Người dân xã Cái Bè (tỉnh Đồng Tháp) chăm sóc vườn sầu riêng.
Người dân xã Cái Bè (tỉnh Đồng Tháp) chăm sóc vườn sầu riêng.

Bảo đảm sự phát triển bền vững của cây sầu riêng

Sầu riêng được mệnh danh là “vua” của các loại trái cây trên cả nước bởi lợi nhuận mang lại rất lớn. Tuy vậy, việc tự phát mở rộng diện tích, trồng trên các vùng thổ nhưỡng chưa phù hợp đã khiến ngành hàng này phát sinh một số hệ lụy như: Chất lượng chưa bảo đảm, cung vượt cầu.

Đáng chú ý, khi thị trường nhập khẩu được siết chặt thì loại trái cây này đã lao dốc không phanh.

Thực trạng này đang đặt ra vấn đề cấp thiết là thay đổi tư duy sản xuất, trong đó, việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong canh tác của nông dân và sự vào cuộc quyết liệt của ngành chuyên môn là điều kiện để bảo đảm sự phát triển bền vững cây sầu riêng.

Liên tục mở rộng diện tích

Trồng sầu riêng, nếu thuận lợi về năng suất và giá cao, nông dân có thể thu lợi hơn 1-1,5 tỷ đồng/ha. Chính vì vậy, nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ đất lúa và các loại cây trồng khác sang sầu riêng, bất chấp ngành chuyên môn khuyến cáo, nhiều nông dân cũng chưa nắm rõ về kỹ thuật để trồng loại cây khó tính này.

Phần lớn nhà vườn vừa trồng, vừa rút kinh nghiệm. Cách đây 6 năm, ông Trần Văn Minh, xã Mỹ Lợi, tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi 0,7 ha lúa sang trồng sầu riêng xen canh mít Thái. Đến nay, vườn sầu riêng của gia đình ông thu hoạch được vụ đầu tiên. Ông Minh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu sống nhờ cây lúa. Qua nhiều năm, cuộc sống không cải thiện được bao nhiêu.

Thấy những người trồng sầu riêng lợi nhuận cao, tôi mạnh dạn chuyển sang trồng. Từ khi trồng đến cho trái vụ đầu, chi phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Vậy mà, vụ mùa vừa qua, gia đình chỉ thu được gần 300 triệu đồng. Do không nắm được kỹ thuật, gia đình để trái quá nhiều, cây bị yếu, trái nhỏ, năng suất thấp. Thu hoạch xong, 6/80 gốc sầu riêng bị chết. Vụ mùa qua, gia đình tôi coi như mất trắng”.

Thực trạng của ông Minh cũng giống nhiều nhà vườn trồng sầu riêng khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Gia đình nào có vốn thì thuê kỹ thuật viên về hỗ trợ trồng. Hầu hết nhà vườn còn lại trồng theo kinh nghiệm học hỏi những người đi trước. Ông Hồ Vũ Bảo, xã Mỹ Thành (tỉnh Đồng Tháp) chuyển đổi 0,4 ha đất chuyên canh lúa sang trồng sầu riêng Monthong (sầu riêng Thái). Đến nay, vườn sầu riêng của gia đình ông được 5 năm tuổi và thu hoạch được vụ trái đầu tiên. Với giá bán 70.000 đồng/kg (loại xô), năng suất đạt 1 tấn/ha, ông thu về được 280 triệu đồng.

Ông Bảo cho biết: “Số tiền bán được nhiều, tuy nhiên chi phí đầu tư từ khi xử lý trái đến thu hoạch cũng hết gần 250 triệu đồng. Nếu tính tiền công chăm sóc thì coi như... huề”. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng, vườn sầu riêng của ông Bảo bị cháy lá nặng khi cây đang mang trái. Để cứu cây và giữ trái, ông phải thuê kỹ thuật viên chuyên về sầu riêng với chi phí gần 50 triệu đồng để hỗ trợ. Mặc dù vậy, sau khi thu hoạch trái, cây vẫn bị suy kiệt, một số cây đang trong giai đoạn chết.

Ông Bảo nói: “Trồng sầu riêng không dễ. Từ khi trồng đến khi cho trái tốn rất nhiều chi phí. Nếu có kỹ thuật tốt, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi thì chi phí trồng thấp hơn. Khi có trái, giá bán được cao, năng suất đạt thì nông dân có lãi. Ngược lại, người trồng sẽ lỗ vốn nặng”. Việc phát triển quá nhanh về diện tích trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Tháp, trong đó có nhiều khu vực ngoài quy hoạch, chưa bảo đảm hạ tầng thủy lợi, nhất là những nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng sầu riêng chưa có nhiều kinh nghiệm, được cảnh báo sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sau. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, đề án phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (trước đây) đến năm 2025 từ 14.000-16.000 ha.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích sầu riêng đã tăng lên hơn 24.500 ha, sản lượng đạt khoảng 500.000 tấn, trong đó, diện tích đang cho trái là hơn 15.000 ha. Nếu trước đây, vùng chuyên canh sầu riêng chỉ tập trung ở các xã ven sông Tiền thì hiện nay đã mở rộng sang hầu hết các xã, phường phía tây của tỉnh Tiền Giang (trước đây).

Quan điểm quy hoạch vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tập trung vào hiệu quả cao, bền vững; gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, đi kèm với bảo vệ môi trường. Địa phương hướng tới tổ chức sản xuất phù hợp yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất sầu riêng an toàn và các công nghệ hiện đại vào sản xuất; tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, sơ chế biến và tiêu thụ sản phẩm; lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và xây dựng thương hiệu mạnh, hướng đến thị trường xuất khẩu giá trị cao.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Quan điểm của ngành nông nghiệp là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng ở những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc ngoài các vùng quy hoạch”. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông dân là mục tiêu chính đáng. Song việc dịch chuyển này đòi hỏi phải đúng theo quy hoạch mới hình thành nên các khu sản xuất tập trung với sản lượng lớn, tạo nền tảng cho xuất khẩu.

Kiểm soát chất lượng

Từ năm 2024, ngay khi nhận được thông báo sầu riêng nhiễm cadimi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động tiến hành ngay việc xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cho địa phương; trong đó, có triển khai các mô hình giảm cadimi tại tỉnh Đồng Tháp.

Các giải pháp Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai tập trung vào ba nhóm chính: Nâng độ pH đất, chuyển từ dạng hòa tan sang dạng khó tiêu của cadimi và áp dụng các giải pháp để giảm cadimi trong đất. Ngoài ra, rất nhiều loại phân bón an toàn, không có cadimi cũng được bộ công bố. Với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp địa phương, doanh nghiệp thực hiện bảy mô hình kiểm soát cadimi tại các vùng trồng sầu riêng kết hợp canh tác sầu riêng theo hướng an toàn, bảo đảm chất lượng xuất khẩu tại các xã: Long Tiên, Ngũ Hiệp và Thanh Hưng, cho kết quả khả quan.

Theo Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp Võ Thị Kim Phương, qua kết quả bước đầu xác định, một số nguồn có khả năng dẫn đến nhiễm cadimi gồm: Các loại phân bón được sử dụng có chứa cadimi, đất trồng có pH thấp, hóa chất được sử dụng tại cơ sở đóng gói. Để khắc phục tình trạng nhiễm cadimi và vàng O, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã lấy mẫu phân bón, đất, nước; khoanh vùng, xác định các nguy cơ có khả năng gây nhiễm kim loại nặng cadimi, vàng O làm cơ sở để khuyến cáo nhà vườn canh tác, giúp giảm nguy cơ nhiễm cadimi.

Tại các mô hình được áp dụng biện pháp trên, sau hơn 4 tháng thực hiện, cadimi trong cành, lá giảm 0,02- 0,03 mg/kg, cadimi trong đất đang chờ kết quả phân tích. Các mô hình đang được tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu, khi có kết quả chính thức sẽ thực hiện sơ, tổng kết và nhân rộng vào sản xuất. Cùng với đó, ngành tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo nhà vườn áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây sầu riêng và biện pháp hạn chế việc nhiễm kim loại nặng cadimi; hướng dẫn các cơ sở đóng gói thực hiện vệ sinh công nghiệp tại chỗ bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất cấm sử dụng và nhất là hóa chất có chứa vàng O; yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện việc kiểm tra dư lượng kim loại nặng, chất vàng O và thực hiện truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu trước khi xuất khẩu.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (trước đây) đã nghiên cứu giải pháp phân giải cadimi trong đất trồng cây ăn trái, trường hợp cây sầu riêng canh tác tại xã Long Tiên và xã Thanh Hưng (tỉnh Đồng Tháp). Đề tài đã đạt Giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (trước đây), lần thứ XVI, năm 2024- 2025.

Ông Thành chia sẻ: “Tôi sử dụng sáu chế phẩm vi sinh vật được ủ trong ba tháng, sau đó, sử dụng 4 kg chế phẩm vi sinh vật trộn với 100 kg phân chim cút để bón gốc; sử dụng 5 kg chế phẩm vi sinh vật ủ với 10 kg phân dơi và 100 lít nước trong bồn nhựa dung tích 200 lít, thời gian ủ 3-3,5 tháng, sau đó pha với nước theo tỷ lệ 1/20 rồi tưới vào gốc sầu riêng - tưới gốc 15 ngày/lần, phun lên tán lá 10 ngày/lần”. Theo ông Thành, kết quả cho thấy độ pH trong đất từ 5,2-5,4 tăng lên 6,4.

Ở ngưỡng pH này, rễ cây không hút cadimi và cadimi không kết hợp với các nguyên tố đa, vi lượng cung cấp cho thân, lá cây và trái sầu riêng. Đồng thời, vi sinh vật có lợi phát triển, cây hút được dinh dưỡng từ đất nuôi cây được thuận lợi hơn. Giải pháp giúp phân giải hàm lượng cadimi trong đất; giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng hấp thụ các chất dinh dưỡng và nước, tăng cường quang hợp của cây, khắc phục tình trạng lá cây bị còi cọc, vàng, tược non phát triển kém do hàm lượng cadimi vượt mức cho phép...

Ngoài ra, giải pháp này còn giúp nông dân ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ nhằm bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, giúp cho cây phát triển bền vững, giảm ô nhiễm môi trường do lạm dụng phân bón hóa học. Để xuất khẩu sầu riêng bền vững, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần sản xuất theo chuỗi liên kết, tuân thủ các quy định trong canh tác; quan tâm thực hiện quy trình canh tác sạch, an toàn, thu hoạch đúng thời điểm để bảo đảm chất lượng khi đưa ra thị trường; kiểm tra nghiêm ngặt các khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch một cách khoa học.

Thời gian qua, trung tâm đã hỗ trợ cho tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn vùng trồng kỹ thuật canh tác sầu riêng theo quy trình canh tác bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó sử dụng các loại phân bón không có chứa hoặc có chứa với hàm lượng cadimi cực thấp. Các địa phương cần quản lý tốt nguồn vật tư đầu vào, tuyệt đối không sử dụng các loại phân hữu cơ có nguồn gốc từ rác thải công nghiệp, các loại phân chuồng chưa qua ủ hoai mục; chỉ bón phân chứa lân (phosphate) như: Super lân, DAP ở cơi đọt 1, 2, 3 và chuẩn bị xử lý ra hoa, không sử dụng Super lân, DAP và phân bón qua lá có chứa lân ở giai đoạn từ lúc ra hoa đến trước khi thu hoạch; nên bón các loại phân NPK chuyên dùng cho sầu riêng.
LÊ THỊ DIỆU XUÂN
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam
Đến nay, viện chưa thể “bắt tay” vào hỗ trợ cho địa phương cũng như nông dân bởi cơ quan quản lý là Cục Trồng trọt chưa công bố vùng đất nào, địa phương nào, loại phân bón nào có chứa hàm lượng cadimi. Nếu được công bố, viện mới tiến hành nghiên cứu được. Viện có một số chế phẩm sinh học làm giảm hàm lượng cadimi nhưng cũng chưa thể sử dụng được.
Tiến sĩ VÕ HỮU THOẠI,
Viện trưởng Cây ăn quả miền nam

Xem thêm