Các giảng viên, nhà nghiên cứu kiểm tra vườn dừa sáp cấy phôi và dừa sáp cấy mô của Trường đại học Trà Vinh.
Các giảng viên, nhà nghiên cứu kiểm tra vườn dừa sáp cấy phôi và dừa sáp cấy mô của Trường đại học Trà Vinh.

Ứng dụng nghiên cứu phát triển cây công nghiệp chủ lực

Sau ba năm trồng, cây dừa sáp cấy mô được Trường đại học Trà Vinh (TVU) nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả, bảo đảm cây sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Vĩnh Long (tỉnh Trà Vinh cũ) cho trái sáp có cơm dày, chất lượng tốt.

Theo ThS Nguyễn Ngọc Trai, Quyền Giám đốc Trung tâm Sinh học ứng dụng, Khoa Nông nghiệp-Thủy sản (Trường đại học Trà Vinh), dừa sáp có đặc tính cơm (cùi) đặc sệt, hàm lượng dầu có giá trị dinh dưỡng cao hơn dừa thường với mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, do đặc tính trái dừa sáp rất khó nảy mầm trong điều kiện tự nhiên, việc nhân giống bằng phương pháp truyền thống từ trái dừa không sáp chỉ cho tỷ lệ quả dừa sáp trong quày đạt tối đa 25%.

Để khắc phục vấn đề này, những năm gần đây, các nhà khoa học Trường đại học Trà Vinh đã không ngừng nghiên cứu nhằm hoàn thiện quy trình nuôi cấy phôi dừa sáp, đạt kết quả với tỷ lệ trái sáp/quày từ 85% trở lên. Quy trình nhân giống bằng phương pháp cấy phôi của nhà trường đã được đăng ký sở hữu trí tuệ với tỷ lệ thành công đạt 63% (100 phôi cho ra được 63 cây). Cây giống cũng đã được nhà trường đưa ra thị trường từ nhiều năm nay và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Thống kê hằng năm cho thấy, có khoảng 5.000 cây giống dừa sáp cấy phôi được nhà trường chuyển giao đến cộng đồng, cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân (Vĩnh Long) chia sẻ: Cây dừa sáp có chu kỳ ra trái như dừa thông thường, mỗi tháng sẽ thu hoạch được một quày. Hiện giá dừa sáp loại I là 100.000 đồng/trái, loại II 60.000 đồng/trái. Hiệu quả kinh tế của dừa sáp truyền thống khoảng 100 triệu đồng/ha. Đối với dừa cấy phôi, hiệu quả có thể tăng lên 10-20 lần so dừa sáp truyền thống. Trên thị trường, thương lái thu mua dừa sáp theo chất lượng chứ không phân biệt dừa truyền thống hay dừa cấy phôi. Cũng bởi hiệu quả kinh tế mang lại, hiện nay, giá cây giống dừa sáp cấy phôi khá cao, dao động từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/cây. Trong khi đó giá cây giống dừa sáp cấy phôi của Trường đại học Trà Vinh từ 700.000 - 800.000 đồng/cây tùy theo số lượng đặt hàng.

Để kết quả nghiên cứu có thể đưa vào sản xuất thực tiễn, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục triển khai ở giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện quy trình, nâng hệ số nhân giống lên 50 (một mẫu ban đầu có thể tạo 50 cây giống dừa sáp). Từ đó, có thể hạ giá thành cây giống xuống dưới 100.000 đồng/cây, giúp nhiều người dân có thể tiếp cận nguồn cây giống này.

“Tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập sẽ có 120.000 ha dừa, chiếm trên 50% diện tích dừa của cả nước, là địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu dừa cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dừa. Dừa cũng đang là một trong sáu loại cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, có giá trị xuất khẩu hằng năm trên 1 tỉ USD. Do đó, những nghiên cứu về ngành dừa của tỉnh mới này sẽ ảnh hưởng đến phát triển ngành dừa của Việt Nam”, PGS, TS Diệp Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh cho biết.

Xem thêm