Tuy nhiên, những năm gần đây, tại Việt Nam có đến 80 danh hiệu người đẹp lớn nhỏ trong một năm, kéo theo hàng loạt tranh cãi về học vấn các người đẹp, tính minh bạch trong quá trình lựa chọn và những bê bối làm xói mòn niềm tin của công chúng.
Năm 2024, Việt Nam ghi nhận khoảng 60 cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ, với hàng trăm người được vinh danh, từ Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ đến các cuộc thi như Hoa hậu Quốc dân hay Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu… “Cơn bão” danh hiệu dẫn đến sự “nhàm chán” và “xuống cấp” của các cuộc thi nhan sắc. Hậu quả không chỉ dừng ở việc làm mờ nhạt ý nghĩa của danh hiệu mà còn làm gia tăng những tranh cãi. Công chúng dần mất hứng thú khi nhiều gương mặt đăng quang thiếu cá tính, thiếu câu chuyện truyền cảm hứng, hoặc tệ hơn, vướng vào thị phi sau khi đội vương miện. Điều này đặt ra câu hỏi cấp thiết: Làm thế nào để các cuộc thi hoa hậu lấy lại được niềm tin và giá trị vốn có?
Một trong những vấn đề nổi bật của các cuộc thi sắc đẹp là tranh cãi về trình độ học vấn và vốn văn hóa của thí sinh. Nhiều trường hợp hoa hậu đăng quang nhưng chưa hoàn thành chương trình đại học, khai khống trình độ đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt. Một số ý kiến cho rằng, hoa hậu cần có bằng cấp để làm gương cho thế hệ trẻ, trong khi những người khác nhấn mạnh rằng, nhan sắc và kỹ năng giao tiếp quốc tế mới là yếu tố cốt lõi. Bên cạnh đó, những bê bối từ đời tư các hoa hậu tiền nhiệm tiếp tục phủ lên các cuộc thi. Từ những hành vi thiếu chuẩn mực cho tới những hoạt động kinh doanh gian lận, lừa dối công chúng, những sự việc này đã làm xói mòn niềm tin của khán giả.
Trong talkshow với Báo Nhân Dân sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024, hoa hậu Hà Trúc Linh bày tỏ mong muốn mang cơ hội học tập đến trẻ em vùng đồng bào thiểu số tại Phú Yên. Trong khi đó, Châu Anh - Á hậu 1 nhấn mạnh sứ mệnh của thế hệ trẻ: Chúng em luôn cần phải học hỏi nhiều nữa, giúp đỡ và chung tay để có thể lan tỏa những điều tốt đẹp. Còn Á hậu 2 Vân Nhi khẳng định: Điều đầu tiên mà mình cần phải luôn ghi nhớ, giữ gìn và bảo tồn là những giá trị cốt lõi của dân tộc.
Nhìn lại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024, có thể thấy với tinh thần “Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến”, cuộc thi không chỉ tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên mà còn đề cao trách nhiệm xã hội và giá trị văn hóa. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao uy tín, các cuộc thi hoa hậu, người đẹp nói chung cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch, siết chặt tiêu chí lựa chọn và đầu tư vào các hoạt động cộng đồng ý nghĩa.