Dự án cống Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau. Ảnh: Phương Bằng
Dự án cống Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau. Ảnh: Phương Bằng

Nâng cao năng lực, kết hợp đa mục tiêu

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Thực tế này đang đòi hỏi các giải pháp ứng phó tổng thể, kịp thời.

Gia tăng các hiện tượng thiên tai

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tám loại hình thiên tai thường xảy ra, bao gồm hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; cháy rừng.

Thiên tai đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế-xã hội của khu vực. Nhất là tình trạng sụt lún, hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng gần đây, gây ra những tác động sâu rộng, nghiêm trọng đến người dân.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, ở hầu hết các vùng thuộc đồng bằng này, đều xảy ra lún từ 0,5-3 cm/năm; các vùng ven biển có mức phổ biến từ 1,5-2,5 cm/năm.

Thống kê từ năm 2016 đến nay, đã xuất hiện 812 điểm sạt lở, với tổng chiều dài trên 1.191 km, trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại 315 điểm, tổng chiều dài khoảng 601 km. Tính trung bình mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long mất từ 300-500 ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó, còn xuất hiện hai đợt hạn hán, xâm nhập mặn mức độ cao lịch sử trong mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của các hiện tượng thiên tai trong khu vực châu thổ Cửu Long là do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, tác động từ thượng nguồn sông Mê Công, sự phát triển nội tại nóng của đồng bằng và tình trạng khai thác nước ngầm, tài nguyên thiên nhiên quá mức.

Trong khi, hạ tầng thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu và phòng chống thiên tai của vùng, dù đã từng bước hoàn thiện, nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng các cấp độ ứng phó. Và trên thực tế, các giải pháp cũ như xây bờ bao và tôn nền để phòng chống hiện không còn phù hợp với tình hình mới.

Cần giải pháp mang tính bền vững

Thời gian qua, để kịp thời thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành một số chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra những giải pháp ứng phó hiệu quả. Có thể kể đến Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030…

Định hướng trong thời gian tới, đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết: Đồng bằng đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% thiệt hại về người trong các trận lũ lớn so giai đoạn 2011-2020; hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ cấu tổ chức phòng, chống thiên tai; giảm thiểu tác động xâm nhập mặn cho 600.000 ha khu vực ven biển thuộc vùng dự án thủy lợi; sắp xếp, di dời dân cư, phấn đấu hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Cùng với đó, đề án Phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đang được các đơn vị chuyên môn xây dựng, hoàn thiện để Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình các cấp lãnh đạo Đảng, Chính phủ phê duyệt. Đề án được xác định bảo đảm tính tổng thể, kết hợp đa mục tiêu; lấy chủ động phòng ngừa là chính, trong đó chú trọng quản trị rủi ro. Theo đó, ưu tiên hai nhóm giải pháp: Giải pháp phi công trình, bao gồm: Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách; quản lý tổng hợp tài nguyên nước; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo…; Giải pháp công trình sẽ tập trung xây dựng, nâng cấp các công trình phòng, chống đa mục tiêu và theo từng loại hình thiên tai. Trong đó, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng dọc ven sông, một số công trình chuyển nước giữa các hệ thống thủy lợi ở tỉnh Tiền Giang cũ (tỉnh Đồng Tháp mới), bán đảo Cà Mau; hệ thống cống dọc sông Tiền, sông Hậu để kiểm soát lũ, ngập úng kết hợp nạo vét, trữ nước ngọt trong các kênh trục vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Các ý kiến chuyên gia đề xuất, phòng chống thiên tai vùng châu thổ Cửu Long cần ưu tiên cho các công trình cấp bách, nhưng tiếp cận theo hướng tổng thể, lâu dài, bền vững. Cụ thể, những hệ thống công trình thủy lợi đã hoàn thành giai đoạn 1 và tiếp tục được đầu tư, như Cái Lớn - Cái Bé, Vàm Cỏ, Hàm Luông… cần được thiết kế bảo đảm tính liên hoàn, đồng bộ và thống nhất, tránh xung đột giữa các hệ thống. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần khẩn trương xây dựng dự án tích hợp về phát triển kinh tế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh thông qua hệ thống công trình thủy lợi Vũng Tàu - Gò Công. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phải được cải thiện, sao cho đáp ứng khả năng chịu đựng của các công trình trước thiên tai. Trong việc quy hoạch đô thị và xây dựng nhà cửa, phải tính đến yếu tố phòng, chống được các cấp độ, loại hình thiên tai.

Cùng đó, cần chú trọng nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó trong cộng đồng và ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống thiên tai. Cơ quan chức năng cần đánh giá tác động của các giải pháp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh trong khu vực, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để bảo vệ một cách tối đa cuộc sống và tài sản của người dân.

Xem thêm