Một vùng đất miền núi Bình Thuận trước kia, không có nhiều điểm du lịch, chỉ có những cánh đồng lúa trải dài, bỗng nhiên được tìm kiếm nhiều trên bản đồ, theo trào lưu tìm kiếm hình ảnh qua Street view (chế độ xem phố trên Google maps).
1. Google maps có nhiều chế độ hiển thị gồm bản đồ cơ bản, vệ tinh, địa hình và chế độ xem phố (Street view). Chế độ xem phố cho phép người dùng có thể cảm nhận trực quan đường phố thực tế qua những hình ảnh mà xe chuyên dụng Google Street View Car thu nhập được. Có điều, những bức ảnh có thể được chụp từ rất nhiều năm trước.
Trào lưu tìm kiếm ảnh trên Google maps đang rầm rộ. Nhiều người từ việc tìm kiếm ấy, đã nhớ lại cả bầu trời ký ức: Ngôi nhà tuổi thơ với bóng dáng cha mẹ vẫn còn ngồi bên hiên, con đường đi học quen thuộc... Bức ảnh 360 độ đem đến một trải nghiệm như thể khung cảnh ấy đang hiển hiện ngay trước mắt. Google thường sử dụng xe chuyên dụng Google Street View Car gắn camera 360 độ, GPS, cảm biến đo khoảng cách (LIDAR) ghi lại hình ảnh toàn cảnh, sau đó gắn thẻ định vị tọa độ (geo-tag) chính xác theo từng điểm ảnh và kết hợp với dữ liệu bản đồ đường phố (vector) từ Google maps.
Rồi cũng từ chế độ xem phố ấy, người ta phát hiện ra Tánh Linh, Đức Linh từ trên cao. Không phải vì ký ức nào đặc biệt, mà bởi trên không gian tưởng như chỉ có đồng lúa với con sông La Ngà và những cánh rừng ấy, bao nhiêu hình ảnh quen thuộc của Việt Nam hiện lên. Những đường vẽ mầu xanh lam của chế độ xem phố vẽ nên cả một bức tranh. Biểu tượng Khuê Văn Các nằm ở khu vực Đức Chính (trước 1/7 xã thuộc huyện Tánh Linh, hiện nay là một phần xã Nam Chính). Hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai trái tim nơi vị trí đặc khu Hoàng Sa và Trường Sa men theo những cánh đồng nằm sát sông La Ngà và thị trấn Võ Xu cũ (nay thuộc xã Đức Linh), khu vực xã Tánh Linh có hình bông hoa sen, hình một cô gái Việt Nam mặc áo dài đội nón lá, phía ráp gianh Bình Thuận với Đồng Nai có hình vẽ một chú chim lạc, với mỏ chim hướng theo bến thuyền sông La Ngà. Những hình vẽ trải dài qua cả hai vựa lúa lớn nhất Bình Thuận.

2. Không có sự ngẫu nhiên nào cả. Google maps cho phép người dùng tham gia đóng góp cho chế độ xem phố bằng cách vẽ đường trong Google Maps Street View bằng GPS. Người dùng có thể tự dùng thiết bị định vị và di chuyển thực tế trên đường, theo lộ trình đã được tính toán để đường đi có thể vẽ thành hình vẽ mong muốn. Sau đó, họ gửi hình ảnh thu thập được trong quá trình di chuyển và gửi lên Google. Sau khi Google duyệt, hình ảnh đó được sử dụng rộng rãi và hiển thị theo những đường vẽ mầu xanh lam khi chọn Street view. Điều kiện để được duyệt là các con đường đều phải tồn tại trên thực tế.
Tìm kiếm theo những bức hình ở Bình Thuận thì thấy tất cả đều do một tài khoản tên là Ngọc Hưng đăng tải. Người này đã dùng flycam để ghi hình 360 độ và gửi về Google. Trong dữ liệu hiển thị, có những bức hình thực hiện từ hơn hai năm trước, cũng có bức hình mới chụp vài tháng trước. Nghĩa là để thực hiện những hình vẽ này, Ngọc Hưng đã phải tốn kha khá thời gian, thậm chí kéo dài hằng năm.
Không rõ chủ nhân của những bức hình này là ai. Đó đơn giản là một người dùng yêu thích GPS Art, hay là một nhân viên của Google? GPS Art là nghệ thuật vẽ trên bản đồ ra đời từ năm 1999. Ở Việt Nam, nhiều người cũng đã vẽ tranh bằng cách dùng thiết bị GPS, nhưng hiếm có hình ảnh quy mô lớn nào như vậy xuất hiện trên Google maps.
Đức Linh, Tánh Linh được chọn, có lẽ vì không quá đông người, các con đường còn vắng, người dùng cũng dễ dàng tạo hình ảnh mong muốn hơn. Không biết sau những hình ảnh đấy có bao nhiêu người tò mò mới tới xem nơi ra đời thương hiệu gạo Tánh Linh, muốn đến bờ sông La Ngà, đi xem những cánh rừng Tánh Linh năm nào còn hay mất.
Zoom vào tận những bức hình, mới thấy những cánh đồng vô tận, những cánh rừng xanh với vẻ bình yên hiếm có. Đất nước mình, dù nhìn xa hay nhìn gần, đều có thể khiến người ta ngỡ ngàng như vậy.