Sài Gòn trong tim

Sài Gòn trong tim

Nhà văn Tống Phước Bảo tiếp tục mang đến cho độc giả tập tản văn mới mang tên “Từ thành phố này” (NXB Văn học). Là hành trình qua những góc phố thân quen của TP Hồ Chí Minh, cuốn sách còn là cuộc dạo chơi sâu lắng vào tâm hồn những phận người dung dị, nơi chữ tình níu giữ bao nỗi nhớ.

Mở đầu và xuyên suốt không phải là bức tranh đô thị sầm uất hiện đại mà là những chung cư cũ kỹ như Hào Sĩ Phường, Tôn Thất Đạm, Lý Tự Trọng… Từng bức tường đã rêu phong sau bao biến thiên của lịch sử. Từng lối đi mà người này bước qua phải nép mình để người kia bước lại. Thế nhưng, giữa ánh đèn xa hoa bên ngoài, khi bước chân vào những chốn cũ này, tâm hồn con người lại tìm thấy sự an trú kỳ lạ. Tác giả cũng dẫn dắt độc giả đến những không gian tĩnh lặng của Thư viện Tổng hợp, vẻ trầm mặc của Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, hay sự độc đáo tại Bảo tàng Địa chất. Bức tranh thêm rộn ràng với Đường sách Thành phố, sự nhộn nhịp tại chợ Bến Thành, nét lãng mạn quanh hồ Con Rùa hoặc không khí sống động của lễ hội Trên bến dưới thuyền. Mỗi địa điểm đều gợi lên niềm luyến lưu sâu sắc.

Từ những góc phố, con hẻm thân quen, tác giả còn khéo léo khắc họa những chân dung con người bình thường làm nên những điều phi thường. Đó là chị Én Nhỏ - Huỳnh Thanh Thảo, người phụ nữ sinh ra với thân hình không lành lặn do di chứng chiến tranh. Vượt lên số phận, từ năm 2009, chị đã tự mình xây dựng Thư viện mini miễn phí tại quê hương Củ Chi để lan tỏa văn hóa đọc. Hay anh Châu Thành Toàn, người đã dành hơn 20 năm bền bỉ với các chương trình thiện nguyện, mang trong mình mục tiêu cuộc đời là “cho đi không cần nhận lại”. Chị Én và anh Toàn là đại diện cho hàng triệu con người tử tế khác ở Sài Gòn, những người đang ngày đêm kết nối những mảnh đời xa lạ thông qua các mô hình quán ăn không đồng, tủ quần áo không đồng... Đặc biệt, bức tranh về Sài Gòn mùa dịch Covid-19 lại càng tỏa sáng với sự hào sảng sẻ chia từng ổ bánh mì, gói sữa và hình ảnh hàng nghìn bộ đội cùng bao tấn rau củ từ khắp miền Tổ quốc, thể hiện tình người gắn kết.

Trong dòng chảy của ký ức và nỗi nhớ quê hương, ẩm thực vùng miền trở thành cầu nối vỗ về tâm hồn con người. Ví như những bà má miền trung bưng gánh bán bưng, chợ bà Hoa quấn quýt người con xứ Quảng với những món đậm chất quê hương, với “mô, tê, răng, rứa”. Hay tiệm há cảo, tiệm mì đậm chất người Hoa hoặc người Nhật gửi phận mình ở mảnh đất xa xứ này chợt thèm món ăn xứ mình cũng tìm về hẻm 15B Lê Thánh Tôn. Phải chăng cái người ta ăn không chỉ vì món ăn gắn liền với tuổi thơ, mà ăn vì cái nhớ, cái thèm đã in sâu vào tiềm thức.

Cuốn sách của Tống Phước Bảo như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về những giá trị xưa cũ và tình người sâu nặng giữa đất Sài thành. Để rồi, dẫu đi đâu, về đâu, nơi này vẫn luôn lưu giữ một phần tâm hồn, như lời thơ chất chứa: “Sài Gòn thương từ trong ruột thương ra/Thương từ ngã bảy ngã ba thương về”.

Xem thêm