Hướng đến mục tiêu mỗi phường, xã đều có ít nhất một người làm nghề thu gom, Tổ hợp tác nghề ve chai công nghệ, thu gom phế liệu hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau, gồm các phường như Vỹ Dạ, Thuận Hóa, Phú Xuân, Thủy Xuân và đang từng bước mở rộng mạng lưới thu gom phế liệu cho người dân trên địa bàn thành phố.
Điểm nổi bật của tổ hợp tác là việc ứng dụng công nghệ số để thu gom. Để kết nối, người dân trên địa bàn được khuyến khích cài đặt và sử dụng ứng dụng mGreen để có lịch hẹn thu mua ve chai, rác tái chế, phế liệu. Thông qua phần mềm mGreen Collector, các thành viên trong tổ nhận được yêu cầu với thông tin, địa chỉ để chủ động sắp xếp đơn, tối ưu lịch làm việc, đồng thời được hỗ trợ theo dõi lịch sử giao dịch, dòng tiền và quản lý khách hàng một cách hiệu quả. Đặc biệt, ngoài hình thức thanh toán bằng tiền mặt, người thu mua còn có thể sử dụng điểm mGreen (tương đương 1 điểm = 1 đồng) như một đơn vị trao đổi, giúp tạo ra hệ sinh thái giao dịch linh hoạt, minh bạch và tiện lợi.
Thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ TP Huế cho biết, trên địa bàn có hơn 500 hội viên phụ nữ làm nghề thu mua ve chai. Hầu hết đời sống của họ còn nhiều khó khăn. Từ công việc mưu sinh, chị em đã có những đóng góp thầm lặng trong việc bảo vệ môi trường khi thu gom, phân loại rác theo đúng quy trình để giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường. Để kết nối các thành viên cùng ngành nghề, cùng môi trường lao động, Hội đã thành lập các tổ hợp tác thu gom ve chai, kết nối với các dự án thông qua Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) và các tổ chức khác để được hỗ trợ cung cấp đồng phục, giày, găng tay bảo hộ, mũ chống nắng, phương tiện hằng ngày đi thu gom.
Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Ban Quản lý dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, thời gian qua, UBND thành phố Huế và dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do WWF-Na Uy tài trợ thông qua WWF-Việt Nam) đã triển khai nhiều chương trình nhằm giảm thải nhựa cũng như đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn hiệu quả. Đến nay đã có 15.182 hộ gia đình và 492 cơ sở kinh doanh được tuyên truyền, qua đó, thu gom được hơn 18 tấn rác nhựa, giảm rác thải nhựa, túi ni-lông ra môi trường với tỷ lệ 30%. Các tổ hợp tác nghề ve chai trước ở phường An Đông (nay là phường An Cựu) và phường Hương Sơ (nay là phường Hương An) vẫn đang hoạt động khá hiệu quả. Đây vừa là nơi để các cô, các chị làm nghề sinh hoạt, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, cũng là kênh kết nối để giúp nhau phát cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống. Đặc biệt, gần 600 tuyên truyền viên năng nổ, nhiệt huyết đã đóng góp công sức quan trọng để làm nên thành công bước đầu này. Việc thành lập tổ hợp tác số 3 là dấu mốc quan trọng, góp phần mở rộng mạng lưới thu gom ve chai công nghệ trên toàn địa bàn. Dự kiến sắp tới 40 phường, xã mới của TP Huế sẽ dần được kết nối với người thu mua phế liệu thông qua nền tảng số hiện đại, góp phần thúc đẩy Huế trở thành đô thị xanh - sạch - tuần hoàn.