Lớp diễn xuất của “Gặp gỡ mùa thu 2022”. Ảnh: BTC CUNG CẤP
Lớp diễn xuất của “Gặp gỡ mùa thu 2022”. Ảnh: BTC CUNG CẤP

Chờ liên hoan phim nhiệt tình “ươm” tài năng

Lần đầu tiên, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng có chương trình “DANAFF Talents” - Tài năng triển vọng điện ảnh DANAFF với hoạt động đào tạo và kết nối, phát triển dự án phim dành cho các tài năng trẻ.

Đây là hoạt động mà rất nhiều nhà làm phim trẻ mong chờ, với những điều kiện khích lệ, đào tạo, mở ra cơ hội để các tài năng điện ảnh có thể phát triển.

Kỳ vọng từ “Vườn ươm dự án” đầu tiên

“DANAFF Talents” - Tài năng triển vọng điện ảnh có 3 hoạt động chính: workshop ươm mầm tài năng với 2 lớp diễn xuất (lớp cơ bản và lớp nâng cao); Hội thảo về chủ đề phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh với sự tham gia của các đạo diễn, nhà sản xuất đến từ nhiều quốc gia châu Á cùng chia sẻ kinh nghiệm và hâm nóng bầu không khí học thuật điện ảnh trong các bạn trẻ. Cùng với đó là hoạt động nâng cao dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Hàn Quốc Kang Je Gyu, phim “Cờ bay phấp phới” (1995) với nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá.

“Vườn ươm dự án” là hạng mục hoàn toàn mới tại Liên hoan lần này, dành cho các dự án phim nghệ thuật của nhà làm phim châu Á và Việt Nam. TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim nhấn mạnh: Đây là hoạt động “tốn người tài, tốn chuyên gia” bởi rất nhiều tên tuổi hàng đầu của điện ảnh sẽ đến với “Vườn ươm” này. Những người trẻ sẽ thuyết trình, giới thiệu dự án của mình để Ban giám khảo chọn 2 dự án xuất sắc nhất trong vườn ươm châu Á, được tài trợ phần thưởng 8.000 Euro từ CNC - Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp, cùng ba tháng hỗ trợ phát triển chuyên sâu từ Mylab - chương trình cố vấn và phát triển dự án điện ảnh độc lập tại Đông Nam Á.

Dự án xuất sắc nhất trong vườn ươm dành cho phim Việt Nam sẽ nhận được 5.000 USD của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, khởi xướng chương trình “Gặp gỡ mùa thu” hơn 10 năm trước, đồng thời là người phụ trách chương trình “Vườm ươm dự án” của Liên hoan lần thứ 3 bày tỏ niềm vui: “Có lẽ trong các liên hoan phim mang tầm quốc tế được tổ chức tại nước ta, đây là lần đầu tiên có hạng mục dành riêng cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Nó cũng thể hiện mong muốn của Ban tổ chức Liên hoan là đồng hành cùng sự phát triển của điện ảnh Việt Nam”.

Rất ít nhà đầu tư mặn mà với dự án nghệ thuật bởi ai cũng hiểu rằng đầu tư cho dòng phim điện ảnh độc lập thường khó thu hồi vốn. Do đó, việc đi tìm kinh phí cho các dự án độc lập của các nhà làm phim trẻ ngày càng khó hơn.

Nối dài từ “Gặp gỡ mùa thu” nhưng còn… gian truân

“Gặp gỡ mùa thu” là một sân chơi tìm kiếm, hỗ trợ và đào tạo các tài năng điện ảnh trẻ, do đạo diễn Phan Đăng Di và Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc tổ chức từ năm 2013. Nhưng sau 10 năm tồn tại, đạo diễn Phan Đăng Di và các cộng sự buộc phải dừng lại để tiếp tục công việc chính là làm phim. May mắn, ý tưởng của chương trình đã được đặt trong một tổ chức bài bản như Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng. Thời gian qua, nhiều đạo diễn trẻ trong nước đã tạo được uy tín khi mang những đứa con tinh thần của mình tới các Liên hoan phim quốc tế. Những thành công ấy cần được khích lệ và chào đón từ chính “sân nhà”, để họ có thêm cơ hội kể những câu chuyện của thế hệ, của đất nước bằng những góc nhìn riêng, đầy tính thử nghiệm, mang đến một tiếng nói mới cho điện ảnh.

Có lẽ sự nhen nhóm ấy nên bắt đầu từ khâu đào tạo, khơi nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ. Các cuộc thi phim ngắn, Liên hoan phim cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong các Liên hoan phim quốc tế, để những người yêu điện ảnh có cơ hội cọ xát, học hỏi. Họ cũng cần không gian để được giới thiệu tác phẩm với công chúng trong nước, được lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm sau mỗi dự án. Họ cũng cần được ghi nhận qua các giải thưởng điện ảnh trong nước… Nếu nhìn xa hơn, một sân chơi dành riêng cho dòng phim độc lập cũng là mong ước không quá “xa xỉ” để ươm mầm những tài năng trẻ, là cầu nối để những ý tưởng sáng tạo được nuôi dưỡng và hiện thực hóa, góp phần làm phong phú dòng chảy điện ảnh nước nhà, đồng thời góp phần tăng cường sức mạnh mềm cho nền văn hóa Việt Nam.

Nhưng vẫn còn những điều đáng tiếc bởi sau rất nhiều năm, điện ảnh độc lập có nhiều gương mặt mới, ngày càng tiệm cận với xu hướng làm phim của thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa có quỹ hỗ trợ điện ảnh để song hành với sự phát triển của các nhà làm phim trẻ. Họ có thể được giúp đỡ bộ phim đầu tiên nhưng từ dự án thứ hai, thứ ba trở đi không đơn giản, thậm chí phải “tự lực cánh sinh”. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc bày tỏ sự tiếc nuối: “Ai cũng nhìn thấy chặng đường ấy khá gian truân hoặc họ phải chờ rất lâu, thậm chí phải đi làm việc khác và chờ cơ hội quay trở lại với điện ảnh. Họ vẫn tìm cách để vận hành bộ phim của mình nhưng nó sẽ chỉ mãi ở mức độ đó, mãi là những bộ phim 500 nghìn đô. Nó không thể là những bộ phim 1-2 triệu đô và hơn nữa, có sự “xa xỉ” trong phần hình ảnh”.

Xem thêm