Xe tải của Nhật Bản bán tại thị trường Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Xe tải của Nhật Bản bán tại thị trường Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tăng tốc đàm phán về thuế trước hạn chót

Chỉ còn một tuần nữa là đến hạn chót ngày 1/8 Mỹ áp thuế đối ứng, hiện các nền kinh tế đang tăng tốc đàm phán với Washington. Bộ Tài chính Mỹ thông báo các mức thuế sẽ được áp dụng đúng thời hạn, tuy nhiên Nhà Trắng sẽ tiếp tục đàm phán.

Nỗ lực thu hẹp bất đồng

Triển vọng về một thỏa thuận thương mại tạm thời giữa Ấn Độ và Mỹ trước thời hạn áp thuế ngày 1/8 đang trở nên mờ nhạt và khả năng đạt được một thỏa thuận trước thời hạn là rất thấp. Washington muốn New Delhi mở cửa hơn cho nông sản, trong khi Ấn Độ kêu gọi Mỹ giảm thuế với thép, nhôm và xe ô-tô. Một số quan chức Ấn Độ cho rằng, những vấn đề khác có thể được lùi lại để mở đường cho một thỏa thuận tạm thời. Trước đó vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng dọa áp thuế 26% với hàng hóa Ấn Độ, nhưng đã tạm dừng nhằm tạo điều kiện đàm phán.

Trong khi đó, Indonesia đã đạt bước tiến đáng kể trong quan hệ thương mại với Mỹ. Quỹ đầu tư quốc gia Danantara của Indonesia dự kiến ký hợp đồng trị giá 8 tỷ USD với Công ty kỹ thuật Mỹ KBR Inc để xây dựng 17 nhà máy lọc dầu. Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ hiệp định thương mại giữa hai nước vừa ký tuần trước, qua đó có thể giúp giảm thuế suất dự kiến của Mỹ từ 32% xuống 19%. Với Philippines, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý giảm nhẹ mức thuế quan từ 20% xuống còn 19%, sau cuộc gặp với người đồng cấp Ferdinand Marcos.

Với Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, ông sẽ gặp các đối tác Trung Quốc tại Thụy Điển vào ngày 28-29/7 trong vòng đàm phán cấp cao thứ 3 để thảo luận về việc có nên gia hạn hoãn áp thuế như hiện nay hay không. Đầu năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã áp các mức thuế trả đũa lên tới 3 chữ số nhằm vào một số mặt hàng của nhau. Tuy nhiên, hai bên nhất trí tạm thời hoãn mức thuế 115% đối với hàng hóa của nhau để tạo điều kiện cho việc đàm phán. Thời gian tạm hoãn dự kiến hết hạn vào ngày 12/8 tới.

Trong diễn biến mới nhất, sáng 23/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã đạt một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, theo đó Tokyo sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ, trong khi Washington áp mức thuế đối ứng 15%. Ông Trump cho biết, Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường thương mại, trong đó có các mặt hàng như xe ô-tô, xe tải, gạo và một số sản phẩm nông nghiệp, cùng nhiều mặt hàng khác.

Trong khi đó, Brazil vừa theo đuổi đàm phán, vừa chuẩn bị khả năng bị Mỹ áp thuế 50%, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/8. Hiện một nhóm quan chức liên bộ đang hoàn thiện gói biện pháp trình Tổng thống Brazil, bao gồm áp dụng Luật Tương hỗ để áp đặt mức thuế quan tương ứng 50% đối với hàng hóa của Mỹ, cũng như các biện pháp hỗ trợ kinh tế.

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết, Mỹ hiện chưa sẵn sàng ký thỏa thuận thuế quan đối ứng với Liên minh châu Âu (EU), bất chấp nỗ lực đàm phán của khối. Trước đó, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ áp mức thuế mới 30% với EU từ ngày 1/8, bên cạnh thuế theo ngành là 10%. Trong trường hợp đàm phán thất bại, EU đã chuẩn bị danh sách các mặt hàng Mỹ trị giá khoảng 72 tỷ euro có thể bị áp thuế đáp trả.

Mỹ để ngỏ việc duy trì mức thuế cơ bản 10%

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, nước này vẫn có ý định áp dụng thuế quan cơ bản 10% đối với nhiều quốc gia nhỏ, các nước Mỹ latin, các quốc gia ở Caribe và nhiều quốc gia ở châu Phi. Ông Lutnick khẳng định, ngày 1/8 là thời hạn cứng và sẽ không có quốc gia nào có thể đàm phán để loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Ông nhấn mạnh: “10% chắc chắn sẽ được giữ nguyên. Nhiều quốc gia sẽ phải trả mức thuế cao hơn”.

Theo nhận định của mạng tin Axios, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo mức thuế quan cơ bản có thể tăng lên 15% hoặc thậm chí 20%. Đầu tháng 7 này, Tổng thống Trump đã gửi thư tới hàng chục quốc gia, ấn định mức thuế quan sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Dự kiến có thêm nhiều bức thư nữa được gửi trong những ngày tới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, Washington sẽ không vội vàng ký kết các thỏa thuận thương mại không có lợi cho Mỹ trước thời hạn 1/8. Ông cũng lưu ý, Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định liệu có kéo dài thời hạn cho những quốc gia đang đàm phán hiệu quả với Mỹ hay không.

Xem thêm