Với diện tích hơn 6.400 km², dân số khoảng 4 triệu người, thành phố Cần Thơ đang mở ra quy mô thị trường tiêu thụ lớn thu hút nhà đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ khu đô thị. Hạ tầng liên kết vùng tại địa phương đang được đầu tư mạnh mẽ, nhất là các công trình giao thông trọng điểm như các tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Cần Thơ-Sóc Trăng… cùng các dự án cảng biển như Cái Cui mở rộng, Trần Đề tạo thuận lợi cho logistics, tăng khả năng kết nối chuỗi cung cứng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Sau khi hợp nhất, thành phố Cần Thơ có hơn 100 dự án FDI đang hoạt động. Trong đó, thành phố Cần Thơ (cũ) có 78 dự án (vốn đăng ký 2,43 tỷ USD); Hậu Giang có 25 dự án (vốn đăng ký khoảng 730 triệu USD); tỉnh Sóc Trăng có 10 dự án FDI đã hoạt động và 10 dự án đang triển khai thủ tục, tạo kỳ vọng thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy tiềm năng thu hút đầu tư mạnh mẽ của các địa phương trước đây cũng như thành phố thời điểm hiện tại.
Thành phố Cần Thơ trước khi sáp nhập là điểm đến của đầu tư với vai trò trung tâm kinh tế, hành chính, giáo dục-đào tạo, logistics và hạ tầng vùng, trong khi đó Hậu Giang, Sóc Trăng có những thế mạnh riêng. Hậu Giang đã tập trung mạnh vào nông nghiệp bền vững, công nghiệp chế biến, logistics và đô thị thông minh. Sóc Trăng với lợi thế cảng Trần Đề và quỹ đất ven biển dồi dào đã tập trung phát triển năng lượng sạch, công nghiệp xuất khẩu và dịch vụ cảng biển.
Theo đại diện một số doanh nghiệp hoạt động tại thành phố Cần Thơ: Việc hợp nhất hứa hẹn sẽ mở rộng không gian phát triển và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thủ tục đầu tư và quỹ đất. Ngoài ra, việc thành lập mô hình chính quyền hai cấp, tinh gọn bộ máy giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin quy hoạch, ít phát sinh tầng nấc trung gian và được hỗ trợ trực tiếp từ cấp sở, ngành.
Hệ thống hạ tầng giao thông vùng đang được đầu tư đồng bộ và tương đối hoàn thiện, nhất là các tuyến cao tốc và cảng biển sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản khiến việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách của Cần Thơ gặp trở ngại. Trước khi sáp nhập, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở cả Cần Thơ, Hậu Giang lẫn Sóc Trăng đều ở mức không cao.
Tính đến cuối tháng 4/2025, thành phố Cần Thơ (cũ) chỉ đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11,19% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này tại Sóc Trăng và Hậu Giang lần lượt là 11,35% và hơn 14%. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ khiến nguồn lực của Nhà nước bị lãng phí và làm cho nhà đầu tư tư nhân dè dặt hơn khi cân nhắc triển khai dự án. Tại Cần Thơ, năm 2018 thành phố ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án ngoài ngân sách nhưng đến đầu năm 2024 không ghi nhận dự án nào được hỗ trợ.
Tại Hậu Giang và Sóc Trăng, một số doanh nghiệp đánh giá cao môi trường đầu tư khi quy trình giải quyết thủ tục nhanh gọn và minh bạch nhưng các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn thiên về hình thức, thiếu chiều sâu trong kết nối thực chất với doanh nghiệp. Từ trước đến nay, chất lượng nguồn nhân lực trở thành hạn chế cố hữu tại Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung khi nhiều nơi thu hút dự án công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông do thiếu lao động kỹ thuật, kỹ sư công nghiệp, logistics và công nghệ cao.
Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư sẽ có những băn khoăn khi muốn mở rộng sản xuất giá trị gia tăng lớn. Ngay sau khi thành phố Cần Thơ mới chính thức đi vào hoạt động, đồng chí Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã giao các nhiệm vụ trọng tâm cho các sở, ngành, trong đó nhấn mạnh yêu cầu khơi thông các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư.
Theo đó, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm đang triển khai; rà soát lại các dự án đã có chủ trương đầu tư, các dự án đã có nhà đầu tư, để xúc tiến các thủ tục tiếp theo, sớm đưa dự án vào hoạt động. Các sở, ngành quan tâm, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án ngoài ngân sách như: Khu công nghiệp VSIP, cụm dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, đường ống dẫn khí lô B… Bên cạnh đó, Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để tận dụng lợi thế, tháo gỡ những nút thắt thiện tại.
Theo một số chuyên gia, thành phố cần ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghệ cao... Tiếp tục hoàn thiện, phát triển hạ tầng liên kết vùng để giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm. Địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số trong xử lý hồ sơ, công khai quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư. Cần tăng cường liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, việc tăng cường xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước cần được chú trọng, để đón thêm nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư trong thời gian tới.