1. Họa sĩ Đỗ Bảng sinh năm 1961, sống và làm việc tại Bắc Ninh. Gắn bó cuộc đời và nghiệp vẽ với quê hương, những tác phẩm mỹ thuật của ông có dòng chảy rõ nét bản sắc dân gian vùng Bắc Bộ, gợi lên câu chuyện đời thường như đi lễ chùa, Rằm tháng Bảy, lễ cầu siêu, hình tượng các em bé, các thiếu nữ bên hoa, với bầy chim... là những ẩn ý khao khát sự yên bình.
Theo đánh giá của giám tuyển Vân Vi: Triển lãm vừa qua tập trung vào mạch cảm hứng lớn là: Văn hóa Kinh Bắc với không gian làng quê, lễ hội, dân ca quan họ, những tín ngưỡng và âm thanh mộc mạc của cuộc sống nông thôn. Với họa sĩ Đỗ Bảng, ông cho biết: “Vẽ không chỉ là kể lại một cảnh vật. Tôi vẽ để giữ lại một cảm giác, một vùng hồn quê đang dần vắng bóng”.
Tác phẩm “Xẩm chợ” mang nội dung định hướng dẫn đường vào không gian tổng tập tranh trong triển lãm. Nghe đến hát xẩm là đã chạm đến trạng thái người xem nghĩ đến loại hình hát dân dã trong cộng đồng bình dân nơi kẻ chợ để kể chuyện nhân tình thế thái kết hợp hoàn hảo giữa giọng hát và đàn nhị, đàn đáy…
2. Ở vùng đất Kinh Bắc thì quan họ là biểu tượng văn hóa đầu tiên. Nét quan họ ấy được ẩn chứa trong từng nét mặt của anh Hai, anh Ba với nét chỉn chu và mực thước mà chứa chan tình cảm, rồi dáng nón quai thao, dải lụa thắt đáy lưng ong, khuôn mặt trái xoan của cô gái là chị Hai, chị Ba trong làng… Dường như không cố định ở một tác phẩm nào cả.
Với sự đa dạng và phong phú trong cách thể hiện nội dung và ý tưởng, theo giám tuyển Vân Vi thì “Tranh Đỗ Bảng thuộc trường phái biểu hiện, dã thú”. Những nhát cọ mạnh mẽ, khỏe khoắn, dứt khoát của anh Hai Đỗ Bảng (ông biết hát quan họ rất hay) đã mang biểu thị tâm hồn nhạy cảm và tinh tế về cuộc sống của vùng Kinh Bắc. Thông qua sắc màu và lối vẽ “hiền lành” trên chất liệu Acrylic, dòng tranh của họa sĩ Đỗ Bảng đã và đang phác thảo bản sắc về đất và người trong đời sống Kinh Bắc xưa và nay. Một số bức tranh vẽ về động vật, trò chơi của trẻ em bằng nét vẽ hiện đại nhưng đã nổi lên dáng dấp của phong thái dòng tranh Đông Hồ.
3. Đỗ Bảng còn có một vệt tác phẩm hướng tới nội dung về ký ức tuổi thơ với triền đê xanh cỏ và dáng trâu hiền lành, tiếng sáo chiều vi vút trong sắc mầu xanh êm dịu, trong nét mặt ngây thơ của mục đồng như “Khúc đồng dao mùa hạ”, “Chiều trên đê”, “Hạ về”, “Cánh diều tuổi thơ”, “Trung thu”… tạo nên điểm nhấn về tuổi thơ vào thời điểm mùa hạ. Phải chăng đó là tiếng lòng của ông hay hình ảnh được ghi lại qua những chuyến điền dã về nông thôn. Kinh Bắc bây giờ đã lên đô thị, xem tranh của ông, người ta được thưởng thức sự trong trẻo từ nội tâm không gian thuần khiết của nghệ thuật và của cả đời sống đương đại. Tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Đỗ Bảng không chỉ là nơi cất giấu ký ức tuổi thơ của nhiều người xuất thân từ vùng nông thôn mà còn là nơi nuôi dưỡng cả ước vọng thanh bình.
Họa sĩ Đỗ Bảng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam và giảng dạy tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội một thời gian. Khi trở về quê hương công tác, ông đã từng làm Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, rồi Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh công việc ở những vị trí quản lý hành chính, trong ông luôn giữ ngọn lửa tâm hồn nghệ sĩ. Vì thế tranh của ông đằm thắm một tâm hồn trong lành, góc nhìn lạc quan với sắc màu, hình khối chắc chắn giữa những pha trộn ý tưởng về cuộc sống đa chiều.


