Có nơi từ vùng đất “khỉ ho, cò gáy”, nay đã “trở thành điểm sáng trong công cuộc vận động xây dựng nông thôn mới”, những ngôi trường cao tầng đang thơm mùi sơn mới, con đường lớn, điện được bắc đến từng hộ gia đình.
Tác giả kể Tây Nguyên khắc nghiệt vào mùa khô, có được diện mạo khang trang như ngày hôm nay là nhờ sự vun đắp của con người. Có Công ty Mía đường 333, Công ty Cà-phê 719, có “những giọt nước mát theo tay các anh bộ đội lại được tưới xuống, ngọn rau giật mình như tỉnh giấc trở lại màu xanh”… Để rồi giờ đây, Tây Nguyên đang hồi sinh, phát triển, hội nhập trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Các bút ký tái hiện sinh động thiên nhiên, phong tục tập quán, nếp sống của cộng đồng. Đến Tây Nguyên, du khách được chiêu đãi bằng những “bữa tiệc rau”, được nghe kinh nghiệm bắt cá chuối, muốn bắt loại này “phải lật đá lên, chúng túm tụm bốn năm con một chỗ, nhanh tay chộm một con định sẵn, tham vồ tất cả một lần thì chỉ được đá thôi vì cá nhảy đi hết”. Nơi đây, thưởng thức những món ăn sao cho trọn vị cũng là một khâu quan trọng, như món cá lóc nướng phải “lấy lá xoài màu tim tím, quấn thêm chiếc lá lộc vừng non rồi đặt chon cá lóc nướng vào giữa, quấn lại, chấm nước mắm chanh ớt, đưa lên miệng cắn một miếng, nhai chầm chậm cho vị ngọt, vị thơm thấm dần vào đầu lưỡi, lên mũi, lên tận đầu”. Ở nơi này, con người hòa mình vào đại ngàn, tinh tế và khéo léo chinh phục những vị khách từ phương xa đến.
Xuyên suốt gần 200 trang sách, chất liệu văn hóa dân gian được nhà văn Nguyễn Hồng Chiến khai thác triệt để. Đó là những sự tích riêng có của từng địa danh. Như truyền thuyết về “hang đá Đắk Tuôr”, kể về con gái yang Trời yêu đắm đuối chàng trai Ê Đê, dùng phép dựng hang đá Đắk Tuôr để sinh sống. Do không chịu quay về trời, trời tức giận, biến hai người thành con rít, quanh quẩn trong hang không bao giờ ra ngoài. Những yếu tố kỳ ảo này không chỉ làm mềm mại câu chuyện được kể, gợi trí tưởng tượng, mà còn phản ánh niềm tin, khát vọng về cái đẹp, về sự công bằng và lẽ phải của người dân nơi đây. Nhà văn khéo léo khi khai thác các yếu tố đặc trưng của vùng, đó là hồ Ea Súp Thượng - “trái tim” của nền nông nghiệp, cánh rừng khộp vào mùa rụng lá, cánh đồng mía làm giàu một vùng quê… Các hình ảnh dung dị, kết hợp lối viết mạch lạc, cùng việc sử dụng khéo léo chất liệu văn hóa bản địa đã tạo nên chất trữ tình, đầy hoài niệm chảy xuyên suốt những câu chuyện.
“Truyện cổ tích trên cao nguyên” là nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống với khát vọng hướng về tương lai. Tác giả như cánh cửa mở ra thế giới kỳ bí, đưa người đọc ngược dòng thời gian để lắng nghe tiếng vọng của cổ tích, những câu chuyện nồng ấm tình người.