Tiền đâu để chuyển đổi?
TP Hà Nội dự kiến hỗ trợ người dân từ 3-5 triệu đồng/trường hợp để chuyển đổi sang xe máy điện. Tuy nhiên, nhóm chịu tác động lớn nhất trong quá trình này lại là người lao động có thu nhập thấp đến trung bình vốn coi máy xăng là phương tiện mưu sinh không thể thiếu. Với thu nhập bình quân khoảng 6,86 triệu đồng/tháng (theo Cục Thống kê Hà Nội, 3 tháng đầu năm 2025), việc bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua xe điện là gánh nặng không nhỏ. Không chỉ khó khăn về chi phí, người dân còn băn khoăn về sự tiện dụng, khả năng vận hành và an toàn của xe điện.
Ông Nghiêm (55 tuổi), chạy xe ôm trên phố Văn Miếu cho biết, chiếc xe máy xăng là “cần câu cơm” của cả gia đình. “Nghe nói suốt về chuyện đổi xe điện, thực tâm tôi cũng ủng hộ bởi sẽ giúp cải thiện môi trường, nhưng ủng hộ là một chuyện, thực tại mưu sinh lại là chuyện khác. Chiếc xe điện tàm tạm để chở khách được cũng phải khoảng 20 triệu đồng, bằng nửa năm trời tôi chắt bóp, tiền đâu mà đổi? Xe xăng này hỏng đâu cũng có tiệm sửa, vài chục nghìn đồng là lại chạy ro ro. Xe điện lỡ hết pin giữa đường đón khách, hay hỏng hóc thì biết kêu ai, chỉ riêng vá lốp xe điện cũng khó hơn rồi, chưa nói sửa chữa hỏng hóc khác?", ông Nghiêm chia sẻ.
6 giờ sáng tại chợ Ngọc Khánh (Hà Nội), chị Ngọt cặm cụi xếp từng bó rau trên chiếc xe máy cũ chở từ Đông Anh xuống gian hàng. Chiếc xe Honda Dream là “bạn đường” trung thành hơn 10 năm qua, mỗi tháng đổ chừng 350 nghìn đến 400 nghìn đồng tiền xăng, vẫn bảo đảm đi về hơn 30 cây số mỗi ngày. Khi được hỏi về ý tưởng đổi sang xe điện, chị Ngọt bật cười: “Nghe nói xe điện tiết kiệm, không khói bụi nhưng chở rau không nổi đâu. Lo nhất là chở hàng ban sớm, pin sạc sao kịp... Một ngày tôi lời lãi có được nhiêu đâu, giờ phải đổi xe mất mấy chục triệu đồng”.
Theo tính toán, xe máy xăng phổ thông (như Wave Alpha, Future) tiêu tốn khoảng 1,6 lít - 2 lít/100 km. Nếu mỗi ngày đi 25-30 km, tức khoảng 750-900 km/tháng, chi phí xăng dao động từ 350 nghìn đến 500 nghìn đồng/tháng (tùy giá xăng và điều kiện xe).
Trong khi đó, xe máy điện tầm trung có mức tiêu hao điện trung bình khoảng 1.500 - 2.000 đồng/100 km. Với cường độ tương đương, tiền điện hằng tháng dao động 20 nghìn đến 30 nghìn đồng, rẻ hơn xăng gấp 15-20 lần. Tuy nhiên, mức tiết kiệm này không bù đắp ngay được chi phí mua xe ban đầu. Nếu một chiếc xe điện chất lượng trung bình giá khoảng 20-25 triệu đồng, thì người mua sẽ cần từ 4-5 năm mới “hòa vốn” từ tiền tiết kiệm xăng, chưa kể chi phí thay pin sau 2-3 năm, trung bình 4-6 triệu đồng.
Cần có chính sách cho đối tượng yếu thế
Rào cản tài chính mới chỉ là bước đầu. Ngay cả khi đã mua được xe điện, nhiều lao động nhập cư vẫn vấp phải khó khăn khác. Anh P.V.Hưng (quê Hưng Yên), đang chạy xe máy điện cho Xanh SM cho biết, anh từng phải chuyển phòng trọ nhiều lần chỉ vì... chiếc xe điện. "Đa phần chủ nhà cho rằng, các khu trọ không được thiết kế để sạc xe điện. Trong khi hệ thống điện đã cũ, không có cầu dao chống cháy, không gian lại chật hẹp, thiếu khu vực sạc tập trung… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao", anh Hưng cho biết.
Sau nhiều lần bị từ chối, anh Hưng quyết định cùng hai người bạn thuê một căn nhà cấp 4 tách biệt với chủ nhà để sinh sống và thuận tiện cho việc sử dụng xe điện. Tương tự, nỗi lo cũng hiện hữu với chị Nguyễn Lan Anh, công nhân môi trường chia sẻ: Nhà thuê có 30 m2, điện dùng càng nhiều, phí càng cao, mấy chị em ở chung giờ mỗi người một cái xe sạc điện cũng nặng gánh lắm! Chưa kể nguy cơ cháy nổ, chắc gì chủ nhà đã đồng ý cho gửi. Nhà tôi ở gần thì còn đỡ, đồng nghiệp mình người ở Văn Điển, có người Đông Anh, có người ở Hà Đông… đi làm lúc về xe hết pin thì sáng mai mới về đến nhà.
Sau những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và của do chập cháy điện gây ra. Không thiếu chủ nhà trọ, chung cư mini ra thông báo cấm hoặc hạn chế sạc xe điện. Cảnh tượng những dây sạc tạm bợ, chằng chịt kéo từ các ổ cắm chung không chỉ mất mỹ quan mà còn là nỗi lo sợ của nhiều người dân.
Rõ ràng, giao thông xanh là xu hướng không thể đảo ngược. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi này trở nên bền vững và nhân văn, cần có thêm những chính sách đồng hành cùng người lao động đang gắn bó cuộc mưu sinh với chiếc xe máy cũ kỹ. Họ là những mắt xích không thể thiếu trong guồng quay đô thị.
Nhiều xe điện được rao bán giá từ 15-30 triệu đồng, nhưng loại pin khỏe, sạc nhanh, chở nặng tốt thường lên tới 40-50 triệu đồng, chưa kể chi phí đổi, bảo trì pin. Trong khi đó, theo khảo sát riêng của phóng viên Thời Nay, nhiều người lao động thu nhập trung bình cho biết, dù tích góp, vay mượn cũng chỉ dám chi 7-20 triệu đồng để mua xe với độ bền trung bình trên 10 năm.