Lãnh đạo địa phương thắp hương tại Lăng Hoàng Gia, phường Sơn Qui (tỉnh Đồng Tháp).
Lãnh đạo địa phương thắp hương tại Lăng Hoàng Gia, phường Sơn Qui (tỉnh Đồng Tháp).

Đồng Tháp long trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 200 của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng

Sáng 8/7, tại phường Sơn Qui, tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 200 của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (1825-2025).

Phát biểu tại lễ giỗ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Sơn Qui Giản Bá Huỳnh cho biết, Lễ giỗ lần thứ 200 năm của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ngày 14/6/1825-14/6/2025 âm lịch) là một sự kiện quan trọng thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và những người con Gò Công.

Từ bao đời nay, ngày giỗ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng được tổ chức tại Khu di tích Lăng Hoàng Gia, thuộc phường Long Hưng, tỉnh Tiền Giang cũ (nay là phường Sơn Qui, tỉnh Đồng Tháp). Dòng họ Phạm Đăng đã sống lâu đời ở đất Gò Công.

Ông Phạm Đăng Khoa là người khai hoang lập nghiệp ở xứ này. Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ năm. Ông Phạm Đăng Hưng là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng Thái Hậu Từ Dụ, tước Đức Quốc Công.

Sau khi ông Phạm Đăng Hưng mất, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng. Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng có những cống hiến cho triều đình nhà Nguyễn.

Ông từng giữ các chức vụ quan trọng như: Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Hộ, Lễ bộ Thượng thư kiêm Tổng tài Quốc sử quán, Thái bảo, Thái phó rồi được phong Quốc công. Ông là người giỏi văn chương, tinh thông lễ nghi và giỏi ngoại giao, được vua Gia Long và Minh Mạng đặc biệt tín nhiệm trong các công việc ngoại giao và triều chính.

Ông là người Chủ biên Quốc sử triều Nguyễn, là Tổng tài Quốc sử quán - phụ trách việc biên soạn và chỉnh lý quốc sử; xây dựng nền tảng sử học triều Nguyễn, giữ gìn lịch sử và văn hóa dân tộc.

Đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng được vua Thành Thái xây dựng vào năm 1888, trùng tu tôn tạo vào năm 1921 dưới thời vua Khải Định, với những đặc điểm kiến trúc và trang trí nội thất cũng như bài trí đồ tế tự mang tính cung đình. Đây là một công trình kiến trúc hiếm có ở vùng đất Nam Bộ, với các đồ án hoa văn trang trí rồng phụng, hoa lá hóa rồng, bát bảo, tứ quý có kỹ thuật chạm trổ tinh xảo, sơn son thiếp vàng mang phong cách hoàng gia.

Năm 1992, Lăng Hoàng Gia được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp quốc gia.

Xem thêm