NGỌN LỬA BẤT KHUẤT
Vào ngày 10/6 (ngày tưởng niệm bốn vị sư liệt sĩ Danh Tấp, Lâm Hùng, Danh Hom và Danh Hoi), bà Thị Cảnh cùng người thân mang bánh dân gian, hoa quả đến Tháp Cù Là thắp hương, dâng lễ: “Gia đình tôi có nhiều người tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã hy sinh. Đến đây, chúng tôi tưởng niệm các vị Hòa thượng và tưởng nhớ người thân, những người đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc”.
Bà Thị Nhung cho biết, đây là dịp thể hiện lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của đồng bào Khmer: “Tôi đến từ sớm để cùng mọi người dọn dẹp, trang trí và thắp hương tưởng niệm. Tôi luôn nhắc nhở con cháu noi gương các vị Hòa thượng, sống tử tế, đoàn kết và chăm chỉ làm ăn để phát triển kinh tế gia đình”.
Theo Hòa thượng Danh Đổng, Ủy viên Ban Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh An Giang, trong những năm 70 của thế kỷ 20, chính quyền Mỹ-ngụy tìm mọi cách kìm hãm hoạt động tôn giáo của đồng bào Khmer Nam Bộ, trong đó có việc bắt các sư sãi đi lính, đàn áp và bắn phá chùa chiền.
Trước hành động phi nghĩa ấy, ngày 10/6/1974, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là tỉnh An Giang), Ban Khmer vận và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tổ chức một cuộc biểu tình lớn, thu hút hơn 600 sư sãi và 2.000 đồng bào Khmer. Các vị sư Lâm Hùng, Danh Tấp, Danh Hom, Danh Hoi cùng nhiều vị khác như Danh Nhuôn, Tà Kê, Danh Binh… dẫn đầu đoàn biểu tình, mang theo biểu ngữ kêu gọi chấm dứt bắt lính, tôn trọng tự do tín ngưỡng và chấm dứt bắn phá chùa chiền.
Hòa thượng Danh Đổng nhấn mạnh: “Đây là cuộc đấu tranh chính trị có quy mô lớn, thể hiện khí thế sục sôi và tinh thần đoàn kết của sư sãi, nhân dân Khmer dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc đấu tranh này góp phần quan trọng vào cao trào cách mạng, tạo thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước”.
Cuộc biểu tình bị đàn áp dã man, bốn vị sư bị bắn trọng thương và hy sinh. Họ đã trở thành biểu tượng cao đẹp về lòng quả cảm, tinh thần vì đạo pháp và dân tộc. Theo Hòa thượng Danh Đổng: “Sự hy sinh của bốn vị Hòa thượng là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của chư tăng, phật tử Khmer Nam Bộ”.
TÔN VINH VÀ TIẾP NỐI TINH THẦN YÊU NƯỚC
Năm 1976, Nhà nước xây dựng Tháp Cù Là để tưởng niệm bốn vị sư. Ngày 15/3/1987, hài cốt của các vị được cải táng và đưa vào tháp. Đến ngày 20/9/1990, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Tháp Cù Là là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam truy phong giáo phẩm Hòa thượng cho bốn vị sư.
“Trải qua bao biến thiên lịch sử, Tháp Cù Là vẫn là nơi quy tụ tâm linh, là biểu tượng sống động về truyền thống yêu nước, nơi giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng”, Hòa thượng Danh Đổng nói.
Bí thư xã Châu Thành, ông Lâm Minh Công cho biết, các gia đình của bốn vị Hòa thượng liệt sĩ được Nhà nước ghi công và chăm lo chu đáo. Hằng năm, chính quyền các cấp tổ chức thăm hỏi, tặng quà thân nhân các vị liệt sĩ. “Chúng tôi xem Tháp 4 sư liệt sĩ là biểu tượng của tinh thần yêu nước, địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên. Đây là dịp để kêu gọi chư tăng và đồng bào Khmer tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực học tập, lao động, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Công chia sẻ.
Theo ông Danh Phúc, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 148 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 56 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Trong số đó, Tháp Cù Là không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc đối với cộng đồng Khmer.
“Tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng gắn với Tháp Cù Là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân - nhất là thế hệ trẻ người Khmer - về tinh thần yêu nước và trách nhiệm với đất nước”, ông Danh Phúc cho biết.