Phân rõ các lĩnh vực để phục vụ đúng đối tượng và tiện cho người dân tiếp cận làm thủ tục là cách làm cần được nhân rộng.
Phân rõ các lĩnh vực để phục vụ đúng đối tượng và tiện cho người dân tiếp cận làm thủ tục là cách làm cần được nhân rộng.

Chuyên đề: Gần dân, vì dân phục vụ

Mô hình độc đáo, kinh nghiệm kịp thời

Triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chưa lâu, nhưng tại một số địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo mới, góp phần phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả. Từ trung tâm đô thị lớn cho đến nơi biên giới, chính quyền 2 cấp đã và đang hiện diện một cách rõ nét: Sâu sát để phục vụ nhân dân.

Những cách làm sáng tạo

Nhờ chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất và nguồn lực, phường Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đã áp dụng mô hình “một điểm đến - đa dịch vụ”. Mô hình này xuất phát từ thực tế người dân đến đăng ký thực hiện thủ tục hành chính về hộ tịch nhưng cần cập nhật dữ liệu tại ứng dụng VNeID trước. Do đó, Công an phường Tân Sơn Nhất đã bố trí cán bộ đến làm việc tại trụ sở Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) để hướng dẫn, hỗ trợ bà con hoàn thành thủ tục nhanh chóng, không phải mất thời gian di chuyển sang trụ sở Công an phường như trước kia.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn bố trí hai khu vực làm việc của Thuế cơ sở số 16 để giải quyết các thủ tục về thuế phi nông nghiệp và Bảo hiểm xã hội khu vực II để giải quyết các thủ tục liên quan về bảo hiểm xã hội. Phó Chủ tịch UBND phường, kiêm Giám đốc TTPVHCC phường Tân Sơn Nhất Lâm Việt Thảo cho biết: “Việc bố trí các đơn vị liên quan làm việc tại Trung tâm giúp giải quyết đồng bộ nhiều thủ tục tại chỗ. Mô hình “một điểm đến-đa dịch vụ” đang phát huy hiệu quả, giảm thời gian đi lại, chờ đợi và tăng sự hài lòng của người dân”.

Tại phường An Khánh (TP Hồ Chí Minh), điểm nổi bật của TTPVHCC là sử dụng hai robot vào hỗ trợ, phục vụ nhân dân. Robot sẽ hướng dẫn người dân lấy số thứ tự, tra cứu thông tin, tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, trả lời một số nội dung liên quan thủ tục hành chính và phục vụ bánh, nước cho nhân dân. Việc này giúp cán bộ có thêm thời gian xử lý chuyên môn. Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND phường, kiêm Giám đốc TTPVHCC phường An Khánh cho hay: Trước đây, TP Thủ Đức cũng đã ứng dụng các phần mềm vào giải quyết thủ tục hành chính, đến nay phường An Khánh tiếp tục cải tiến, hoàn thiện quy trình để phù hợp với thực tiễn. Trí tuệ nhân tạo, công nghệ hiện đại tiếp tục là những giải pháp mà chúng tôi hướng tới để phục vụ người dân tốt hơn.

Còn ở tỉnh Vĩnh Long, các cấp bộ đoàn tỉnh đã đồng loạt ra quân triển khai đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại 124/124 xã, phường. Tham gia hoạt động có hơn 2.000 tình nguyện viên tích cực hỗ trợ chính quyền và phục vụ người dân với nhiều nội dung thiết thực như: Hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID, truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia và địa phương, nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu kết quả... Hoạt động thiết thực này đang góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số ngay từ cơ sở.

Linh hoạt các giải pháp

Sì Lở Lầu là xã biên giới của tỉnh Lai Châu, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao đỏ. Chị Quách Thu Triệu, cán bộ tư pháp của TTPVHCC xã cho hay: “Những ngày đầu vận hành, chúng tôi rút kinh nghiệm từ mô hình trước, cố gắng làm sao xử lý hồ sơ nhanh nhất, để bà con không phải quay đi quay lại. Dù phải làm việc trên máy tính cũ, mạng internet chập chờn, nhưng được tỉnh cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật lên tận nơi, nên việc tiếp nhận và trả kết quả hành chính vẫn cơ bản bảo đảm”.

Sau hợp nhất, các hồ sơ bảo hiểm của tỉnh Vĩnh Long dồn về nhiều. Để bảo đảm công việc vận hành trơn tru, Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh Vĩnh Long Trần Thái Lộc cho biết, đơn vị đang phối hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội và cử cán bộ đến các phường, xã để hỗ trợ. Ngoài ra, Trung tâm cũng tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để triển khai vận hành quản lý thông tin điện tử của tỉnh, triển khai cho người dân tiếp nhận thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công quốc gia. Bước đầu cơ bản 124 Trung tâm phục vụ hành chính công của xã, phường được thực hiện thuận lợi, tạo điều kiện an tâm cho cá nhân, tổ chức khi đến làm việc.

Những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cùng lãnh đạo sở, ngành đã đi khảo sát, thăm hỏi động viên một số xã, phường trên địa bàn tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Hồ Thị Hoàng Yến yêu cầu các cấp ủy phải phát huy tốt vai trò lãnh đạo, nhanh chóng, chủ động hoàn thiện bộ máy nhân sự, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Đặc biệt, phải chú trọng tăng cường tuyên truyền định hướng tư tưởng, tạo sự đồng lòng thống nhất giữa hệ thống chính trị và nhân dân.

Trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, những khó khăn nảy sinh sẽ là “phép thử” để từng bước hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy và chính sách phù hợp thực tiễn. Với quyết tâm và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, mô hình này sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Xem thêm