Nghề sản xuất than củi giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tuy nhiên lại gây ô nhiễm môi trường
Nghề sản xuất than củi giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tuy nhiên lại gây ô nhiễm môi trường

Tăng cường vận động người dân không xây mới lò than củi

Lò hầm than củi từng được xem là nghề truyền thống - sinh kế nuôi sống bao thế hệ, nay trở thành bài toán nan giải giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tại thành phố Cần Thơ.

Khó kiểm soát…

Tỉnh Hậu Giang (trước đây) có 1.288 lò hầm than củi, tập trung ở các xã: Tân Phú, huyện Châu Thành (trước đây), nay là xã Phú Hữu, với 906 lò; xã Tân Thành và xã Đại Thành (thành phố Ngã Bảy), nay là phường Đại Thành, với 382 lò.

Đây là những làng nghề truyền thống tồn tại từ hàng chục năm qua, là sinh kế của hàng trăm hộ dân, giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương và nơi khác đến. Tuy nhiên, các lò than này hoạt động đều không có hệ thống xử lý, khói, bụi phát tán ra môi trường chung quanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất vùng cây ăn trái gần đó, cho nên người dân khá bức xúc.

Nhiều năm qua, những cột khói đen bốc lên từ các lò hầm than củi thủ công này không chỉ gây nhức nhối trong dư luận mà còn là “nỗi ám ảnh” đối với người dân sống gần khu vực sản xuất. Bà Phan Huệ Sen, xã Phú Hữu, là chủ của chín lò than hầm củi có gần 50 lao động làm việc thường xuyên cho biết: “Làm cái nghề này thăng trầm và vất vả lắm. Giá cả đầu ra bấp bênh, lời lãi không bao nhiêu, nhưng cũng giúp hàng trăm hộ dân ở đây có cuộc sống ổn định.

Tuy không dư dả hơn người khác, nhưng cũng đủ để họ nuôi sống gia đình. Biết rằng cái nghề này gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu bỏ, gia đình thật sự không biết chuyển qua làm nghề gì để sống”. Năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang (trước đây) đã thực hiện nghiên cứu thí điểm mô hình xử lý khí thải lò hầm than củi tại một hộ dân ở xã Tân Thành (nay là phường Đại Thành), với chi phí đầu tư khoảng 90 triệu đồng. Hệ thống xử lý chất thải đã mang đến hiệu quả tích cực. Khí thải sau khi được xử lý đã đạt quy chuẩn môi trường.

Tuy nhiên, vì không có kinh phí cho nên chưa thể nhân rộng mô hình, người dân cũng không đủ tiền để tự đầu tư. Đến nay, mô hình này chỉ dừng lại ở một hộ thí điểm và nhiều năm qua cũng không còn sử dụng do chi phí vận hành khá tốn kém. Năm 2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ngã Bảy (trước đây) cũng thực hiện một mô hình với chi phí đầu tư 85,5 triệu đồng. Mô hình hoạt động khá hiệu quả, khí thải ra đạt quy chuẩn môi trường, nhưng tuổi thọ kém, đã hư hỏng.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành (trước đây) cũng phối hợp với Trường đại học Cần Thơ thí điểm mô hình xử lý chất thải lò than củi với chi phí đầu tư khoảng 35 triệu đồng. Mô hình này tuy có giá đầu tư thấp, nhưng hiệu quả mang lại không cao... Những thí dụ trên cho thấy, mặc dù ngành chức năng cũng cố gắng tìm giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhưng mô hình ứng dụng khoa học-công nghệ vào xử lý lò hầm than củi vẫn chưa được áp dụng, nhân rộng. Nguyên nhân do người dân ngại chi phí đầu tư lớn nên không lắp đặt, đồng thời cho rằng các mô hình đưa vào vận hành làm giảm chất lượng sản phẩm...

Kỳ vọng từ đề án...

Năm 2023, tỉnh Hậu Giang (trước đây) triển khai thực hiện đề án Kiểm soát môi trường tại khu vực sản xuất than củi, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 sẽ kiểm soát và xử lý triệt để khí thải phát sinh từ các lò than hầm củi trên địa bàn nhằm cải thiện chất lượng không khí, giảm tác động xấu đến môi trường.

Sau năm 2030, địa phương sẽ phấn đấu từng bước ngưng hoạt động ít nhất 870 lò; các lò còn tiếp tục hoạt động, bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn 100% số lò sản xuất than củi. Theo đề án này, các chủ lò tự nguyện ngừng sản xuất và tháo dỡ lò than sẽ được hỗ trợ từ 50-70% chi phí đầu tư lò ban đầu, người dân sẽ an tâm hơn khi bước vào hành trình chuyển đổi. Tuy nhiên, qua hai năm triển khai, số lò không những giảm mà tăng thêm 17 lò so với trước khi thực hiện đề án.

Thực tế cho thấy, một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những hệ lụy nghiêm trọng từ khói, bụi và khí thải trong quá trình đốt than đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Việc chuyển đổi nghề cũng không dễ dàng bởi phần lớn các hộ làm than lâu năm vẫn e ngại từ bỏ nghề truyền thống vốn đem lại thu nhập ổn định. Bản thân họ còn thiếu kỹ năng nghề mới và chưa sẵn sàng tiếp cận với những lĩnh vực việc làm khác, khiến quá trình thay đổi còn chậm và đầy thách thức.

Theo quy hoạch tỉnh Hậu Giang (trước đây) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ hình thành cụm công nghiệp Tân Thành ở thành phố Ngã Bảy và cụm công nghiệp Phú Tân ở huyện Châu Thành, mỗi cụm rộng 50 ha. Việc hình thành các cụm công nghiệp này đồng nghĩa với việc khoảng 700 lò sản xuất than củi nằm trong phạm vi quy hoạch sẽ phải tháo dỡ, ngừng hoạt động. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Cần Thơ Trần Chí Hùng cho biết: “Để thực hiện mục tiêu đề án sau năm 2030 ngưng hoạt động ít nhất 870 lò than củi, trước tiên cần ưu tiên thành lập các khu, cụm công nghiệp thân thiện môi trường, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp người dân an tâm chuyển đổi nghề bền vững.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không xây mới, không sửa chữa lò hư hỏng và giảm dần quy mô sản xuất than củi; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; khuyến khích hộ dân tự nguyện tháo dỡ lò nằm ngoài quy hoạch; các lò không đạt chuẩn sẽ bị kiểm tra, xử lý nghiêm, không để phát sinh thêm lò mới trái quy định”.

Xem thêm