Cảnh trong vở ballet “Don Quixote” được trình diễn tối ngày 28/6.
Cảnh trong vở ballet “Don Quixote” được trình diễn tối ngày 28/6.

Bắc cầu nghệ thuật hàn lâm đến công chúng

Sự hiện diện ngày càng nhiều tác phẩm nghệ thuật hàn lâm, kinh điển thế giới tại Việt Nam là tín hiệu mừng cho việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Qua đó góp phần nâng cao gu thẩm mỹ và khả năng cảm thụ nghệ thuật trong cộng đồng.

Ballet “Don Quixote” phiên bản Việt

Vừa qua, khán giả yêu nghệ thuật của Thủ đô đã được thưởng thức vở ballet kinh điển “Don Quixote” (dựa theo phiên bản gốc năm 1869 của biên đạo nổi tiếng người Pháp Marius Petipa) do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) thể hiện tại sân khấu Nhà hát Hồ Gươm. Tác phẩm khắc họa mối tình sôi nổi giữa Kitri và Basilio và hiệp sĩ Don Quixote đóng vai trò như một cầu nối.

Vở diễn được dàn dựng công phu với gần 150 nghệ sĩ gồm khoảng 60 diễn viên múa, hơn 60 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng và đội ngũ sáng tạo, sản xuất... Sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ ballet Việt Nam, từ những tên tuổi gạo cội như các NSƯT Cao Chí Thành, Phan Lương đến các nghệ sĩ trẻ tài năng như Nguyễn Đức Hiếu, Vũ Khánh Băng, Trần Bảo Ngọc... đã mang đến một không khí đầy sức sống và sự đa dạng. Bên cạnh đó là đóng góp hết sức quan trọng của dàn nhạc giao hưởng VNOB dưới sự chỉ huy tài hoa của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đã mang đến những giai điệu sống động, hòa quyện hoàn hảo với những bước nhảy flamenco cuồng nhiệt và kỹ thuật ballet cổ điển. Nhiều khán giả cho biết, rất ấn tượng với phần phục trang rực rỡ của dàn diễn viên, thiết kế sân khấu lộng lẫy và hệ thống âm thanh, ánh sáng đa tầng, mang đến một “bữa tiệc” nghệ thuật mãn nhãn.

NSƯT Phan Mạnh Đức, Giám đốc VNOB chia sẻ, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về nhân lực, đến vấn đề tài chính và cả thời gian tập luyện của các nghệ sĩ là 4 tháng, song đơn vị vẫn quyết tâm mang kiệt tác này đến khán giả Việt Nam để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao.

124.jpg

Thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật hàn lâm và khán giả

Thời gian gần đây các loại hình nghệ thuật hàn lâm như nhạc giao hưởng, opera, ballet... đang ngày càng được các đơn vị nghệ thuật Việt Nam chú trọng đưa đến khán giả trong nước. Tiêu biểu như VNOB, Nhà hát Lớn Hà Nội, hay Nhà hát Hồ Gươm đã không ngừng tổ chức các chương trình biểu diễn quy mô, từ những vở ballet kinh điển như “Don Quixote”, “Carmen”, hay “Giselle” đến các buổi hòa nhạc giao hưởng. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh sự phát triển trong nhận thức và nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng ngày càng nâng cao.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của nghệ thuật hàn lâm - đòi hỏi sự tập trung cao độ, kiến thức nền nhất định và sự cảm nhận sâu sắc - lượng khán giả của các loại hình này thường giới hạn hơn so các loại hình nghệ thuật phổ thông như nhạc nhẹ, kịch nói... Chính vì vậy, sự nỗ lực các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong việc đưa những tác phẩm hàn lâm, kinh điển đến công chúng Việt Nam rất cần được ghi nhận bởi góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật hàn lâm và khán giả.

Khi nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng cũng sẽ tạo cơ hội để khán giả nâng cao gu thẩm mỹ và khả năng cảm thụ nghệ thuật. Thí dụ khi khán giả được tiếp cận với những tác phẩm như “Don Quixote”, họ không chỉ thưởng thức nghệ thuật mà còn được khuyến khích tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, văn hóa và ý nghĩa của tác phẩm. Qua đó khán giả được mở rộng tầm nhìn, hiểu thêm về các nền văn hóa khác nhau và từ đó trân trọng hơn giá trị của tinh hoa nghệ thuật thế giới. Quá trình này không chỉ nâng cao gu thẩm mỹ mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng văn hóa với tư duy cởi mở và tinh tế hơn.

Xem thêm