Doanh nghiệp vươn mình
Với hàng chục nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn đăng ký hàng trăm nghìn tỷ đồng, khu vực kinh tế tư nhân ở thành phố Cần Thơ đã và đang khẳng định vai trò chủ lực trong tăng trưởng GRDP. Nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp hợp tác xã, cơ sở sản xuất từng bước thâm nhập vào các hệ thống siêu thị lớn như: CoopMart, BigC, Vinmart, Mega Market… với hàng trăm tấn sản phẩm các loại mỗi tháng.
Thành phố Cần Thơ tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài thành phố, Hội nghị kết nối cung-cầu, giao thương giữa các tỉnh, thành phố. Trưng bày quảng bá tại các điểm bán hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và đặc khu Phú Quốc…
Điển hình, tại hợp tác xã Kỳ Như, xã Long Thạnh, thành phố Cần Thơ, hiện có 14 sản phẩm chủ lực từ cá thát lát. Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như cho biết: Đơn vị hiện có hơn 50 thành viên, vùng nguyên liệu khoảng 16 ha và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số trong quá trình sản xuất. Nếu được hỗ trợ từ Nghị quyết số 68-NQ/TW, doanh nghiệp sẽ phát quy hiệu quả hơn nữa.
Ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hạnh Nguyên Logistics, thành phố Cần Thơ chia sẻ: Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ là hướng mở đường mới cho doanh nghiệp vững bước mở rộng thị trường. Ngoài ra, việc hoàn thành nhanh chóng các công trình kết nối giao thông, luân chuyển hàng hóa nhanh chóng, an toàn, giảm chi phí sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp tham gia đầu tư tại miền Tây. Việc cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội kinh doanh. “Cùng với sự quyết tâm, đồng lòng, chung vai sát cánh, giới doanh nghiệp chúng tôi sẽ vượt qua tất cả những khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế địa phương”, ông Hoài cho biết thêm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tư nhân hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao, khả năng tiếp cận vốn, việc liên kết giữa doanh nghiệp với nhau và với khu vực FDI, doanh nghiệp nhà nước còn yếu. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn ở giai đoạn sơ khai…
Giai đoạn mới cho doanh nghiệp miền Tây
Vừa qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đón tin vui khi 500 tấn gạo Japonica mang nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” lần đầu có mặt tại thị trường Nhật Bản. Lô gạo được xuất bởi Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An và có sự hợp tác của Tập đoàn MURASE (Nhật Bản). Đây được xem là bước ngoặt quan trọng của ngành nông nghiệp, là bước tiến ấn tượng trong sản xuất lúa gạo của doanh nghiệp “vùng đất chín rồng”.
Ghi nhận sự nỗ lực của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cán bộ ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam tin tưởng, sự chuyển đổi tư duy trong sản xuất lúa bền vững sẽ gia tăng nhiều giá trị. Việc xuất khẩu lô gạo giảm phát thải đầu tiên của Việt Nam đến với người tiêu dùng Nhật Bản có ý nghĩa rất lớn, mở ra hướng đi lâu dài cho doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo Việt Nam, là cơ hội để vùng Đồng bằng sông Cửu Long định hướng phương thức sản xuất lúa gạo sang giai đoạn mới, khắc phục được vấn đề được mùa rớt giá, tạo ra được gạo chất lượng và có thương hiệu gạo.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình thông tin: Lô gạo giảm phát thải đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 820 USD/tấn trong khi các thị trường khác chỉ dao động từ 650-700 USD/tấn. Đây là mức giá tốt, giúp nông dân và doanh nghiệp có động lực để tiếp tục theo đuổi phương thức canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Ông Bình cho hay: Riêng gạo phát thải thấp ở Việt Nam hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Tại thị trường Nhật Bản, dư địa để gạo Việt Nam xuất khẩu rất rộng mở. Theo ông Bình, để có thể xuất khẩu được lô gạo này, doanh nghiệp và nông dân đã canh tác theo đúng quy trình của Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Yếu tố phát thải thấp chỉ là một trong 600 hoạt chất mà Nhật Bản yêu cầu, nếu vào được thị trường Nhật Bản sẽ dễ dàng xuất khẩu vào các quốc gia khác.
Với nhận định này, từ năm 2020 đến nay, Công ty Trung An liên kết với Tập đoàn MURASE hợp tác trồng lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Nhật Bản. Đến giai đoạn 2024-2025, hai bên tiếp tục nâng cấp hợp tác, canh tác theo tiêu chí của Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao với mục đích vừa nâng cao chất lượng gạo, vừa bảo đảm thân thiện môi trường. Đây là lộ trình và bước đi vững chắc của doanh nghiệp, tạo đà phát triển trong giai đoạn mới của kinh tế tư nhân tại miền Tây.