Để có nền móng cho sự phát triển bền vững và đồng đều giữa các vùng, miền, để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thông suốt hơn, cần có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.
Làm hết việc chứ không tính hết giờ!
Từ xã đảo cách biệt đến các phường trung tâm, sau gần một tháng triển khai, chính quyền địa phương 2 cấp đang mở ra hướng đi mới cho Thủ đô Hà Nội. Dù còn không ít khó khăn như xã Minh Châu thiếu phòng làm việc; phường Hồng Hà thiếu chữ ký số, dữ liệu đảng viên chưa cập nhật kịp thời; xã Phú Xuyên còn vướng mắc khi truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia qua VneID; khối lượng hồ sơ hành chính tăng đột biến cũng tạo áp lực lớn lên các đơn vị... nhưng tại phường Hà Đông - chỉ 2 tuần tiếp nhận tới hơn 3.000 hồ sơ - đã chủ động tách riêng thủ tục chứng thực để giảm tải cho bộ phận “một cửa”, được người dân đánh giá cao. Các phường Yên Sở, Hoàn Kiếm, Hồng Hà, Tây Hồ… vừa giải quyết thủ tục đúng hạn, vừa chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ mới.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hệ thống phần mềm dùng chung của thành phố cơ bản hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu xử lý công việc. Hồ sơ hầu hết được xử lý và đúng hẹn. Người dân, doanh nghiệp khá hài lòng về thái độ phục vụ và trách nhiệm của cán bộ. Khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát sinh trong giải quyết các thủ tục đã được kịp thời xử lý. Theo ông Lâm Việt Thảo, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) phường Tân Sơn Nhất, Trung tâm hiện có 10 người, vừa làm chuyên môn vừa giải quyết hồ sơ, thủ tục cho dân theo quy trình một cửa liên thông. Trung tâm có bàn hướng dẫn tại sảnh và cán bộ trực, hỗ trợ dân kiểm tra hồ sơ, cung cấp biểu mẫu, hướng dẫn trình tự và điều phối đến đúng vị trí làm việc. “Phân công rõ ràng, phục vụ tích cực, phối hợp liên thông đang góp phần xây dựng nền hành chính công hiện đại, hiệu quả và gần dân”, ông Thảo nhận xét.
Thực tế tại nhiều địa phương tỉnh Vĩnh Long cho thấy, TTPVHCC cấp xã được bố trí ở khu vực thuận tiện, đầy đủ trang thiết bị, máy móc; việc phối hợp giữa các đơn vị chặt chẽ, hệ thống hạ tầng-kỹ thuật đồng bộ, lỗi kỹ thuật khi vận hành được khắc phục nhanh chóng, các đơn vị đều cử cán bộ, đoàn viên hướng dẫn người dân đăng ký, nộp hồ sơ trực tuyến. TTPVHCC xã Phú Quới dường như ngày nào cũng quá tải. Chủ tịch UBND xã Phú Quới Võ Trung Sơn cho biết: “Xã có khu công nghiệp Hòa Phú với hơn 30 nghìn công nhân và hiện có khoảng 50 nghìn dân nên người đến làm thủ tục đông, chưa kể các doanh nghiệp, công ty... Tuy còn bỡ ngỡ nhưng chúng tôi phục vụ hết mình, làm hết việc chớ không tính hết giờ”. Khuôn viên TTPVHCC còn chật hẹp, nhưng xã đã tận dụng các mặt bằng của UBND ở 2 bên, bày bàn ghế và nước uống phục vụ người dân khi đến làm thủ tục. Nhiều người cho biết, tuy đông nhưng được cán bộ phụ trách, nhất là các em sinh viên hướng dẫn rất nhiệt tình.
Ở tỉnh vùng cao phía bắc - Lai Châu, TTPVHCC xã Tả Lèng, ngày cuối tuần vẫn rộn ràng. Người dân các bản H’Mông, Dao, Thái đến giải quyết thủ tục hành chính trong tâm thế phấn khởi. Sau ngày 1/7, xã Tả Lèng (gồm 3 xã cũ: Giang Ma, Hồ Thầu và Tả Lèng) đã phân công cán bộ phụ trách rõ từng lĩnh vực, bảo đảm mọi hoạt động hành chính không bị gián đoạn. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Trinh cho biết: “Với lợi thế về cảnh quan, văn hóa và đặc sản địa phương, xã đặt mục tiêu đến năm 2030 đón hơn 70 nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Mỗi bước chuyển mình hôm nay là nền tảng để Tả Lèng vươn lên thành điểm sáng vùng cao”.
Tại tỉnh Phú Thọ, xã Tam Sơn huy động người hoạt động không chuyên trách đến hỗ trợ dân chuẩn bị hồ sơ, điền thông tin, nộp hồ sơ. Cán bộ xã làm việc cả thứ bảy, chủ nhật và ngoài giờ. Xã Vĩnh Tường đang vận hành thuận lợi nhờ có Văn phòng đăng ký đất đai, Bảo hiểm xã hội, Bưu điện trực tại chỗ.
Rất thuận tiện cho bà con ta!
Đông đảo cán bộ, người dân rất đồng tình, ủng hộ chủ trương của Đảng khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ông Lê Minh Trí, cán bộ về hưu, ngụ phường Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long đánh giá: “Vận hành bước đầu chắc chắn sẽ có vướng mắc chỗ này chỗ kia nhưng dần dần tổ chức bộ máy, điều kiện cơ sở vật chất sẽ ổn định để bảo đảm chính quyền mạnh, hiệu quả trên tinh thần kiến tạo, vì dân phục vụ”. Bà Nguyễn Thị Mộng Tuyền, ngụ ấp Phước Điền, xã Đồng Khởi cho biết: “Buổi sáng tôi đến đây làm giấy ủy quyền và xác nhận tình trạng hôn nhân, được cán bộ giải thích, hướng dẫn tận tình nên công việc diễn ra nhanh chóng”.
Nhờ rút ngắn khoảng cách, địa điểm và thời gian, người dân đi làm thủ tục càng thuận lợi hơn. Chị Thái Linh Nhi cư trú tại phường Phước Hậu (Vĩnh Long), do công việc đột xuất, chị ghé TTPVHCC Cái Ngang (hai địa phương cách nhau hơn 10 km) để giải quyết thủ tục. Chị Nhi phấn khởi: “Em được hướng dẫn lên VNeID nộp dịch vụ công, chỉ 5-10 phút đã hoàn thành. Đi đến đâu cũng có thể nộp được hồ sơ trực tuyến, rất thuận lợi cho người dân mình”.
Bản Bo, xã mới thuộc tỉnh Lai Châu có 21 bản, hơn 9.300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Lào và Lự. Thực hiện xong thủ tục tại phòng “một cửa”, ông Lò Văn Chai, người Lào ở bản Nà Tăm hồ hởi: “Bao đời nay, người Lào và người Lự chúng tôi sinh sống dọc theo suối Nậm Mu, cùng nhau giữ gìn các phong tục như nhuộm răng đen, se sợi, đan chài, úp cá…, cùng nhau hát dân ca trong các nghi lễ rước hồn trâu, lễ cúng bản, té nước, xòe chiêng… Những giá trị ấy vẫn như một sợi dây kết nối cộng đồng. Nay hai dải đất thành một, thuận lợi đủ đường. Các thủ tục hành chính được giải quyết ngay tại xã, không phải đi xa, người Lào cũng như người Lự, ai cũng mừng”. Còn ông Giàng A Thào (bản Giang Ma, xã Tả Lèng, Lai Châu) thì so sánh: “Giờ chỉ cần đến xã là có thể làm thủ tục đất đai, không còn phải lên huyện vất vả như trước nữa”.

“Công bộc” vì dân vượt khó
Theo Phó Giám đốc TTPVHCC xã Tả Lèng Hoàng Văn Phưởng, dù chỉ gồm 2 phòng ghép lại tại tầng trệt UBND xã, nhưng Trung tâm vẫn tiếp nhận và giải quyết hàng chục thủ tục mỗi ngày theo cơ chế “một cửa”, từ tư pháp, hộ tịch đến chính sách xã hội, giáo dục, y tế… Tất cả đều đặt mục tiêu phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Ở xã biên giới A Vương, TP Đà Nẵng, cán bộ có mặt từ 7 giờ 15 phút sáng. Xa người thân, gia đình, tất cả đều hết mình làm việc. Nhiều người nói vui: “khi có việc thì ta cứ đi”. 12 giờ 30 phút trưa, đón phóng viên trong căn phòng trọ thuê phía khu dân cư trên đường vào trụ sở UBND xã (thôn Azút), chị Briu Thị Tiết và ALăng Thị Pa Ri, cùng là cán bộ Phòng Văn hóa - xã hội, mời khách ngồi tạm sàn nhà. Căn phòng hơn chục m2, 1 chiếc giường đôi và 2 chiếc gối, mùng, mền, mới thêm chiếc nệm nhỏ. “Chiếc nệm này em mới cột sau xe máy chở từ nhà lên đây. Nhỡ có chị em nào chưa thuê được nhà, trưa về đây cùng ngả lưng. Ai cũng cố gắng làm hết việc, không cho phép mình lùi lại phía sau”, chị ALăng Thị Pa Ri nói và không giấu được xúc động khi nén lại nỗi nhớ con, nhớ nhà. “Khó khăn nào rồi cũng phải vượt qua, không chỉ tôi mà toàn bộ cán bộ xã đều xắan tay vào việc. Nhiều cán bộ nam kê luôn ghế trong phòng làm việc, ngoài hành lang cơ quan hoặc ở nhờ nhà người quen để đi làm”, chị Briu Thị Tiết cười hiền. Từ nhà chị lên đây hơn 30 km và toàn đường rừng, trơn trượt, nhưng đi mãi cũng quen.
A Vương được sáp nhập từ 2 xã Avương và Bhalêê (huyện Tây Giang cũ) với tổng diện tích 225,3 km2, dân số gần 5.500 người, hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Cơ Tu. Tại TTPVHCC xã, trưa đứng bóng, cán bộ vẫn làm việc và người dân vẫn đến làm các thủ tục hành chính. Trung tâm thuê một ngôi nhà cấp 4 của người dân phía bên ngoài trụ sở UBND xã để làm việc. Nhân lực ít, trang thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hệ thống hạ tầng mạng yếu, thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ trung tâm nỗ lực gấp nhiều lần để hoàn thành khối lượng công việc lớn. Phó Giám đốc Arâl Ta cho biết: Trung tâm có 6 cán bộ, trong đó có 4 cán bộ chuyên trách, anh em đều ở xa trung tâm xã, người xa nhất là 50 km, gần nhất là 15 km. Còn theo Chủ tịch UBND xã Briu Quân, toàn xã có 16 thôn với 1.329 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 41,38%, nhiều thôn vùng sâu, vùng xa rất khó khăn. Hiện xã đang xin hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở hành chính mới để bảo đảm điều kiện làm việc, thuận lợi cho người dân.
Chị Phạm Thị Pha Lin, ở xã Vĩnh Điều, tỉnh An Giang: “Đến đây làm ăn, cách nhà hơn 100 km, nhưng ra xã làm thủ tục kết hôn vẫn được. Quá thuận tiện cho người dân, không phải về tận nơi ở trước kia để làm thủ tục”.
Nhiều phát sinh cần sớm tháo gỡ
Tuy vậy, nhiều địa phương còn gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cán bộ xã chưa được tập huấn về phần mềm liên thông thuế, trích lục bản đồ, cách viết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… nên chưa cấp sổ được cho dân dù đã có thẩm quyền. Theo Chủ tịch UBND xã Phú Quới, tỉnh Vĩnh Long Võ Trung Sơn, hiện trong các phần phềm được triển khai thì cũng có chương trình thừa chưa dùng tới và còn thiếu một số chương trình như về đất đai.
Ba tuần sau khi sáp nhập, các xã, phường của tỉnh Phú Thọ vẫn “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa ổn định hoạt động bộ máy, tổ chức Đại hội Chi bộ, Đảng bộ. Còn nhiều bỡ ngỡ khi phần lớn người dân chưa quen thủ tục trực tuyến; đội ngũ công chức cấp xã nhìn chung còn yếu về công nghệ thông tin, chậm nắm bắt chuyển đổi số. Nhiều xã đang thiếu trầm trọng công chức địa chính-xây dựng. Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực nằm ở trung tâm các huyện cũ, chưa cử cán bộ về xã làm việc trực tiếp. Tại xã Vĩnh Thành, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã do tỉnh điều động về, đã qua nhiều vị trí công tác. Song gần 90% cán bộ, công chức làm việc ở cấp xã trước đây. Theo Chủ tịch UBND xã Phùng Đắc Chiến, xã đang thiếu công chức địa chính-xây dựng trong khi phải xử lý khối lượng công việc rất lớn trong lĩnh vực quản lý đất đai, tiếp nhận và quản lý khoảng 170 dự án chuyển tiếp.
Không gian, cơ sở vật chất cũng là câu hỏi cấp thiết. Nhiều xã mới đang cùng lúc sử dụng nhiều trụ sở. Càng sáp nhập nhiều xã, số cán bộ, công chức càng lớn như tại Phú Thọ, phường Phúc Yên có 166 cán bộ, công chức; xã Xuân Lãng có 119 cán bộ, công chức... Xã, phường mới, dân số tăng nhiều lần nhưng trụ sở làm việc vẫn giữ nguyên hiện trạng. Với các xã được sáp nhập từ 4 hoặc 5 xã thì mỗi trụ sở cũ được sử dụng cho một bộ phận khác nhau như Đảng ủy và Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể; UBND xã và bộ phận tiếp công dân; Văn phòng phục vụ hành chính công… Một số địa phương còn phải tận dụng các phòng chức năng, hội trường, nhà văn hóa thôn để làm việc hoặc làm lưu trữ. Trong khi đó, hầu hết các trụ sở cũ cần cải tạo, nâng cấp, đầu tư thiết bị mới. Như tại xã Phú Quới, tỉnh Vĩnh Long, bộ phận hộ tịch và cấp bằng lái xe chưa thực hiện do TTPVHCC chưa bố trí được công an vào chung để phục vụ người dân, mà phải tới công an xã ở cách vài km.
Còn ở xã Bản Bo (Lai Châu), phần lớn trang thiết bị hành chính đều tận dụng lại từ hai xã cũ, nhiều máy tính đã cũ kỹ, cấu hình thấp khiến hệ thống phần mềm vận hành chậm, hay bị nghẽn, các văn bản ký số đôi khi còn gặp lỗi kỹ thuật. Đặc biệt, chuyển đổi số vẫn là bài toán đầy thử thách ở địa phương vùng cao này. “Do địa bàn rộng, khoảng cách người dân cách nhau xa, điều kiện tiếp cận công nghệ còn hạn chế. Nhiều người chưa biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến hay cài đặt VNeID. Cán bộ xã phải đến từng hộ dân hướng dẫn tận tay”, một cán bộ xã chia sẻ.
Mong Trung ương, tỉnh sớm cấp kinh phí để sửa chữa trụ sở, mua sắm trang thiết bị, đào tạo công nghệ cho cán bộ, công chức và chi thường xuyên. Sớm bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, công chức. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ, phối hợp với các tập đoàn viễn thông để người dân sớm được tiếp cận và sử dụng điện thoại thông minh… Đó là những nguyện vọng thiết thực của các địa phương cơ sở khi đang từng bước vận hành mô hình mới, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo (Lai Châu) Cao Trang Trọng: “Một trong những rào cản lớn hiện nay là việc tiếp cận công nghệ thông tin trong cộng đồng còn hạn chế. Người dân chưa có thiết bị, chưa quen thao tác số”.