Các hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm được xã hội hóa ngày càng diễn ra sôi nổi.
Các hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm được xã hội hóa ngày càng diễn ra sôi nổi.

KHƠI DẬY SỨC MẠNH VĂN HÓA

Nhìn lại để gióng lên về bất cập văn nghệ

Nhìn lại 50 năm văn học, nghệ thuật (VHNT) đất nước nhưng dường như lại có nhiều băn khoăn hơn về thực tại và ước ao cho thời gian tới. Theo đó, đã có những đề xuất thiết thực nhằm phát huy giá trị VHNT trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi, nhiều cơ hội phát triển và nhu cầu thụ hưởng VHNT trong xã hội lên cao.

1. Cơ bản các đánh giá, đúc kết của các chuyên gia, giảng viên, văn nghệ sĩ với tinh thần hội thảo do tạp chí Văn hóa nghệ thuật tổ chức là “Nhìn lại sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) đã được tập hợp trong cuốn kỷ yếu. Từ đó có thể nhận ra tinh thần đề cao đường lối đổi mới của Đảng và các chính sách cởi mở của Nhà nước không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn đối với văn hóa, VHNT. Nhờ đó đã góp phần quan trọng động viên văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến và cùng với hệ thống các thiết chế văn hóa, tuyên truyền như báo chí, nhà xuất bản, rạp chiếu phim, nhà hát, triển lãm… lan tỏa rất nhiều tác phẩm có giá trị trong suốt nửa thế kỷ qua. Điều quan trọng được ghi nhận xứng đáng, đó là VHNT với nhiều bài hát nổi tiếng, nhiều bức tranh có giá trị, những tiểu thuyết, truyện ngắn đặc sắc, các vở kịch mạnh mẽ… đã góp sức xây dựng, phát triển nền văn hóa nước nhà từ hòa bình đến đổi mới, hội nhập, nâng cao vị thế như hiện nay. Cùng với đó, bồi đắp, xây dựng nhân cách, đạo đức, thẩm mĩ con người mới. PGS, TS Lê Thanh Bình, nguyên Vụ trưởng, Tham tán Công sứ, Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao khái quát: Với chiều dài 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, VHNT Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, khơi dậy khát vọng yêu nước và khẳng định vị thế văn hóa dân tộc.

2. Nhưng với tinh thần mở, nhiều ý kiến không dừng ở việc đánh giá thành tựu - vốn đã được nhiều hội thảo thời gian qua khẳng định. Các diễn giả cho thấy mối quan tâm nhiều hơn vào những bất cập thời gian qua trong quản lý, vận hành đời sống VHNT, các chính sách tiếp sức và phát triển, việc xây dựng đội ngũ sáng tạo, biểu diễn, việc bồi đắp cho công chúng và thế hệ khán thính giả, bạn đọc mới. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội dẫn ra cụ thể nhiều cái thiếu hoặc chưa thỏa đáng như: Nhiều lĩnh vực trọng yếu vẫn chưa có luật điều chỉnh riêng như văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật đa phương tiện…; cơ chế đặt hàng sáng tác chưa thật sự phát huy hiệu quả; việc xã hội hóa hoạt động VHNT còn nhiều rào cản; nguồn nhân lực sáng tác và quản lý trong lĩnh vực VHNT chưa đáp ứng yêu cầu; và việc ứng dụng thành tựu của công nghệ, chuyển đổi số trong sáng tác, phổ biến và lưu giữ tác phẩm còn chậm… Thạc sĩ Hoàng Hà, Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa nghệ thuật khi báo cáo đề dẫn cho hội thảo cũng nhấn mạnh: Nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Công tác lý luận, phê bình cũng đã có những thành tựu nhất định nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng. Cũng từ đây, TS Nguyễn Tiến Thu, Phó Viện trưởng Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu ra một số thách thức ngay trước mặt: Các sản phẩm ngoại lai xâm nhập và lấn át tạo áp lực không nhỏ lên VHNT trong nước; sự thiếu ổn định về định hướng tư tưởng, thẩm mĩ trong sáng tác và tiếp nhận nghệ thuật đang trở thành thách thức hiện hữu. Nhìn từ khía cạnh đội ngũ, TS Thu cho rằng, văn nghệ sĩ đang đối diện yêu cầu ngày càng cao về năng lực nghề nghiệp, khả năng hội nhập và trách nhiệm xã hội. Bởi vì: “Trong khi một số nghệ sĩ trẻ năng động, sáng tạo, sẵn sàng đổi mới, thì vẫn còn không ít người hoạt động thiếu định hướng tư tưởng, xa rời hiện thực xã hội, hoặc rơi vào trạng thái bảo thủ, trì trệ trong cách tiếp cận và thể hiện nghệ thuật”, TS Thu nhận xét.

3. Thực trạng nhiều bất cập, thực tế nhiều thách thức, nhưng cũng đang chỉ ra nhiều cách làm để chăm lo, phát triển văn hóa, VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ. Qua nhiều đề xuất tại hội thảo vừa qua cũng như nhiều diễn đàn VHNT, lý luận phê bình khác trong nửa năm trở lại đây, có thể thấy rất nhiều gợi ý mạnh dạn, thiết thực. Vấn đề còn chờ vào sự tiếp nhận, áp dụng của các cấp lãnh đạo về mặt chính quyền và ngành văn hóa, văn nghệ. Cùng với các ý kiến về chính sách, cơ chế chung, nhiều ý kiến đề xuất thẳng cho các lĩnh vực VHNT như: PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam mong sớm áp dụng hình thức đầu tư phim theo phương thức đối tác công - tư trong sản xuất và phổ biến, phát hành phim để bổ sung nguồn lực cho điện ảnh; cần xây mới các trung tâm chiếu phim hiện đại ở cả ba miền, hệ thống nhà văn hóa - điện ảnh và tăng cường công tác chiếu bóng lưu động ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình nhiếp ảnh, nghệ sĩ Vũ Huyến đề nghị nâng cao hiệu quả của tài trợ, đầu tư sáng tác nhờ xã hội hóa, nhờ sự tự vận động, không ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Ông cũng thẳng thắn nêu suy nghĩ: Nội dung, hình thức thi tuyển, cách chấm, chọn ảnh hầu như không có sự đổi mới, yêu cầu chụp và chất lượng chấm chọn cũng không cao. Có nên từ bỏ hình thức liên hoan ảnh các khu vực mà chuyển thành việc tập huấn đi sâu vào các thể loại của ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật, các cuộc trao đổi, thảo luận về những vấn đề nhiếp ảnh của khu vực và hướng tiếp cận xã hội?

Còn nhiều đề xuất sát thực và ý nghĩa khác nữa, nhưng như một số chia sẻ tại hội thảo thì làm sao không để chúng ta đóng cửa phát biểu và vỗ tay, mà những gì các văn nghệ sĩ, chuyên gia hiến kế có thể đưa được vào thực tiễn, vào chính sách, vào công tác lãnh đạo, quản lý, đồng hành cùng VHNT. Và có lẽ, những gì được nêu ra trong khuôn khổ một hội thảo hay tọa đàm là không thể đủ. Rất cần những diễn đàn rộng rãi cho văn nghệ sĩ, chuyên gia lĩnh vực VHNT lên tiếng, mà ngành văn hóa cần là chủ công trong kết nối, tổ chức, đề nghị lên các cấp cao hơn và dùng nguồn chất xám đó hoàn thiện hơn cho hệ thống chính sách vẫn đang bộc lộ những bất cập.

Xem thêm