Chúng tôi gặp bà trong một buổi chiều hè, để nghe kể về những tháng ngày bà gõ cửa từng ngôi làng, từng nhà nghệ nhân già xin lại một câu hát, một nhịp phách và đánh đổi cả tuổi xuân, cả hạnh phúc riêng cho ca trù.
Phóng viên (PV): Thưa bà, điều gì đã dẫn bà đến với con đường gian nan nhưng đầy ám ảnh mang tên “ca trù”?
NSƯT Bạch Vân: Đây như một nghiệp quả của cuộc đời và rất khó lý giải. Một lần tôi nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát trên đài, tôi như bị thôi miên. Cảm giác như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Tôi từng học opera, từng giỏi văn thơ, từng mơ giấc mơ khác, nhưng kể từ giây phút đó, tôi biết sứ mệnh của mình là gì.
PV: Khi bà đến với ca trù, xã hội có cái nhìn rất khác. Bà có gặp trở ngại?
NSƯT Bạch Vân: Nhiều lắm. Có người nhìn tôi như người mộng du. Có người gọi tôi là “cô đầu sống lại”, gọi tôi bằng tên gọi thô tục để chỉ về nghề không sạch sẽ, mỉa mai rằng tôi đang “hồi sinh tàn dư phong kiến”. Có ông cán bộ văn hóa từng quát vào mặt: “Cô là ai mà đi phục hồi cái nghề đĩ hát ngày xưa?”. Họ không hiểu rằng ca trù là nghệ thuật bác học, từng biểu diễn trong cung đình, đền miếu. Các danh sĩ như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát cũng đã có những áng thơ văn tuyệt bút viết cho ca trù.
Có cơ quan còn khước từ cho tôi tổ chức sự kiện nhưng tôi biết, nếu tôi không làm, có thể không còn ai khác dám làm nữa. Vậy nên tôi vẫn đi, lúc đầu thì đi xe đạp, sau có điều kiện hơn thì xe máy, vượt đồng, lội bùn, đi khắp các làng cổ, các vùng từng có truyền thống ca trù ở các tỉnh trước kia như Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa... tìm nhà nghệ nhân để xin học, xin ghi chép, xin giữ lại dù chỉ một hơi thở cuối cùng của nghệ thuật ấy.

PV: Năm 1991, bà tổ chức biểu diễn ca trù công khai đầu tiên tại Văn Miếu. Điều gì khiến bà tin rằng thời điểm đó đã đến?
NSƯT Bạch Vân: Tôi không chắc mình “chọn đúng thời điểm”, chỉ biết nếu chờ thêm, một vài nghệ nhân cuối cùng có thể không còn. Tôi lập bàn thờ tưởng niệm, tự in thiếp, mời các cụ nghệ nhân, các cụ từng hát ở Nhà hát Lớn từ trước năm 1945... Hơn 200 người đến dự. Đó cũng là lần đầu tiên sau bao năm đằng đẵng, ca trù ra ngoài “ánh sáng”. Cũng từ đó, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội ra đời, với tôi làm chủ nhiệm vì chẳng ai dám đứng tên.
9 năm sau, năm 2000, lần đầu tiên “Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng” được tổ chức và thành công rực rỡ, người đến xem không rõ bao nhiêu nhưng bằng cảm nhận, tôi biết đông hơn năm 1991 rất nhiều.
PV: Bà từng nói ca trù là “thứ không thể hát nếu không hiểu đạo”. Bà có thể nói rõ hơn?
NSƯT Bạch Vân: Ca trù không chỉ là âm thanh. Nó là một hệ tri thức cổ, hòa quyện giữa thơ, nhạc, triết, lễ. Muốn hát đúng, người hát phải hiểu vì sao mỗi chữ ngân dài hay ngắt nhịp; vì sao tiếng phách phải rơi đúng khoảnh khắc ấy. Người ca nương cũng là người thầy tế, người gác cổng văn hóa. Không hiểu mà hát, thì chỉ là âm thanh rỗng.
PV: Cuộc sống của bà hẳn rất chật vật khi tự mình lo mọi thứ?
NSƯT Bạch Vân: Chỉ cần được đi hát, tôi thấy mình như bất tử. Đây không phải chuyện đùa, nhiều lần tôi bệnh, tai nạn, bác sĩ bắt nghỉ hát, nằm im một chỗ nhưng hễ có buổi diễn, tôi như tái sinh, nhiều người thấy tôi sáng truyền nước, tối trốn viện ra đình hát là chuyện cơm bữa.
Tôi tằn tiện cuộc sống cá nhân để dồn kinh phí cho câu lạc bộ ca trù. Tiền kiếm được từ dạy học, đi hát tôi đều dành cho việc phục dựng. Tôi chọn cuộc sống này, không oán, không tiếc.
PV: Đến nay, bà có hài lòng khi nhìn lại hành trình hơn 40 năm gắn bó với ca trù?
NSƯT Bạch Vân: Tôi không sống để “hài lòng”, tôi sống để giữ cho ca trù được sống. Những nghệ nhân cũ tôi gặp, người đã mất, người đã yếu như gửi gắm lại hồn ca trong tay tôi. Tôi làm việc như bị thôi thúc. Có thể tôi không sống lâu, không được đời vinh danh nhưng nếu một lớp trẻ nào đó còn tiếp nối, thế là đủ. Điều quan trọng là giữ được “hồn” ca. Ca trù không chỉ là âm thanh mà là khí chất của người Việt, vừa sang trọng, vừa sâu lắng và chỉ có Việt Nam mới có loại hình nghệ thuật này.
PV: Bà có lo ngại gì cho tương lai ca trù?
NSƯT Bạch Vân: Tôi lo chứ. Lo khi thấy không ít người trẻ chỉ học để thi, để diễn, không hiểu gốc. Lo khi sân khấu ca trù bị thương mại hóa, pha tạp. Và lo nhất là người Việt ngày càng xa với chính âm nhạc của mình nhưng tôi tin, nếu còn những người yêu thật sự, ca trù sẽ không mất. Nó đã sống sót qua chiến tranh, cấm cản, thời kỳ bị xem là “tàn dư”. Thì cũng sẽ sống sót qua thời hiện đại nếu ta còn giữ.
PV: Cảm ơn NSƯT Bạch Vân về cuộc trò chuyện!