Sống trong lo âu
Xây dựng từ cách đây hơn 50 năm, chung cư Thanh Đa (phường Bình Quới, Thành phố Hồ Chí Minh) đã xuống cấp nghiêm trọng cần sớm được sửa chữa, xây dựng lại. Tuy nhiên, dù dự án xây mới đã được thành phố thông qua nhưng vướng nhiều thủ tục nên sau hàng chục năm chờ đợi, các tòa chung cư khang trang hơn vẫn chưa xuất hiện.
Theo thời gian, nhiều hạng mục của chung cư như mảng tường, hệ thống điện đã xuống cấp còn diện tính đất công viên thì bị lấn chiếm. Tại các căn hộ, để tăng diện tích sử dụng, hầu hết các hộ cũng đã “độ” các ban-công, cửa sổ bằng những khung sắt cố định, bất chấp các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Khi cơ quan chức năng tuyên truyền, một số hộ đã cắt bỏ một phần khung sắt này để làm lối thoát hiểm tuy nhiên không đáng kể. Quan sát cho thấy, hạ tầng của hệ thống điện tại chung cư cũng đã xuống cấp, nhiều điểm chắp vá, đấu nối, rất khó bảo đảm yêu cầu an toàn theo quy chuẩn. Khi xảy ra cháy nổ như đám cháy vừa xảy ra tại cư xá Độc Lập thì hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 1.132 chung cư, trong đó có 239 chung cư và 341 khối nhà xây trước năm 1975. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở khác được xây dựng từ năm 1975 đến 2001. Đáng báo động, nhiều hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chung cư cũ đã bị xuống cấp, hư hỏng không thể vận hành, hoạt động. Việc bảo dưỡng, bảo trì tại các chung cư này cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn quỹ rất hạn chế. Đơn cử, tại Miếu Nổi 18 tầng, phường Gia Định, các đơn vị kiểm định cũng xác định hệ thống phòng cháy, chữa cháy của chung cư này không đạt yêu cầu ở nhiều hạng mục. Do không có tầng hầm nên hành lang lối đi, sân chơi đang bị biến thành bãi giữ xe khiến cho việc đi lại, sinh hoạt của cư dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều cư dân cho rằng họ đành chấp nhận “sống chung với lũ” bởi việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp UBND các phường, xã ra quân tuyên truyền, vận động người dân tháo gỡ chuồng cọp. Đại diện phòng PC07 cho biết, công tác này sẽ được duy trì thường xuyên đến khi thành phố không còn tình trạng người dân lắp đặt các “chuồng cọp” như hiện nay. Ngoài ra, các đơn vị cũng vận động 100% nhà ở hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ; có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và các mô hình khác nhằm chủ động tổ chức chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Chủ động tự cứu mình
Nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn trong đời sống hằng ngày, ở tất cả các loại hình nhà ở, kho xưởng doanh nghiệp. Đối với các chung cư cũ có diện tích nhỏ, xuống cấp thì các nguy cơ càng xuất hiện nhiều hơn dù các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản, khuyến cáo, cảnh báo. Theo thống kê, có đến khoảng 70% vụ cháy có liên quan đến vấn đề chạm, chập điện. Nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại lớn (cháy chung cư Carina năm 2018 làm 13 người chết, hàng chục người bị thương; vụ cháy quán karaoke An Phú năm 2022 (tỉnh Bình Dương cũ) khiến 32 người chết) đều có liên quan đến sự cố chập điện.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản về phòng cháy, chữa cháy, các đơn vị cũng tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn cháy, nổ. Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư bị hư hỏng, xuống cấp vừa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành cũng đặt mục tiêu, đến 2030 sẽ hoàn thành cơ bản công tác sửa chữa, nâng cấp, gia cố đối với nhà chung cư cấp B, cấp C xây dựng từ trước năm 1975. Tuy nhiên để hạn chế tối đa các vụ hỏa hoạn, người dân, các cơ sở sản xuất cần chủ động quản lý, xử lý triệt để các vấn đề có nguy cơ gây ra sự cố chạm, chập điện.
Sau vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng tại cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh) hẳn nhiều người cầu mong, thời điểm xảy ra vụ cháy, nếu như không có những “chuồng cọp” thì điều may mắn có thể xuất hiện với các nạn nhân. Có lẽ, sau hậu quả khủng khiếp đó, bên cạnh việc nâng cao ý thức về sử dụng an toàn, đúng cách các thiết bị điện, người dân nơi đây đã nhận thức được độ nguy hiểm của những sự “bít bùng” nên đã tự cắt bỏ, trả lại ban-công thông thoáng cho các căn hộ. Hình ảnh đó không chỉ tạo ra nét thẩm mỹ, trả lại dáng vẻ ban đầu mà quan trọng hơn là để người dân có thêm phương án thoát hiểm khi xảy ra sự cố.