Trụ sở chính quyền xã Tả Lèng (Lai Châu) đặt tại bản Giang Ma.
Trụ sở chính quyền xã Tả Lèng (Lai Châu) đặt tại bản Giang Ma.

Chuyên đề: Gần dân, vì dân phục vụ

Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến

Trong quá trình triển khai chính quyền địa phương hai cấp, nhiều vấn đề tiếp tục đặt ra về thể chế, tổ chức, nguồn lực và cơ chế phối hợp. Từ đó đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, căn cơ từ các cấp, các ngành và từ chính cơ sở.

Thời Nay xin giới thiệu một số ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đề xuất, gợi mở từ các nhà quản lý và chuyên gia.

Phát huy tinh thần phục vụ, kiến tạo

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra việc tổ chức, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại phường biên giới Thới Sơn (An Giang) và xã Mỹ Hiệp (Đồng Tháp). Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục bám sát tình hình, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Quan trọng là phải vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện địa phương; phát huy tính chủ động, không trông chờ, ỷ lại; xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo cấp trên.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phải sát dân, gần dân, lắng nghe dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Hành chính công phải hướng tới giảm thời gian, chi phí, phiền hà và tiêu cực. Kiên quyết loại bỏ tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, hách dịch, khiến người dân phải “nhờ vả”.

Trước thực tế người dân chưa quen với mô hình mới, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương sớm ổn định bộ máy, huy động lực lượng hỗ trợ thủ tục hành chính tại cơ sở như tổ công nghệ số cộng đồng, học sinh, sinh viên, thanh niên… Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số đi đôi với bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, an ninh mạng; đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin phù hợp yêu cầu công việc.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; quan tâm y tế cơ sở, xây dựng trường học vùng khó khăn, thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục. Các địa phương phải giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ động nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giải quyết sớm những vấn đề phát sinh, tạo nền tảng vững chắc cho chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu lực, hiệu quả.

Không chỉ sáp nhập, mà đổi mới cách làm

Theo TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp là bước cải cách lớn, đòi hỏi thay đổi toàn diện về tư duy tổ chức, phương thức vận hành và mối quan hệ giữa các cấp chính quyền.

Trước hết, phải nhìn nhận vai trò của các đơn vị hành chính cấp xã/phường/đặc khu sau khi sáp nhập với địa vị pháp lý và vai trò, sứ mệnh mới. Việc tổ chức chính quyền cũng phải tinh gọn, đội ngũ cán bộ, công chức được chuẩn hóa để thực thi hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Thứ hai, cần chuyển tư duy từ hành chính “kiểm soát, bao cấp” sang “quản trị và phục vụ”. Mô hình mới đòi hỏi chính quyền phải chủ động, sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Phân cấp, phân quyền không thể dừng ở hình thức mà phải rõ ràng, triệt để, gắn với trách nhiệm cá nhân: Ai làm tốt thì giao, ai được giao thì phải quyết định và chịu trách nhiệm. Cần xóa bỏ các quy trình “xin ý kiến, xin chủ trương”, vốn làm trì trệ công việc và lu mờ vai trò cá nhân trong bộ máy. Thứ ba, hành động phải quyết liệt, nói đi đôi với làm, chuyển từ cách nghĩ “vừa chạy vừa xếp hàng” sang “hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.

TS Trần Anh Tuấn đề xuất, về thể chế, cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, quy định không còn phù hợp mô hình mới. Luật và chính sách ban hành phải vừa bám sát chủ trương của Đảng, vừa giải quyết được các điểm nghẽn trong thực tiễn, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động trong sử dụng ngân sách, biên chế và nguồn lực con người.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh số hóa và ứng dụng công nghệ vào hoạt động hành chính. Các hệ thống thông tin cần được kết nối, tích hợp, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương để giảm tải cho cán bộ, nâng cao hiệu suất phục vụ người dân. Cần xác định rõ vị trí việc làm, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ - được coi là khâu then chốt - trong rà soát, sắp xếp, phân loại, đánh giá, bố trí cán bộ, công chức trong bộ máy mới của cấp ủy Đảng, Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức thành viên. Cuối cùng, qua thực tiễn triển khai, cấp cơ sở cần tổng hợp đầy đủ các khó khăn, bất cập để kiến nghị Trung ương có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

71-5869.jpg
Chuyển đổi số là một trong những giải pháp trọng tâm để triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.

Lắng nghe cơ sở để hoàn thiện mô hình

Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã phân công các Ủy viên Thành ủy trực tiếp bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, phường. Thường trực HĐND thành phố họp chuyên đề, ban hành 3 nghị quyết quan trọng và triển khai 17 đoàn công tác hướng dẫn kỳ họp thứ nhất HĐND cấp xã. UBND thành phố cùng các sở, ngành đã ban hành văn bản chỉ đạo, thiết lập quy trình công việc, rà soát và bố trí cơ sở vật chất đồng bộ. Gần 4.000 đoàn viên, thanh niên đã được huy động hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tại 126 xã, phường.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật, cải cách hành chính, chuyển đổi số được xác định là khâu đột phá. Trong 15 ngày đầu triển khai, số thủ tục hành chính cấp xã tăng từ 112 lên 559, gần 67 nghìn hồ sơ được tiếp nhận (14% thực hiện trực tuyến). Hệ thống iHanoi tiếp nhận hơn 3.500 phản ánh, tổng đài 1022 xử lý gần 1.800 cuộc gọi. Hệ thống văn bản điện tử, chữ ký số được vận hành đồng bộ, với hơn 230 nghìn văn bản được xử lý qua mạng. Đặc biệt, việc triển khai 4 thủ tục hành chính khối Đảng trên nền tảng số đã thu hút hơn 1,9 triệu lượt truy cập, với hơn 42 nghìn lượt giao dịch đóng đảng phí thành công. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như thiếu cán bộ chủ chốt; tỷ lệ cán bộ chuyên trách còn thấp, kiêm nhiệm nhiều; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, phần mềm chưa ổn định; một số quy định phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng, dễ gây lúng túng khi triển khai, nhất là với những nhiệm vụ mới.

Trước thực tế đó, Thành ủy xác định tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời rà soát, hoàn thiện quy chế, quy trình phù hợp mô hình 2 cấp. Thành phố sẽ đẩy mạnh tập huấn cán bộ trong các lĩnh vực then chốt như đất đai, tài chính, thủ tục hành chính; tăng tốc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Thành phố đang kiến nghị Trung ương sớm sửa đổi quy định về công tác cán bộ, chức năng tổ chức Đảng ở cơ sở; ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi); sớm có hướng dẫn cụ thể về tổ chức HĐND phù hợp mô hình mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất ban hành bộ thủ tục hành chính cấp xã, hoàn thiện phân cấp, cơ chế phối hợp giữa các cấp, đầu tư hạ tầng số đồng bộ và triển khai phần mềm phục vụ thủ tục hành chính hiệu quả.

Từng bước hình thành văn hóa tiếp cận dịch vụ số

Tại TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số của thành phố - bà Võ Thị Trung Trinh cho biết, các nền tảng như hệ thống quản lý văn bản, giải quyết thủ tục hành chính, hội nghị trực tuyến, cổng tiếp nhận phản ánh kiến nghị 1022… đã góp phần bảo đảm thông suốt trong xử lý công việc.

Thời gian tới, theo bà Trinh, cần rà soát tổng thể và đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin cả phần cứng lẫn phần mềm bảo đảm đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn về an toàn, an ninh thông tin. Việc kết nối hiệu quả các nền tảng số dùng chung và các hệ thống chuyên ngành từ bộ, ngành Trung ương đến sở, ngành địa phương là yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh trang bị các công cụ hỗ trợ hiện đại như kiosk thông minh, chatbot, robot trợ lý… để phục vụ người dân thuận tiện, thân thiện hơn. Thứ hai, tăng cường, tập trung vào kỹ năng số và thao tác các phần mềm chuyên dùng cho cán bộ, đặc biệt là ở cấp xã, phường. Thứ ba, để thúc đẩy chuyển đổi thói quen của người dân, cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách thiết thực, dễ hiểu. Qua đó, từng bước hình thành văn hóa tiếp cận dịch vụ số trong cộng đồng, góp phần giảm tải cho bộ phận tiếp nhận trực tiếp tại cơ sở.

Xem thêm