Mùa vàng trên cánh đồng mẫu lớn miền Tây. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng
Mùa vàng trên cánh đồng mẫu lớn miền Tây. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng

Làm nông nghiệp “nương theo” tự nhiên

Nhiều mô hình sản xuất tích cực được triển khai trong những năm gần đây đã góp phần làm thay đổi cuộc sống, nâng cao khả năng chống chịu và phát triển sinh kế bền vững cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyển đổi ba vụ lúa sang “hai lúa-một cá mùa lũ”

Tới nay, tại ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (cũ), nay là xã Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp (mới), có 65 thành viên tham gia mô hình chuyển đổi từ sản xuất ba vụ lúa sang “hai lúa-một cá mùa lũ”, với quy mô diện tích hơn 100 ha.

Ông Đặng Văn Bé, thành viên tham gia mô hình cho biết, kết quả ban đầu rất tích cực, ruộng đồng được bồi đắp phù sa, rửa trôi các loại hóa chất, sâu bệnh, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư vụ lúa tiếp theo. “Nhưng quan trọng hơn, mô hình giúp nông dân chúng tôi ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng thuốc sinh học để bảo đảm không ảnh hưởng đến cá”, ông Bé nhấn mạnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, trước thời điểm sáp nhập tỉnh, địa phương đã có 20.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp thực hiện các biện pháp quản lý đất và nước chống chịu biến đổi khí hậu. Riêng mô hình “hai lúa–một cá mùa lũ” đã đem lại tổng lợi nhuận bình quân gần 51 triệu đồng/ha, cao hơn 21 triệu đồng nếu so phương thức canh tác truyền thống.

Từ tín hiệu vui nói trên, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai mở rộng mô hình sinh kế này ở nhiều khu vực trên địa bàn. Đến cuối năm 2024, địa phương đã mở rộng thêm 2.000 ha mô hình trữ cá mùa lũ. Lợi nhuận bước đầu tuy chưa cao nhưng nhiều nông dân đã tận dụng mô hình trữ cá mùa lũ để phát triển thêm du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần tăng thu nhập. Đây cũng là tiền đề để Đồng Tháp mở rộng triển khai đề án Một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp hiện nay.

Nhân rộng các mô hình sản xuất mới

Còn nhớ, vào những năm 2010-2011, phong trào xây dựng đê bao chống lũ, phát triển lúa vụ thứ ba ở nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long được triển khai rầm rộ, trong đó, hai địa phương trọng điểm đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp đã có hàng nghìn ha vùng đê bao được hình thành.

Tuy nhiên, sau niềm vui trúng mùa trong những năm đầu triển khai, tình hình kéo dài sản xuất lúa vụ 3 ngày càng khiến đất đai bạc màu, chi phí đầu tư cao, dịch bệnh gia tăng. Hệ quả là năng suất những năm sau giảm, dẫn đến thua lỗ thường xuyên hơn. Trước thực trạng này, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án WB9) được đưa vào triển khai từ năm 2016. Dự án thể hiện cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp theo hướng “thích ứng”; thay vì “chống chọi” với thiên nhiên (lập đê bao để sản xuất ba vụ lúa mỗi năm), nông dân chuyển sang hướng “thuận thiên” (bỏ lúa vụ 3, xả lũ trở lại).

Sau tám năm thực hiện dự án (2016-2024), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, dự án hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho nhiều người dân và đã có 54 loại hình sinh kế được hỗ trợ, cụ thể hóa thông qua khoảng 900 mô hình, mang lại kết quả tích cực. Dự án góp phần làm thay đổi cuộc sống, đem lại sinh kế bền vững cho gần 2 triệu người dân trong vùng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã có tư duy sản xuất mới, không rời khỏi đồng bằng để tìm sinh kế ở địa phương khác. Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi lớn thông qua việc cải tạo, nâng cấp gần 350 km đê, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn; xây dựng 160 cống và cầu các loại và gần 45 km kè giảm sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ bờ biển… phục vụ chuyển đổi sinh kế.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, vẫn còn nhiều thách thức đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nếu thượng nguồn phát triển đầy đủ 110 tỷ m3 thủy điện (hiện nay mới 60 tỷ m3), nước giữ lại cơ bản ở thượng nguồn, đồng bằng sẽ chịu tác động lớn. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng nhanh hơn so với kịch bản đề ra… đang tạo tác động lớn đến vùng đồng bằng. Do đó, Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án MERIT - WB11), tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng, với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025-2033.

Dự án này tập trung điều chỉnh ba hướng tiếp cận ở vùng theo hướng phát triển thuận thiên, thích nghi có kiểm soát, được kỳ vọng sẽ mở rộng diện tích chuyển đổi khoảng 300.000 ha sang các mô hình canh tác bền vững thích ứng biến đổi khí hậu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; diện tích hưởng lợi khoảng 600.000 ha, với khoảng ba triệu người được hưởng lợi trực tiếp.

Xem thêm