Chi bộ 4 tốt thôn Đông Nam là mô hình tiêu biểu, có sức lan tỏa cao tại địa bàn.
Chi bộ 4 tốt thôn Đông Nam là mô hình tiêu biểu, có sức lan tỏa cao tại địa bàn.

Mạnh từ gốc rễ qua mô hình “Chi bộ 4 tốt”

Nâng tầm tổ chức đảng ở cơ sở, mô hình “Chi bộ 4 tốt” còn giúp Đảng bám rễ sâu hơn trong lòng nhân dân. Nhờ đó, nhiều chi bộ Đảng đang chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới cách lãnh đạo, sinh hoạt và gắn bó với dân.

Mỗi chi bộ một cách làm

Là một trong những chi bộ lớn với hơn 200 đảng viên thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề, Chi bộ khu dân cư 21, phường Ô Chợ Dừa (Hà Nội) nằm trên địa bàn chật hẹp, tiềm ẩn nhiều vấn đề về môi trường, an ninh trật tự. Nhằm tháo gỡ những tồn tại, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW, chi bộ là đơn vị đầu tiên của phường triển khai mô hình “Chi bộ 4 tốt”.

Bí thư Phạm Văn Long cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu chất lượng sinh hoạt để làm nền tảng đề ra các giải pháp sát thực tiễn. Quá trình triển khai, chi bộ tận dụng công nghệ thông tin để mọi đảng viên đều tiếp cận nghị quyết qua app điện thoại và nhóm Zalo. Trước mỗi kỳ họp, các nội dung đều được gửi trước để đảng viên nghiên cứu, phản biện”.

Theo chi ủy viên Bùi Thị Thủy: “Để gắn sinh hoạt chi bộ với thực tiễn, tổ tuyên giáo được phân công cập nhật, phổ biến ngắn gọn thông tin trước mỗi buổi họp. Mỗi tháng, chi bộ chọn một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai như cải tạo điểm đen rác thải, lắp camera, trồng cây, chăm sóc vườn hoa... Tài liệu được gửi sớm, sinh hoạt có trọng tâm đã giúp đảng viên tiết kiệm thời gian, rõ việc cần làm”.

Từ năm 2022 đến nay, chi bộ liên tục được công nhận là “Chi bộ 4 tốt”, đã được Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2020-2024). Mô hình “Chi bộ 4 tốt” trở thành phương thức giúp Chi bộ khu dân cư 21 nâng cao năng lực lãnh đạo tại cơ sở. Nhiều vấn đề nổi cộm tại địa bàn đã nhanh chóng được tháo gỡ thông qua cách làm gần dân, sát dân của cấp ủy. Bí thư Đảng ủy phường Ô Chợ Dừa Nguyễn Thị Thanh Yên khẳng định: “Chi bộ 21 là hình mẫu tiêu biểu, với cách làm bài bản, sáng tạo, gần dân, sát việc, xứng đáng để nhân rộng trong toàn Đảng bộ”.

Mô hình “Chi bộ 4 tốt” đã lan tỏa đến vùng thuần nông như thôn Đông Nam, xã Nghĩa Sơn (Nghệ An). Khi tái cơ cấu nông nghiệp, phần lớn đất canh tác được giao cho doanh nghiệp, khiến nhiều hộ gặp khó khăn về sinh kế. Nhanh chóng vào cuộc, cấp ủy cơ sở vừa triển khai chủ trương, vừa trực tiếp hướng dẫn người dân chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Bí thư chi bộ thôn Đông Nam Hồ Minh Sơn chia sẻ: “Chi bộ lập tổ công nghệ cộng đồng, phân công đảng viên phụ trách từng nhóm hộ, hỗ trợ sản xuất số và truy xuất nguồn gốc nông sản. Thực hiện cách làm mới, gia đình tôi vừa nuôi gà sinh học, dùng phần mềm theo dõi tiêu thụ, vừa hướng dẫn cho bà con cùng theo”.

Các buổi sinh hoạt chi bộ được gắn chặt với thực tế, lồng ghép phổ biến kỹ thuật, thông tin thị trường và chính sách hỗ trợ đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Chị Thương Thị Kế, đảng viên chi bộ thôn Đông Nam chia sẻ: “Từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, được chi bộ hỗ trợ kỹ thuật, kết nối vốn vay, tôi đã mạnh dạn phát triển thành trang trại với tổng số đàn hơn 6.000 con gà. Thoát nghèo rồi, tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con chung quanh cùng theo”.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Chi bộ thôn còn chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Quý cho biết: “Không chỉ phát huy nội lực, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên vùng đất bạc màu, chi bộ thôn Đông Nam còn tiên phong trong số hóa thủ tục hành chính, quản lý dân cư. Đây là mô hình thiết thực, hiệu quả và có sức lan tỏa cao tại địa bàn”.

“Chi bộ mạnh cần người đứng đầu đủ tầm và tâm, biết học hỏi, tổ chức thực hiện hiệu quả, cùng cấp ủy xây dựng chi bộ thật sự là điểm tựa chính trị ở cơ sở”, nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng Nguyễn Đức Hà nhận định.

Từ chủ trương đến thực chất

Cụ thể hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, mô hình “Chi bộ 4 tốt” được ban hành với 4 tiêu chí: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; Chất lượng sinh hoạt tốt; Đoàn kết, kỷ luật tốt; Cán bộ, đảng viên tốt. Theo thông tin từ Ban Tổ chức Trung ương, đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 15 nghìn chi bộ triển khai mô hình “Chi bộ 4 tốt”, trong đó gần 60% chi bộ khu dân cư đạt chuẩn. Tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lâm Đồng…, các chi bộ đã trở thành hạt nhân đổi mới sinh hoạt Đảng.

Thực tiễn cho thấy nhiều chi bộ chuyển biến rõ nét, nhất là trong chuyển đổi số. Từ năm 2023, nhiều nơi đã bổ sung tiêu chí số hóa sinh hoạt Đảng, xây dựng chi bộ điện tử, tổ chức họp trực tuyến, gửi tài liệu qua app, quản lý đảng viên bằng phần mềm. Bí thư chi bộ trở thành “hướng dẫn viên công nghệ”, kết nối chuyển đổi số với phát triển kinh tế hộ. Nhờ đó, mô hình “Chi bộ 4 tốt” đang góp phần nâng cao năng lực và uy tín tổ chức cơ sở Đảng.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) nhận định: “Chi bộ 4 tốt góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc của đảng viên ở cơ sở, tạo gắn kết với nhân dân qua phần việc cụ thể. Khi chi bộ bám sát đời sống, gắn nghị quyết với hành động, niềm tin của dân vào Đảng sẽ được củng cố”.

Thực tế sinh động tại nhiều cơ sở đã chứng minh một trong những nhân tố quyết định thành công của mô hình “Chi bộ 4 tốt” chính là vai trò người đứng đầu. Dù ở độ tuổi hay trình độ nào, bí thư chi bộ phải là người dám nghĩ, dám làm, luôn học hỏi và bám sát thực tiễn. Dù tuổi đã cao, Bí thư Chi bộ thôn Trạm Hành 1 (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) Phạm Đa vẫn miệt mài tự học công nghệ. Với quan điểm “muốn hướng dẫn dân làm thì mình phải làm được trước”, gần 25 năm nay, ông Phạm Đa luôn đi đầu trong mọi hoạt động. Cùng với chi bộ, ông đã vận động bà con trong thôn hiến đất làm đường, tổ chức sinh hoạt trực tuyến, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở thôn Trạm Hành 1 đã đổi thay rõ rệt khi đường sá bê-tông hóa, điện chiếu sáng được nâng cấp. Hiện thu nhập bình quân của người dân trong thôn đã đạt gần 72 triệu đồng/người/năm, gần gấp đôi so năm 2020.

Còn tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (tỉnh Lào Cai), Bí thư chi bộ thế hệ 8X người dân tộc thiểu số Đặng Văn Bình lại tạo dấu ấn bằng sự gần gũi, quyết đoán và tiên phong. Trong trận lũ tháng 9/2024, anh vượt mưa lũ, gõ cửa từng nhà kêu gọi 40 hộ dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. “Lúc đó chỉ nghĩ mình không làm thì ai làm. Là bí thư, tôi phải lo cho dân trước tiên”, Bí thư Đặng Văn Bình chia sẻ. Sau thiên tai, anh tiếp tục kết nối chính sách hỗ trợ, hướng dẫn bà con khôi phục sản xuất, thiết lập nhóm Zalo cộng đồng để phổ biến thủ tục hành chính, động viên thi đua phát triển kinh tế. Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu Nguyễn Quốc Nghi đánh giá: “Đồng chí Bình là hình mẫu bí thư trẻ, dám xông pha vì dân. Sự xông pha không chỉ thể hiện trong trận bão lũ năm 2024 mà còn ở nhiều hoạt động như đưa công nghệ về bản, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng”.

Đại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, để nhân rộng mô hình “Chi bộ 4 tốt”, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt, khơi dậy tinh thần phê bình và tự phê bình, gắn nội dung sinh hoạt với nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, phải làm tốt công tác vận động quần chúng từ chính gia đình đảng viên. Việc phát triển Đảng phải đi liền với sàng lọc, giữ gìn đội ngũ đảng viên trung thực, gương mẫu, thật sự vì dân… có như vậy dân mới tin, mới theo.

Xem thêm