Triển lãm “150 năm hành trình Truyện Kiều quốc ngữ”

Triển lãm “150 năm hành trình Truyện Kiều quốc ngữ”

Triển lãm “150 năm hành trình Truyện Kiều quốc ngữ” tổ chức tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 4 đến ngày 6/7 đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan.

Năm 1875, “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du được chuyển dịch và xuất bản bằng chữ quốc ngữ, đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình hiện đại hóa văn học và ngôn ngữ Việt. Suốt 150 năm qua, Truyện Kiều đã được tái bản, khảo dị, hiệu đính, minh họa dưới nhiều hình thức khác nhau.

Triển lãm giới thiệu bộ sưu tập chọn lọc các ấn bản “Truyện Kiều” bằng chữ quốc ngữ, từ những bản in quý hiếm cuối thế kỷ 19 đến các ấn phẩm mỹ thuật đặc sắc đầu thế kỷ 20. Ban tổ chức cũng giới thiệu những ấn bản đương đại, bao gồm bản in mỹ thuật, sáng tác minh họa hiện đại và các nỗ lực mới trong kỹ thuật trình bày.

Trong khuôn khổ triển lãm lần này còn có tọa đàm “150 năm Kim Vân Kiều muôn mặt” xoay quanh hành trình sống động của “Truyện Kiều” với sự tham gia của nhà sưu tầm Dư Thanh Khiêm và nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Trân Phượng. Kết thúc chương trình giao lưu là phần bói Kiều, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị. Triển lãm không chỉ chú trọng việc trưng bày các tác phẩm có giá trị mà còn tạo ra không gian văn hóa, nơi mọi người được cảm nhận dòng chảy nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng này.

“Khoảng trời nhiều gió”

124.jpg

Sau tập tản văn đầu tay “Miền quê bên sông Hồng”, tập truyện ngắn “Khoảng trời nhiều gió” (NXB Hội nhà văn) của tác giả Nhất Chi Mai khẳng định sự trưởng thành về kỹ thuật dựng truyện, độ đằm sâu về cảm xúc với những rung động cất lên từ trái tim tha thiết tình đời.

Tập sách gồm 14 truyện ngắn được Nhất Chi Mai cần mẫn viết trong vòng hơn hai năm. Chị đưa vào sáng tác của mình những lát cắt rất đời, nóng hổi như chính hơi thở của cuộc sống đương đại. Các truyện của chị không mới về đề tài nhưng lại có sức lôi cuốn bởi cách hành văn rất linh hoạt; khi thì bay bổng lãng mạn, lúc lại khúc chiết, mạch lạc hàm chứa những triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc. Tôn trọng lối viết truyền thống, hệ thống nhân vật trong sáng tác của Nhất Chi Mai là những con người gần gũi ở quanh ta; cốt truyện là những tình huống rất dễ bắt gặp ngoài đời thực. Đó là những mối quan hệ gia đình, bằng hữu, thầy trò. Nhà văn rất vững vàng từ cách dẫn truyện đến việc đẩy tình huống lên cao trào và khéo léo giải quyết vấn đề. Mỗi truyện ngắn là một câu chuyện giản dị nhưng lại có sức hấp dẫn người đọc, để lại những dư ba xúc cảm mơn man.

Trong dòng chảy của văn chương, sự sáng tạo luôn được đề cao. Việc khai thác các đề tài quen thuộc nếu không khéo léo sẽ đi vào lối mòn nhạt nhẽo. Song nhà văn Nhất Chi Mai vẫn cần mẫn ghi dấu chân mình trên con đường văn chương gập ghềnh.

Xem thêm