Phục vụ “xuyên không gian”
Là xã đảo duy nhất của Thủ đô, sau sáp nhập, xã Minh Châu mới gồm xã Minh Châu cũ, một phần thị trấn Tây Đằng và xã Chu Minh thuộc huyện Ba Vì trước đây. Minh Châu từng được ví như “ốc đảo” do giao thương phụ thuộc vào những chuyến phà qua sông Hồng. Sau gần 1 tháng, xã đã có diện mạo mới nhờ chính quyền khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển sát thực tiễn, tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hạ tầng viễn thông, kết nối giao thông và phòng chống thiên tai. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Tiến cho biết: Dù còn nhiều thiếu thốn, đội ngũ cán bộ mới vẫn nhanh chóng thích nghi, linh hoạt tháo gỡ khó khăn ngay từ những ngày đầu.
Do vị trí xa và chia cắt, xã thực hiện mô hình “hai phục vụ”: Ban ngày phục vụ tại trụ sở, buổi tối tới từng hộ dân với sự tham gia của cán bộ một cửa, công an xã và đoàn viên thanh niên. Minh Châu còn là xã đầu tiên trong cả nước khám bệnh, chăm sóc sức khỏe và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho 100% người dân. Với nhiệm vụ chuyển đổi số, xã huy động đoàn thanh niên và tổ chuyển đổi số cộng đồng hỗ trợ thao tác cho đảng viên lớn tuổi; giao nhiệm vụ các ủy viên thường vụ đảng ủy phụ trách công tác chuyển đổi số của từng khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Người dân không còn phải vượt sông đi làm giấy tờ, mà có thể giải quyết ngay tại địa phương.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Lâm Đồng mới hình thành với diện tích tự nhiên hơn 24.200 km², lớn nhất cả nước, gồm 103 xã, 20 phường và một đặc khu hành chính Phú Quý; dân số hơn 3,8 triệu người. Sau nửa tháng vận hành, Trung tâm Phục vụ hành chính công Phường 1 Bảo Lộc mới đã tiếp đón gần 1.800 lượt người, tiếp nhận 563 hồ sơ thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực. 100% hồ sơ đủ điều kiện đều giải quyết trước hạn và đúng hạn. Theo đánh giá trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phường đạt 75/100 điểm, đứng đầu 124 xã, phường, đặc khu của tỉnh Lâm Đồng về giải quyết thủ tục hành chính. Bà Thái Thị Hồng Liên, công chức tư pháp tại Trung tâm cho biết: “Những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng do đã được UBND tỉnh tổ chức tập huấn trực tuyến, chúng tôi vẫn nỗ lực phục vụ người dân chu đáo”.
Chuyển đổi số là chìa khóa để chính quyền địa phương hai cấp vận hành hiệu quả, trong đó có các địa bàn đặc thù. Tại tỉnh Cà Mau, 88,57% hồ sơ hành chính được xử lý trực tuyến từ ngày 1 đến 9/7 với hơn 5.000 hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cách trung tâm tỉnh hơn 100 km đường bộ, tại xã Đất Mũi mới sau sáp nhập, ông Quách Văn Tịch, người dân ở xã Viên An cũ, đến làm thủ tục nhận trợ cấp bệnh hiểm nghèo cho người khuyết tật và được giải quyết nhanh chóng. Ông Tịch tâm đắc: “Ngày trước lên huyện, có khi phải lên tỉnh, rất tốn chi phí và thời gian. Giờ chỉ cần đến xã là làm được liền, thật là tiện!”.
Theo Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Cao Văn Phú, tuy địa giới hành chính rộng hơn, người dân đến xã xa hơn trước, nhưng nhờ được trao nhiều thẩm quyền hơn và hệ thống văn bản liên thông nên phần lớn các đầu việc hỗ trợ cho dân đều được triển khai nhanh hơn. Không còn cấp huyện, cấp xã tại Cà Mau được giao hơn 1.000 đầu việc. Bộ máy và tác phong cán bộ xã chuyển đổi trên tinh thần “từ phục vụ hành chính sang phục vụ nhân dân”. Nhiều chủ trương, nghị quyết của tỉnh nay “đi thẳng” về xã rồi đến người dân, tiện lợi nhiều bề!
Cái khó còn “thách đố” cái khôn!
Dù bước đầu đạt những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn đó những thách thức. Tại Cà Mau, hệ thống VNeID và dữ liệu hộ tịch đôi lúc không ổn định, ảnh hưởng thủ tục đăng ký kinh doanh và hộ tịch. Xã Trần Văn Thời thiếu tài khoản xử lý thủ tục đăng ký kinh doanh, dẫn đến việc chưa thể xử lý cho người dân. Một số đơn vị mới sẽ được thành lập nhưng chưa có văn bản hướng dẫn. Cơ sở vật chất tại xã Nguyễn Huân chật hẹp, với trụ sở Đảng ủy và chính quyền cách nhau 20 km qua một chuyến phà. Xã Tân Tiến thiếu 15 biên chế cán bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động. Lại có xã, hai tên ấp trùng nhau nên gặp khó khi thực hiện thủ tục hành chính...
Tại Lâm Đồng, nhiều xã khó khăn về cơ sở vật chất, chưa đáp ứng quy mô và yêu cầu phục vụ người dân. Một số nơi, cán bộ xã phải đi làm rất xa. Lạc Dương, xã lớn nhất tỉnh có hơn 82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, lượng văn bản mới quá nhiều, thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa hoàn thiện nên khó khăn trong việc tiếp cận của cán bộ, công chức, ảnh hưởng việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Bên cạnh đó, với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu nhiệm vụ cao nên một số cán bộ, công chức còn lúng túng.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên nhiều địa bàn đặc thù khác đã được linh hoạt vận dụng linh hoạt theo từng nơi. Còn nhiều khó khăn, lúng túng, rất cần nêu cao tinh thần “làm thật, hiệu quả thật” của cán bộ và sự đồng thuận của người dân nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững, hài hòa với nét riêng của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc; hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức xã, đặc biệt là đối với những nhiệm vụ mới, phức tạp; rà soát, tổ chức thi tuyển công chức cấp xã… Trước mắt là phải khẩn trương bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ xã, không để việc thiếu trang thiết bị và điều kiện làm việc gây ảnh hưởng đến người dân.