Từ thực tiễn vận hành ngày đầu, niềm tin của người dân được củng cố bằng những thay đổi rõ rệt trong cung cách phục vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở.
SỰ HÀI LÒNG CỦA DÂN LÀ THƯỚC ĐO
Tại phường Long Châu, trung tâm hành chính mới của tỉnh Vĩnh Long, chỉ trong buổi sáng 1/7, gần 200 hồ sơ hành chính đã được tiếp nhận và giải quyết. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một tiểu thương địa phương, chia sẻ: “Tôi đến làm thủ tục tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa, được cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình, thủ tục nhanh chóng. Đặc biệt, nhờ thao tác qua hệ thống điện tử nên tôi không cần lưu giữ giấy tờ như trước, rất thuận tiện”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, kiêm Giám đốc Trung tâm hành chính công phường Long Châu, ông Lê Hoàng Nam cho biết: “Phường đã đầu tư nâng cấp hạ tầng tiếp nhận hồ sơ, trang bị thêm thiết bị và tập huấn kỹ năng cho công chức, đồng thời phối hợp các đơn vị viễn thông bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Mô hình chính quyền hai cấp giúp phường chủ động xử lý hồ sơ, không còn để người dân phải đi lại nhiều như trước”.
Không khí làm việc tích cực cũng được ghi nhận tại phường Mỹ Phong, tỉnh Đồng Tháp, trong ngày đầu vận hành bộ máy mới. Bà Nguyễn Hồng Mai, người dân địa phương, cho biết: “Tôi đến xin chứng nhận giấy xin việc, dù lãnh đạo phường đang họp vẫn tranh thủ ký hồ sơ cho tôi. Cán bộ làm việc nhanh gọn, hỗ trợ tận tình khiến người dân chúng tôi rất yên tâm”.
Tại xã Đồng Khởi, tỉnh Vĩnh Long, ông Phạm Văn Lầm, người dân địa phương, đến làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu nội. Chỉ sau 15 phút, hồ sơ đã được hoàn tất. Ông xúc động: “Tôi rất vinh dự là một trong những người đầu tiên trải nghiệm mô hình mới. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, cán bộ hướng dẫn tận tình. Tôi mong rằng sau sáp nhập, thủ tục hành chính sẽ tiếp tục nhanh, gọn, giảm phiền hà cho người dân”.
Ông Văn Sài Lến, 62 tuổi, ở phường Rạch Giá, tỉnh An Giang, sau 40 năm sống chung với vợ nhưng chưa từng đăng ký kết hôn vì ngại thủ tục, đã quyết định đến làm giấy tờ trong ngày đầu mô hình mới hoạt động. “Tôi nghe nói bây giờ làm thủ tục dễ hơn nên đi làm. Quả thật, mọi thứ diễn ra nhanh chóng”, ông Lến chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Rạch Giá, ông Dương Hồng Tuấn cho biết: “Phường đã bố trí đủ nhân sự, thiết bị và huy động cả đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, viết đơn. Phường Rạch Giá được thành lập từ việc sáp nhập 9 phường thuộc thành phố Rạch Giá cũ, diện tích tự nhiên 45,53 km², với hơn 250.000 dân, là một trong những phường đông dân nhất cả nước nên công tác chuẩn bị phải rất chu đáo”.
PHÙ HỢP VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
Việc sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính không đơn thuần là thay đổi địa giới mà còn là bước đi chiến lược về tổ chức bộ máy, khai thác hiệu quả tiềm năng vùng và phục vụ người dân tốt hơn. Ở nhiều địa phương, điều này đang được hiện thực hóa rõ nét.
Xã Long Hiệp, tỉnh Vĩnh Long được thành lập từ ba xã cũ thuộc tỉnh Trà Vinh có hơn 32.400 dân, trong đó người dân tộc Khmer chiếm hơn 80%. Trong buổi sáng đầu tiên, Trung tâm hành chính xã đã tiếp nhận, giải quyết khoảng 30 hồ sơ hành chính. Anh Thạch Ngọc Tiền, ấp Rạch Bót, cho biết: “Tôi đến làm giấy khai sinh, cán bộ hướng dẫn chi tiết, cập nhật đầy đủ vào dữ liệu hộ tịch điện tử. Tôi thấy rất hài lòng về cách làm việc của cán bộ xã”.
Tại xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, một xã ven biển có hơn 33.000 dân, được sáp nhập từ ba xã cũ, ông Hồng Văn Hùng đến làm thủ tục hủy giấy phép kinh doanh và tìm hiểu về chuyển nhượng quyền sử dụng đất. “Hôm nay tôi lên làm thủ tục tại xã. Cán bộ niềm nở, chỉ dẫn như bà con lối xóm, khiến tôi rất hài lòng”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đất Mũi Cao Văn Phú cho biết: “Chúng tôi đang vận hành ổn định bộ máy, chuẩn bị đề xuất tỉnh điều chỉnh quy hoạch đất đai, khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng và du lịch sinh thái. Trước mắt, chúng tôi ưu tiên bảo đảm bộ phận một cửa hoạt động thông suốt, không để người dân chờ đợi”.
Khi không còn cấp huyện, cấp xã tại Cà Mau được giao thực hiện hơn 1.000 đầu công việc. Tác phong cán bộ cũng dần thay đổi theo hướng phục vụ nhân dân thay vì hành chính hóa. Theo ông Phú, “các chủ trương của tỉnh giờ đi thẳng về xã, đến tận người dân, tiết kiệm thời gian, hiệu quả rõ rệt”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Dũng cho biết: “Hệ thống hạ tầng, đường truyền internet đã được nâng công suất trước khi bộ máy mới đi vào hoạt động. Về nhân sự, tỉnh đã tính toán kỹ, lựa chọn cán bộ có năng lực, đáp ứng yêu cầu vị trí công tác mới”.
Tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lữ Quang Ngời cho biết: “Qua ngày đầu vận hành, mọi việc nhìn chung thông suốt. Cán bộ ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng nhanh chóng bắt nhịp công việc, người dân hài lòng. Tỉnh cũng xác định chuyển đổi số là giải pháp trọng tâm để tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”.
Quá trình sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính là chủ trương đúng đắn và cấp thiết, thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn sâu rộng cho sự phát triển của quê hương. Tuy nhiên, quá trình này cũng tác động không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng và vị trí công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp.
Chấp nhận thay đổi, từ bỏ những thói quen, nếp nghĩ và vị trí công tác đã gắn bó suốt nhiều năm là điều không hề dễ dàng. Nhưng chính trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" ấy, tinh thần đoàn kết, gương mẫu vì tập thể, vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên ở Cà Mau và Bạc Liêu lại được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều đồng chí sẵn sàng chấp nhận "lùi lại" vì đại cuộc. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công bước đầu trong quá trình sắp xếp, hợp nhất tỉnh Cà Mau.
Việc thành lập tỉnh mới, vận hành chính quyền hai cấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đang khẳng định hiệu quả thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay. Bên cạnh yếu tố địa lý chiến lược, không gian phát triển rộng mở, vùng đất này còn hội tụ bản sắc văn hóa phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, truyền thống cách mạng bền bỉ… Đó chính là những lợi thế quan trọng giúp các tỉnh mới vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.