Nỗi ám ảnh âm thanh
Những năm qua, ô nhiễm tiếng ồn đã trở thành nỗi ám ảnh của không riêng người dân xứ Huế mà còn với cả nước. Có nhiều hình thức gây ô nhiễm tiếng ồn như hát karaoke di động, tiếng nẹt pô, còi xe, tiếng ồn từ các nhà hàng, quán sá, tiếng ồn xây dựng. Dù đã được tuyên truyền, xử lý nghiêm nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra, đặc biệt tại các khu dân cư vào ban đêm.
Không khó để bắt gặp cảnh vài nhóm nhỏ tụ tập ở đầu xóm hay trên vỉa hè đô thị Huế vừa ăn uống vừa hát karaoke khiến không chỉ người dân sống quanh đó mà những ai ngang qua đều cảm thấy khó chịu. Tiếng ồn ở nơi công cộng đã đành, tiếng ồn ở các khu dân cư đông người còn khủng khiếp hơn. Anh Nguyễn Thái (đường Phạm Văn Đồng, phường Mỹ Thượng) cho biết, thường xuyên bị tiếng ồn của quán nhậu nhà bên cạnh “tra tấn”. Họ ăn uống, hát, chửi mắng nhau bất kể giờ giấc. “Những âm thanh đó không phải ai cũng chịu được. Con trẻ không thể học bài, người lớn thì bị ảnh hưởng giấc ngủ, dù đã nhắc nhở một vài lần nhưng rồi đâu cũng vào đó, đã không dẹp được lại còn mất tình láng giềng”, anh Thái nói. Sau vài lần chịu đựng và không thể nhân nhượng mãi với cái lý tình làng xóm, vài hộ cùng với anh Thái đã làm đơn phản ánh đến cơ quan chức năng. Thế nhưng, thi thoảng tiếng ồn vẫn xuất hiện.
Thực tế, dù đã chấn chỉnh tình trạng nhưng ô nhiễm âm thanh tự phát do sinh hoạt văn nghệ, ca hát bằng thiết bị âm thanh phóng đại gây mất an ninh-trật tự trong đô thị, khu dân cư vẫn còn phổ biến. Việc quán triệt, triển khai các quyết định, chỉ thị liên quan đến vấn đề này tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả. Điều này khiến tình trạng bức xúc của người dân vẫn còn diễn ra.
Ủng hộ “khung giờ yên tĩnh”
Vào cuối tháng 5, tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh văn hóa, karaoke di động gây tiếng ồn làm mất an ninh-trật tự tại khu dân cư trên địa bàn. Cùng với việc tuyên truyền, các ngành chức năng cũng đã lập đoàn kiểm tra, tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh quán pub, beer club, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn từng bị phản ánh. Cùng với đó, vận động các quán hạn chế gây tiếng ồn sau khung giờ quy định. Trường hợp nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Sau khi chính quyền hai cấp đi vào hoạt động đầu tháng 7, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương đã ban hành chỉ thị về việc tổ chức vận hành thông suốt mô hình chính quyền địa phương hai cấp và xây dựng xã, phường toàn diện trong đó có việc xử lý vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư.
Theo đó, sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan chức năng và chính quyền xã/phường, xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn và môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thực hiện giảm thiểu tiếng ồn, kiểm soát hoạt động sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm; rà soát các điểm có nguy cơ phát sinh vi phạm. Đáng chú ý, sẽ xác định “khung giờ yên tĩnh” trong khu vực dân cư, không để tiếng ồn gây ảnh hưởng đến người chung quanh. Sẽ rà soát các điểm thường xuyên tụ tập đông người, có nguy cơ phát sinh vi phạm, nhất là tình trạng mở nhạc lớn, tổ chức ăn nhậu gây ồn ào vào buổi tối và đêm khuya. Cùng với đó vận động người dân ký cam kết không gây tiếng ồn, giữ gìn an ninh-trật tự và hướng dẫn sử dụng nền tảng số Hue-S và các mạng xã hội khác để phản ánh nhanh các vụ việc vi phạm.
Hầu hết người dân ở Huế hoan nghênh chỉ thị chống tiếng ồn và xác lập “khung giờ yên tĩnh” cho thành phố. “Đây là chủ trương rất hay, hợp tình hợp lý đặc biệt hơn khi Huế là thành phố văn hóa, văn minh. Với cá nhân tôi, tiếng ồn ở một số công trình xây dựng cũng cần được siết chặt lại. Có những công trình họ làm xuyên trưa với tiếng ồn đục, khoan vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến giờ nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe của mọi người”, anh Phạm Linh (phường Phú Xuân) nói. Theo anh Linh, bên cạnh việc quy định về tiếng ồn và “khung giờ yên tĩnh”, thành phố cần dành riêng một số không gian, địa điểm xây dựng những khu vui chơi, giải trí để phục vụ du khách và người dân có nhu cầu.
Được biết, hiện chưa có quy định cụ thể về “khung giờ yên tĩnh”, tuy nhiên theo một số lãnh đạo phường, xã trên địa bàn, khung giờ này nên áp vào mức thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau là hợp lý.
Chủ tịch UBND thành phố Huế yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền xã, phường vận hành thông suốt theo mô hình chính quyền hai cấp, xây dựng môi trường sống “3 không”: không rác, không ồn, không tệ nạn. Đồng thời với quy trình “4 bước” (tiếp nhận - phân loại - xử lý - phản hồi), các phản ánh về tiếng ồn, xả rác, lấn chiếm lòng đường sẽ được xử lý minh bạch, công khai, góp phần tạo dựng niềm tin trong nhân dân.