Tác phẩm trong sách ảnh của kỹ sư Trần Thành.
Tác phẩm trong sách ảnh của kỹ sư Trần Thành.

Kỹ sư - nhiếp ảnh gia Trần Thành

"Mỗi bức ảnh đều là dấu mốc của yêu thương"

Hơn một thập kỷ rong ruổi Trường Sa và Nhà giàn DK1, kỹ sư - nhiếp ảnh gia Trần Thành mang theo trái tim lay động trước biển và người. Cuốn sách ảnh “Biển của lòng người” vừa được NXB Thông tin và Truyền thông chính thức ra mắt bạn đọc là kết tinh của những hành trình đầy xúc cảm ấy.

Phóng viên (PV): “Biển của lòng người” là sự kết hợp độc đáo giữa nhiếp ảnh, thi ca và công nghệ. Nhưng hơn cả kỹ thuật, có lẽ là trái tim đầy rung cảm trước biển đảo Tổ quốc. Điều gì thật sự đã lay động anh dồn tâm huyết cho một hành trình dài đến vậy?

131.jpg

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Biển đảo Việt Nam là cương thổ thiêng liêng, là nơi chảy tràn mạch nguồn sự sống, là nơi mỗi con sóng, mỗi gương mặt người lính, người dân đều mang tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và vẻ đẹp khiến chúng ta rung động. Chính tình người, tình đồng chí, đồng đội, đồng bào giữa ngút ngàn sóng gió, đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó thật nghiêm túc. Tôi không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tôi là một kỹ sư, nhưng tôi luôn tin vào sức mạnh của những điều chân thành. Suốt hơn 10 năm qua, tôi lặng lẽ chụp, ghi, giữ từng khoảnh khắc để rồi chắt lọc ra hơn 500 bức ảnh tiêu biểu nhất cho cuốn sách này.

Tôi cũng mong muốn mở rộng không gian cảm xúc ấy, nên đã kết hợp công nghệ hiện đại: mã QR để người đọc vừa thấy vừa nghe được tiếng sóng, tiếng bước chân lính trẻ, lời tâm sự của các mẹ Liệt sĩ Gạc Ma… để ký ức không còn nằm yên trong trang giấy mà sống động, ngân vang và lan tỏa. Đó là một phần ký ức quý giá của tôi và tôi trao lại cho mọi người.

PV: Có khi nào, giữa muôn vàn cảm xúc, anh không thể bấm máy?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Có chứ! Không chỉ một lần. Có những khoảnh khắc nghẹn lòng! Tôi nhớ như in lần chia tay của những người lính trên đảo. Một người lính trẻ sắp được vào bờ sau thời gian công tác, còn người chỉ huy thì ở lại. Hai mái đầu gác qua vai nhau, một cái ôm rất chặt. Người lính trẻ khẽ lau nước mắt, lặng lẽ quay đi để người chỉ huy không thấy mình khóc. Tôi đứng đó, máy ảnh trong tay, mà không thể bấm.

Rồi có lần khác, một chiến sĩ trẻ xin được đưa chú chó mà mình đã nuôi suốt cả năm trở về bờ. Khi được đồng ý, anh ấy ôm con chó nhỏ lao nhanh ra cầu cảng, vui mừng như đứa trẻ gặp lại người thân. Tôi đứng phía sau, chỉ biết mỉm cười và rưng rưng bởi tình cảm giữa con người và một sinh linh nơi đảo xa ấy thật quá đỗi trong lành, đáng quý! Nhưng có lẽ xúc động nhất là khoảnh khắc lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì biển đảo. Từ dưới xuồng nhìn lên tàu, tôi thấy các đại biểu đứng lặng, tay thả những bông cúc vàng, những cánh hạc trắng xuống biển. Sóng lặng lẽ vỗ, hạc trắng dập dềnh mãi. Cái lạnh của nước như chạm thẳng vào tim. Tôi nghĩ đến những người mẹ ở quê xa, vẫn đang đợi con trở về. Những lúc ấy, cảm xúc như ngấm vào máu thịt, cho ta hiểu trọn vẹn về sự hy sinh và biết ơn.

134.jpg
Tác phẩm trong sách ảnh của kỹ sư Trần Thành.

PV: Là một kỹ sư, lại chọn gắn bó sâu sắc với nhiếp ảnh - lĩnh vực giàu cảm xúc và đậm chất nghệ thuật, anh có từng suy nghĩ về mối liên hệ nào sâu xa?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Rất nhiều người nghĩ rằng kỹ thuật thuộc về lý trí, còn nghệ thuật là của tâm hồn - hai con đường tưởng chừng rẽ đôi. Dẫu vậy, với tôi, chúng không hề tách biệt. Ngược lại, càng đi sâu, tôi càng nhận ra: lý trí và cảm xúc, khoa học và nghệ thuật, thực chất đều bắt nguồn từ một điểm gốc, đó là cái “thấy”, cái “biết” sâu sắc của con người đối với thế giới chung quanh. Lý trí cho ta sự chính xác, tâm hồn lại cho ta chiều sâu. Người làm kỹ thuật, nếu chỉ làm bằng tay, bằng máy móc, sẽ không thể tạo ra những gì tinh tế. Còn người nghệ sĩ, nếu thiếu lý trí để lắng nghe, sắp xếp và lựa chọn, cũng khó lòng chạm được vào điều cao cả. Điều quan trọng không phải là bạn làm nghề gì mà là bạn quan sát cuộc sống thế nào. Với tôi, lý trí và tâm hồn không đối lập, mà là hai cánh tay song hành, giúp tôi đi đến tận cùng của một khoảnh khắc, một bức ảnh, hay một câu chuyện giữa biển đời mênh mang.

PV: Theo anh, công nghệ có phải là cách hiệu quả để đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng trong thời đại số?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Tôi nghĩ việc ứng dụng công nghệ số vào sách ảnh là bước đi tất yếu trong thời đại 4.0. Người trẻ hôm nay sống trong thế giới số nên tôi muốn nghệ thuật, đặc biệt là những gì chân thực, xúc động từ biển đảo cũng bước vào thế giới ấy, bằng hình thức gần gũi, tiện dụng và lan tỏa hơn. Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng công nghệ chỉ là phương tiện, còn cái đích vẫn phải là sự rung cảm của con người trước vẻ đẹp. Một bức ảnh biết nói là bức ảnh khiến người xem phải dừng lại, phải lặng đi, phải thấy mình nhỏ bé trước điều gì đó lớn lao. Cảm xúc đó vẫn cần được trải nghiệm bằng đôi mắt thật, trái tim thật. Tôi thích những bức ảnh được in lớn, treo trên tường, để ánh sáng ngoài khung cửa sổ hắt lên bề mặt in, để mỗi người khi ngang qua lại có thể dừng lại và tự hỏi: “Khoảnh khắc ấy đã xảy ra như thế nào? Người trong ảnh giờ đang ở đâu?”. Nghệ thuật, suy cho cùng, là khoảng dừng quý giá giữa nhịp sống quá vội. Công nghệ cho ta tốc độ, nghệ thuật cho ta chiều sâu. Tôi muốn kết hợp cả hai để công chúng đến gần hơn với nghệ thuật, và nghệ thuật cũng theo đó mà mở rộng cánh cửa của mình.

133.jpg
Tác phẩm trong sách ảnh của kỹ sư Trần Thành.

PV: Vậy điều khiến anh trăn trở nhất hay cảm thấy được an ủi, tiếp thêm niềm tin nhiều nhất trong quá trình sáng tác là gì?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Tôi day dứt nhất chính là giới hạn của bản thân, mà cụ thể là sức khỏe. Trong những hải trình dữ dội nhất, sóng lớn, tàu lắc nghiêng nghiêng như chực ném mọi thứ ra khỏi mặt biển, tôi cũng như bao người: vật vờ, chống chọi với cơn say sóng. Có những lúc, máy ảnh nằm ngay cạnh, nhưng tôi không thể cầm lên được, không thể đứng vững, càng không thể ghi lại khoảnh khắc quý giá nào.

Tôi nhớ mãi những đêm như thế, khi tất cả co ro trong giường, gồng mình chịu đựng, thì trên ca-bin vẫn có những người lính thủy thủ đang vững lái. Họ cũng đang say, cũng xanh mặt, nhưng tay vẫn giữ chắc bánh lái để con tàu không lệch hướng. Ở dưới bếp, tổ hậu cần vẫn nấu cơm, dù biết rằng cả tàu có thể chẳng ai ăn nổi. Đó là những vẻ đẹp lặng thầm của sự kiên cường mà tôi tiếc là mình đã không thể ghi lại bằng ống kính, chỉ có thể giữ bằng tình cảm. Nhưng chính những khoảnh khắc ấy lại trở thành nguồn an ủi lớn nhất. Tình đồng chí, đồng đội nơi biển đảo thiêng liêng lắm. Người lính giữ đảo sẵn sàng nhường chăn cho người khách mới, nhường thức ăn ngon cho đồng đội say sóng, lặng lẽ chia sẻ từng ngụm nước ngọt cuối cùng. Nhờ đó, tôi luôn cảm thấy mình được bao bọc, được chở che, được nâng đỡ. Mỗi lần đến với nơi đầu sóng ngọn gió, tôi luôn rung động bởi cách sống tử tế, sống gắn bó, sống vì nhau. Đó chính là phần “lòng người” mà tôi muốn gìn giữ trong cuốn sách này.

PV: Sau cuốn sách “Biển của lòng người”, anh có đang ấp ủ những dự án tiếp theo nào để tiếp tục khơi dậy tình yêu Tổ quốc?

Kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành: Tôi vẫn luôn cảm thấy mình còn rất nhiều điều chưa nói hết. Với tôi, Tổ quốc luôn thôi thúc những hành trình vô tận. Hiện tại, tôi đang ấp ủ hai dự án sách ảnh lớn. “Một vòng Việt Nam” sẽ đưa bạn đọc tới những nơi thiêng liêng nhất của đất nước: các cột mốc biên giới, các điểm cực - nơi biên giới Tổ quốc bắt đầu và kết thúc, nơi những người lính, người dân đang bám đất, bám trời, bám biển bằng trách nhiệm, niềm tin lớn lao. Tôi muốn kể câu chuyện yêu nước bằng sự lặng lẽ của những đôi chân trèo đèo, vượt suối, bằng những nụ cười trên đỉnh Lũng Cú, ở A Pa Chải hay Mũi Cà Mau.

Dự án thứ hai là “Vững vàng thềm lục địa” - một cuốn sách về những nhà giàn DK1 nơi thềm lục địa phía nam. Đó là nơi mà giữa mênh mông biển cả, có những cánh tay người Việt vẫn vững vàng giữ sóng, giữ gió, giữ lòng kiên trung. Ngoài ra, tôi cũng muốn tạo ra những sản phẩm gần gũi hơn, như bộ bưu thiếp, sách ảnh nhỏ song ngữ có mã QR để lan tỏa tình yêu biển đảo, biên giới đến với các bạn trẻ trong nước và bạn bè quốc tế.

PV: Cảm ơn kỹ sư Trần Thành về cuộc trò chuyện!

Xem thêm