Để không ngủ gật giữa cuộc đời

Để không ngủ gật giữa cuộc đời

Nhà văn Nguyễn Văn Học vừa tiếp tục khẳng định dấu ấn qua “Cái chết của vua câm” NXB Văn học - tập truyện ngắn hơn 250 trang gồm 15 truyện.

Không tô hồng hiện thực cũng không lên gân bi kịch, nhà văn chọn cách viết lặng lẽ, tiết chế nhưng để lại dư âm mạnh mẽ qua những câu chuyện đời thường.

Ở đó có ông Khởi nhặt được đồ rơi, nuôi trẻ bị bỏ rơi giữa bụi bặm phố xá (Người thật thà ở phố của rơi), nhưng lòng tốt ấy lại bị nghi kỵ, bị đánh tráo, bị bạo lực. Có Khôi - một viên chức trẻ bị bào mòn bởi sự giả dối và ganh đua trong cơ quan (Người vừa đi vừa ngủ gật). Hay ông Vệ luôn cứu người nhưng nhận lại là những lừa dối, đểu giả và xu nịnh (Giọng chim)... Dù mang những vết xước tinh thần, họ vẫn không ngừng khao khát sống tử tế, thiện lương. Văn chương của Nguyễn Văn Học không làm dáng, cũng không chạy theo cảm xúc bi lụy - mà tựa như một cái nhìn thẳng vào hiện thực, đầy nhân ái và kiên định.

Nhà văn không né tránh vùng xám trong tâm lý nhân vật. Anh dám đặt nhân vật vào những tình huống đạo đức khó phân định: Như Thạc - người đàn ông mắc kẹt giữa hôn nhân nguội lạnh và cảm xúc với em vợ trong “Mặt người đang trôi”. Hay câu chuyện của Ngân trong “Bên tai hoa nở” - người phụ nữ đi qua những lời đường mật của Bạch, Thực, Sinh… để rồi chỉ còn lại những vết đau dai dẳng. Truyện không lên án, cũng không biện minh. Tất cả diễn ra như một cú xoáy ngầm trong tâm lý - chậm rãi mà dữ dội.

Không dừng lại ở hiện thực, tác giả còn cho thấy khả năng sáng tạo và thử nghiệm trong việc kết hợp mộng tưởng như một cách mở rộng chiều sâu ý nghĩa. “Chín chín nỗi buồn dưới đáy sâu” là một cuộc hoán đổi giữa người và chim phượng hoàng - một ẩn dụ đẹp về lòng trung thành và khát vọng yêu thương. Trong “Bay lên từ nước”, đôi cánh đã trở thành biểu tượng cho khát vọng sống, khát vọng được bay lên, được tự do.

Đặc biệt, truyện ngắn “Cái chết của vua câm” - được chọn làm tiêu đề chung cho cả tập - là kết tinh tư tưởng của cả tác phẩm. Cái chết lặng lẽ của ông Hạnh - một nghệ sĩ từng quyền uy nhưng chấp nhận “bán sự im lặng để tồn tại” - không đơn thuần là cái kết của một đời người mà như một lời cáo chung cho những ảo tưởng về hào quang, quyền lực. “Tôi đã ngộ ra, ở đời mình phải tồn tại, bụng phải no đã thì mới làm được những điều lớn lao. Nên tôi đã thành kẻ bán cái sự im lặng”. Ông đối lập hoàn toàn với ông Nghệ - người dám “nói ra sự thật”. Từ đó, truyện đặt ra câu hỏi: Giữ lòng trung thực hay lặng im để được yên thân?

Không gian nghệ thuật trong tập truyện được mở rộng, nhân vật mang chiều sâu nội tâm, không phẳng mịn, không đơn sắc. Họ giằng co, do dự, đôi khi lặng lẽ trượt dài trong thinh lặng. Nguyễn Văn Học cho nhân vật quyền được sai, được đau, được buồn và dần dần tự họ tháo gỡ những nút thắt trong tâm hồn. Điều đáng quý là ngay cả khi khắc họa vùng tối, anh vẫn mở ra những khe sáng - nơi những hạt mầm tử tế, nhân ái có thể âm thầm nảy nở.

“Cái chết của vua câm” là lát cắt sâu sắc về đời sống đương đại. Những câu chuyện không dừng lại trên trang giấy, mà như ẩn hiện quanh ta - trong những mảnh đời vô danh, những tình huống tưởng chừng hư cấu nhưng lại rất thật. Ở đó, con người vừa sống, vừa mộng, vừa gắng gượng chống chọi để không “ngủ gật giữa cuộc đời”.

Xem thêm