Nhiều khách tham quan và cựu chiến binh hào hứng với các tư liệu về ngành tình báo mà Đại Lâm giới thiệu.
Nhiều khách tham quan và cựu chiến binh hào hứng với các tư liệu về ngành tình báo mà Đại Lâm giới thiệu.

Người trẻ mê dấu chân điệp báo

Bộ sưu tập các giấy tờ, hiện vật về ngành tình báo Việt Nam của chàng trai sinh năm 2004 ngày một lớn dần theo thời gian.

Đây không còn là niềm đam mê của bản thân mà còn là trách nhiệm, sự biết ơn, tấm lòng trân trọng với những người đã bước đi trong bóng tối để đất nước có ngày “Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh/Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới…”.

Nguyễn Chu Đại Lâm khẽ hát vài lời trong bài hát “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” rằng: “Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình/Giữa khói binh ai cũng nguyện lòng hy sinh/Xin tri ân những người chiến sĩ quên đi niềm riêng quên đi cả bản thân mình/Cuộn chảy trong lòng một dòng máu nóng dòng máu Lạc Hồng …”, như thể với anh, việc tìm hiểu, nhặt nhạnh và lưu giữ các kỷ vật chiến tranh, đặc biệt gắn liền với ngành tình báo Việt Nam, là điều nên làm bởi ở đó có từng câu chuyện liên quan những con người thầm lặng, hoạt động trong bóng tối vì lợi ích quan trọng, sống còn của dân tộc nhưng không nhiều người biết đến công việc của họ, cuộc sống của họ.

Con đường đi ngược thời gian

Việc được gặp gỡ, tiếp xúc với những nhân vật trong ngành tình báo từ nhỏ, trong những dịp cha anh có công việc riêng đã gợi cho Lâm nhiều sự thích thú, tò mò về các hoạt động bí mật, thầm lặng và đầy hiểm nguy này.

Lớn hơn một chút, anh bắt đầu tìm đọc những cuốn sách viết về tình báo, phản gián của Việt Nam. Thế nên, cũng chẳng có gì ngạc nhiên nếu Lâm nêu một danh sách những cuốn truyện tình báo, phản gián mà anh yêu thích của nhà văn Đặng Thanh hay những cuốn sách viết về các nhà tình báo như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Tư Cang…

Thế nhưng, con đường đưa Lâm đi ngược thời gian hơn nữa về các cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc bắt đầu từ năm 2021. Lúc đó, chàng thanh niên 17 tuổi đang học ở Thành phố Hồ Chí Minh và may mắn có được một tài liệu của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo. Đây là cơ quan tình báo chiến lược trung ương của chính quyền Việt Nam Cộng hòa được thành lập năm 1962 và là nơi Thiếu tướng Đặng Trần Đức thâm nhập, hoạt động thu thập tin tức tình báo trong gần 10 năm. Niềm vui này khiến Lâm tự hỏi tại sao anh không tìm kiếm và sưu tầm những giấy tờ, hiện vật liên quan ngành tình báo Việt Nam.

Nghĩ vậy nhưng cũng phải một năm sau, khi chuyển ra Hà Nội học, Lâm có nhiều cơ hội gặp gỡ những người hoạt động trong ngành tình báo trước đây và có thêm hứng thú, động lực để mở rộng, phát triển bộ sưu tập của mình. Anh tham gia các diễn đàn để tìm kiếm những giấy tờ liên quan đến các cơ quan của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời trước 1975 như Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội, Phủ Đặc ủy Công dân vụ… hay các tài liệu, văn bản có chữ ký của các điệp viên phía ta như Huỳnh Văn Trọng, Đinh Văn Đệ (Ba Đệ), Lê Quang Hiền, của Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội Trần Kim Tuyến phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cũng như căn cước rồng xanh được Mỹ in bằng máy IBM mà tình báo của ta làm giả được.

Khi đã có kinh nghiệm hơn, Lâm khoanh vùng những giấy tờ, hiện vật mà anh cần tìm, chẳng hạn như về cơ quan nào, chữ ký của ai. Nhờ đó, khi tác giả Nguyễn Quang Chánh của cuốn “Kể chuyện cụm tình báo H.63” nhờ anh tìm hộ tài liệu về Cụm tình báo H67-J22 và điệp viên Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ) với mật danh H3, anh đã liên hệ với một số bạn bè ở Mỹ Tho (Tiền Giang), quê nhà của ông Lễ, nhờ giúp đỡ. Thật may mắn là sau một thời gian, anh đã có thông tin về một tấm căn cước mang tên Nguyễn Văn Lễ. Anh đối chiếu với thông tin mà mình có được, rồi nhờ gửi tấm căn cước này lên Thành phố Hồ Chí Minh, còn mình thì từ Hà Nội bay vào thực hiện giao dịch. Sau đấy, anh đến nhà ông Tư Cang hỏi thêm và được xác nhận đây chính là căn cước của ông Ba Lễ.

Theo Lâm, nỗ lực tìm kiếm thông tin về điệp viên Ba Lễ có lẽ là trải nghiệm khó khăn nhất trong hành trình sưu tầm của anh và cũng là một kỷ niệm đặc biệt. Thực tế, những giấy tờ như vậy đều bị địch tiêu hủy hoặc bị ta thu giữ sau ngày 30/4/1975. Nếu một số tài liệu vẫn còn tìm được, đấy là vì không nhiều người biết được giá trị của chúng hoặc chúng được cất giữ trong đống giấy tờ cá nhân bị đem bán đồng nát. Vì thế, Lâm có thể có được bộ tài liệu về sự kiện ném bom Dinh Độc Lập ngày 27/2/1962 nhằm ám sát anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu của hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử nhưng cho đến giờ, anh cũng chưa có được văn bản có chữ ký hiếm hoi của Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo đã hy sinh năm 1965 từ một nhà sưu tập ở Bến Tre. Mỗi lần về quê ngoại Bến Tre, anh đều ghé thăm nhà sưu tập này hỏi mua nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng, khi nào đủ duyên thì ông mới nhượng lại cho anh.

Ngoài tài liệu đó ra, Lâm cũng biết có một văn bản có chữ ký khác của Đại tá Phạm Ngọc Thảo khi ông ký tha tù cho một chiến sĩ cách mạng bị bắt khi còn là sinh viên do gia đình xem đây là kỷ niệm của người thân.

42.jpg
Ban tổ chức cuộc trưng bày trao chứng nhận cho Nguyễn Chu Đại Lâm vì những đóng góp cho sự kiện.

Giữ ký ức bằng hiện vật

Cuối tháng 6 vừa qua, tôi may mắn gặp được Lâm ở một nơi cách xa Hà Nội khoảng 40 km, khi anh tham gia trưng bày một phần bộ sưu tập của mình tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam theo chuyên đề “Hà Nam theo dòng lịch sử, tinh hoa cổ vật Hà Nam; 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam; những dấu ấn của báo chí Hà Nam trong quá trình hình thành, phát triển”. Ở đó, Lâm đã giới thiệu cho khách tham quan, các cựu chiến binh hiểu rõ hơn về hoạt động của ngành tình báo Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, về thân thế các điệp viên sẵn sàng gác lại tình cảm cá nhân, gia đình vì lợi ích quan trọng, sống còn của đất nước qua những giấy tờ, hiện vật gắn liền với từng câu chuyện về họ như Huỳnh Văn Trọng, Lê Quang Hiền, Đinh Văn Đệ... Bên cạnh đó là các tư liệu liên quan Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội, Phủ Đặc ủy Công dân vụ, người đứng đầu Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội Trần Kim Tuyến, căn cước của điệp viên Nguyễn Văn Lễ, những tấm căn cước rồng xanh cũng như cuốn hồi ký “Những năm tháng quyết định” của Đại tướng Hoàng Văn Thái ký tặng đồng chí Nguyễn Xuân Ôn, tức Trung tướng Nguyễn Xuân Hòa.

Thú vị là Lâm không phải là người đầu tiên trong dòng họ bước đi trên con đường gắn với những giá trị lịch sử. Theo gia phả ở thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, thành phố Từ Sơn, nay là phường Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh, Lâm là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Chu, một dòng họ có truyền thống khoa bảng và yêu nước, có người từng đỗ tiến sĩ (có bia tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám), làm quan dưới triều Nguyễn. Vì thế, dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản, cùng ký ức dòng tộc về nghĩa khí và học vấn dường như là chất xúc tác nuôi lớn tình yêu lịch sử và tinh thần gìn giữ ký ức nơi chàng trai trẻ sinh năm 2004.

Chính bởi vậy, những tấm căn cước ngả mầu, những dòng chữ ký nguệch ngoạc trên nền giấy mỏng, thậm chí những vết gấp nhăn nheo của một văn bản đã qua tay bao nhiêu người… đều là kỷ vật mà Lâm xem như di sản. Người quen, bạn bè gọi đó là “thú sưu tầm lạ”, nhưng với anh, đó là một hình thức gìn giữ lịch sử bằng con đường riêng đầy sống động và đầy cảm xúc.

Về dự định cho tương lai, Lâm không giấu ước mơ viết một cuốn tiểu thuyết tình báo từ những kịch bản anh đăng trên trang 2212 Vietnam. Hay một dự án gần hơn đang được anh ấp ủ là biên soạn một cuốn sách về các giấy tờ, kỷ vật liên quan đến ngành tình báo Việt Nam, giúp người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về hoạt động thầm lặng của các điệp viên. Vì thế, nếu ai đó vẫn nghĩ rằng, người trẻ chỉ mải mê với công nghệ, mạng xã hội và những trào lưu chóng vánh, Nguyễn Chu Đại Lâm là minh chứng cho một hướng đi khác: Một người trẻ lặng lẽ bước ngược dòng thời gian, đi tìm dấu chân những điệp báo giữa muôn vàn giấy tờ phủ bụi thời gian, giữa những trang sách, những câu chuyện tưởng chừng đã bị lãng quên đang được anh gìn giữ, chắt lọc, nâng niu.

Chu Đại Lâm còn mang đến trưng bày bộ sưu tập quân phục Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ; những huân chương, huy chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có những huân chương, huy chương quý hiếm mà anh sẵn sàng bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh lúc buổi chiều để mua bằng được và bay trở ra ngay trong đêm.

Xem thêm