình thương, trong đó khoảng 20 thành viên túc trực thường xuyên. Bà Phạm Thị Thu Hà, thành viên của bếp ăn tình thương bày tỏ: 14 năm qua bà luôn đứng bếp nấu nướng. Niềm vui của bà là thấy các cháu học sinh ăn ngon miệng. Cô Lương Thị Kim Thy, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Vĩnh Trạch cho biết: Đầu năm học, trường đăng ký với bếp ăn từ 100 suất trở lên cho các học sinh.
Theo cô Thy, nhờ bếp ăn tình thương mà phụ huynh và các điểm trường gần đó không phải lo con em bị đói, bỏ bữa ăn trưa ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, sau này nhiều học sinh của trường khi thành tài đã quay lại ủng hộ vật chất cho bếp ăn.