Nghiêng về nước mắt

Nghiêng về nước mắt

“Ngón mưa” (NXB Văn học, 2025) của nhà văn Nguyệt Chu vừa ra mắt, với 12 truyện ngắn đầy sức gợi.

Nguyệt Chu là cây viết giàu tưởng tượng, với tập truyện mới, chị đưa bạn đọc đi hết miền phiêu linh này đến cõi phiêu du khác. Những truyện ngắn như “Ngón mưa”, “Chiều lam vỹ”, “Mắt lửa” đến “Giọt máu của đại dương”, “Mây trắng có còn bay”… đều cho thấy sự chắc tay, khi tác giả đã làm chủ được mạch truyện, dòng cảm xúc mê đắm.

Viết về thân phận người phụ nữ, Nguyệt Chu muốn “kể khổ”, giãi bày những điều trải qua trên hành trình đầy chông gai của số phận. Những người đàn bà trong tập truyện không chỉ vất vả với gánh nặng áo cơm, gia đình, con cái, mà còn rơi vào những bi kịch tinh thần, những vết thương tâm hồn, giằng xé, đau đớn. Trong sâu thẳm, họ luôn khát khao hạnh phúc, song có khi chính họ cũng không rõ để thoát ra khỏi hiện thực, để sống là chính mình.

Nhân vật nàng trong “Ngón mưa” đã đi hết xứ mưa, xứ nắng để tìm kiếm chính mình. Tác giả đưa nhân vật hiện diện trong một không gian trĩu nặng mưa, rồi lại bồng bềnh mây trong ngày nắng. Họ đi qua những vùng nắng gió, bão bùng và cát bỏng, để được ngập tràn trong niềm hy vọng. Những người phụ nữ trong “Mắt lửa” cũng vậy, sống quyết liệt và chỉ biết bấu víu vào bản năng sinh tồn. Trong đó, nhân vật tôi đã ôm số phận của mình đôn đáo trong dòng đời ồn ã để tìm một bến đỗ, một khúc cua yên bình. Khi hiểu ra mình thật mỏng manh, nhỏ bé, cô muốn quẫy đạp, vượt thoát khỏi sự tù túng. Và cô luôn muốt trút bỏ nỗi sợ mơ hồ, muốn vượt qua, cô đã bám vào ngọn lửa niềm tin. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Cô sẽ phải bản lĩnh hơn, để tồn tại và để giữ một ngọn lửa trong lòng. Truyện “Chiều lam vỹ” là bi kịch của những trẻ mồ côi hoặc lạc gia đình. Trong số đó có trẻ em nữ, dù thế nào cũng vẫn phải lớn lên. Tác giả khéo léo đưa nhân vật của mình trải qua nhiều bi kịch, mất mát, hụt hẫng của đời tị nạn, nhưng cũng tạo dựng một cái kết có hậu, cho họ được thấy ánh sáng của quê hương.

Bạn đọc cũng sẽ ấn tượng với cách viết, đặt vấn đề đầy dẫn dụ, huyền ảo trong truyện ngắn “Hồng hoàng”, “Nhược Thủy”. Có thể nói, tác giả đã gây dựng cho mình một cái tạng viết, với một chất giọng say mê, huyền diệu. Nguyệt Chu biết cách kéo bạn đọc hòa mình vào câu chuyện, bay bổng cùng sự tưởng tượng và mộng mơ của nhân vật. Mỗi truyện ngắn trong “Ngón mưa” dẫu kể về bi kịch, đau đớn, mất mát cũng đều trau chuốt, dụng công câu chữ. Nhiều đoạn văn lấp lánh nhờ cách miêu tả tỉ mỉ nội tâm và đậm chất văn. Vài truyện ngắn tác giả sử dụng lối viết “truyện không có chuyện”, nhưng vẫn gợi những thông điệp nhân văn sâu sắc. Nguyệt Chu đứng về phái yếu. Các truyện ngắn của chị sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho bạn đọc.

Xem thêm